Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Păh: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng trồng, tạo sinh kế cho người dân, Tổ liên kết trồng dược liệu dưới tán rừng xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai.
Đầu tháng 2-2022, ông Trần Cao Châu và ông Hồ Văn Hiếu (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đã thành lập Tổ liên kết để triển khai mô hình trồng nấm dược liệu dưới tán rừng. Tổ liên kết gồm 7 thành viên cùng nhau đóng góp kinh phí để trồng thử nghiệm 500.000 phôi giống nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai (tương đương khoảng 3 ha). Ông Trần Cao Châu-Tổ trưởng Tổ liên kết-cho hay: Chúng tôi có gần 40 ha rừng trồng keo lai tại xã Ia Ka từ năm 2017. Nấm linh chi đỏ là loại dược liệu quý lại phù hợp trồng dưới tán rừng keo lai nên đã tận dụng nguồn đất rừng vốn có để trồng. Hiện nay, giá một phôi nấm linh chi đỏ là 60 ngàn đồng. Hiện chúng tôi đang liên kết cung ứng phôi giống và tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH lâm nông nghiệp vi sinh Vos Five A (huyện Đak Đoa). “Nấm sau 4 tháng trồng sẽ cho thu hoạch với chu kỳ 3 lần/năm. Dự kiến, mỗi phôi giống sẽ cho năng suất 2-2,2 kg nấm. Hiện giá hợp đồng với doanh nghiệp thu mua là 1 triệu đồng/kg nấm loại 1 và 800 ngàn đồng/kg nấm loại 2. Ngoài ra, trồng nấm dưới tán rừng sẽ góp phần giảm chi phí chăm sóc, bảo vệ rừng. Đặc biệt là tạo việc làm cho lao động tại chỗ, nhất là người dân tộc thiểu số sống gần rừng”-ông Châu chia sẻ.
Còn ông Hồ Văn Hiếu thì cho biết: Việc trồng, chăm sóc nấm linh chi đỏ dưới tán rừng rất đơn giản, chỉ cần đất đủ độ ẩm, thoáng gió và đảm bảo nguồn nước tưới. Mục tiêu của chúng tôi là liên kết, tạo điều kiện cho người dân 2 làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka) có thêm nguồn thu nhập. Trước mắt, chúng tôi hợp đồng mỗi hộ nhận khoán chăm sóc, trông coi và thu hoạch 1-2 sào, theo sự hướng dẫn kỹ thuật của tổ. Công việc này sẽ giúp các hộ có thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. “Nấm linh chi là loại nấm được xếp vào nhóm dược liệu vì có tác dụng trong phòng và điều trị bệnh. Đây chính là tiềm năng và điều kiện thuận lợi để chúng tôi hướng tới phát triển và mở rộng quy mô trồng nấm linh chi cung ứng sản phẩm cho thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện này là diện tích rừng trồng ở khu vực vùng sâu, vùng xa nên chưa thể kéo điện lưới vào phục vụ cho việc tưới”-ông Hiếu thông tin.
Nấm linh chi đỏ được trồng trực tiếp xuống đất, giữa hàng keo lai. Ảnh: Lê Nam
Theo ông Châu, khi mô hình này thành công, Tổ liên kết sẽ tiến hành thành lập hợp tác xã để mở rộng quy mô diện tích. Đồng thời, liên kết với những hộ có rừng trồng hoặc có nhu cầu trồng nấm dược liệu để mở rộng sản xuất. Hợp tác xã sẽ cung ứng phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Kinh phí đầu tư hỗ trợ ban đầu sẽ được khấu trừ khi người dân có sản phẩm bán cho hợp tác xã.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho biết: Việc phát triển cây dược liệu phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trồng dược liệu dưới tán rừng góp phần quan trọng trong công tác phòng-chống cháy rừng mùa khô và bảo vệ rừng. “Đây được xem là hướng đi mới để khai thác bền vững tài nguyên rừng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Hy vọng mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân trên địa bàn huyện trong thời gian tới”-ông Sơn kỳ vọng.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm