Chư Pưh "đánh thức" tiềm năng du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Pưh sở hữu nhiều thắng cảnh và giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số bản địa. Để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, huyện đang tập trung nguồn lực nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch địa phương.
Giàu tiềm năng
Đến làng Ia Khưng (xã Chư Don), chúng tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của thác Ia Nhí. Từ trên cao chừng 10 m, dòng nước ầm ầm đổ xuống rồi len lỏi chảy về phía hạ nguồn là hồ thủy lợi Plei Thơ Ga. Xung quanh thác, cây cối còn khá nhiều, cạnh đó là cánh đồng lúa xanh mướt.
Cho chúng tôi xem một đoạn clip ngắn được quay từ trước năm 2000, ông Huỳnh Đông Lên-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện-nói: “Trong clip này có cảnh cưỡi voi ở thác Ia Nhí. Tôi mới nhờ chuyên gia phục dựng để làm kỷ niệm. Hồi đó, một số người dân ở Nhơn Hòa đã thu hút du khách bằng việc mở dịch vụ cưỡi voi ngắm thác Ia Nhí”.
Thác Ia Nhí hùng vĩ. Ảnh: Thiên Di
Thác Ia Nhí (xã Chư Don) là một trong những điểm đến thu hút du khách ở huyện Chư Pưh. Ảnh: Thiên Di
Tiếp tục dạo một vòng quanh xã Chư Don, chúng tôi được giới thiệu thêm nhiều cảnh đẹp khác. Đó là nơi những cột điện gió ở gần hồ thủy lợi Plei Thơ Ga ăm ắp nước hay vẻ hoang sơ của thác Ia Ngăn có nguồn nước trong vắt. Anh Võ Thành Hưng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Don-chia sẻ: “Chư Don sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp nhất huyện. Hồi dịch Covid-19 chưa bùng phát và diễn biến phức tạp, hàng năm, lượng du khách đến tham quan khá đông”.
Ngoài Chư Don, một số địa phương khác như: Nhơn Hòa, Ia Phang, Ia Le… cũng có nhiều lễ hội độc đáo cùng nghề truyền thống của người bản địa. Đơn cử như ở thị trấn Nhơn Hòa, làng Plei Djriêk được nhiều người biết đến bởi nghệ nhân nơi này tận tâm bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của cha ông; còn làng Lao lại nổi tiếng bởi từng là nơi thuần dưỡng voi đầu tiên tại Tây Nguyên. 
Tập trung phát triển du lịch
Với những tiềm năng sẵn có, huyện Chư Pưh đang triển khai nhiều hoạt động, chương trình thiết thực nhằm phát triển du lịch. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện đang tham khảo ý kiến các chuyên gia, phòng chức năng để hoàn thiện 2 đề án gồm: bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025; phát triển nông nghiệp-dịch vụ nhằm khai thác hiệu quả công trình hồ thủy lợi Plei Thơ Ga. “Sau khi 2 đề án được xây dựng, UBND huyện đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, lãnh đạo phòng, ban chức năng và địa phương. Tới đây, UBND huyện sẽ trình HĐND huyện xem xét, phê duyệt đề án”-ông Lên cho hay.
Những trụ điện gió bên hồ thủy lợi Plei Thơ Ga. Ảnh: Thiên Di
Những trụ điện gió bên hồ thủy lợi Plei Thơ Ga. Ảnh: Thiên Di
Đối với Chư Don, UBND xã cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch và quảng bá về tiềm năng du lịch của địa phương. Mặt khác, UBND xã phối hợp với ngành chức năng để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bí thư Đảng ủy xã Đặng Lê Minh thông tin: “Để bảo tồn di sản cồng chiêng ở các làng người dân tộc thiểu số, trong năm 2020 và 2021, chúng tôi tổ chức 2 lớp dạy đánh cồng chiêng. Huyện cũng trích kinh phí mua tặng làng Ia Ngăng và làng Hlốp 2 bộ cồng chiêng. Chúng tôi giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ xã thành lập Tổ hội dệt thổ cẩm tại làng Thơ Ga B với 9 thành viên nhằm khôi phục nghề truyền thống, tăng thu nhập cho người dân và phục vụ cho kế hoạch phát triển du lịch của xã”.
Đánh thức tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương để giúp người dân có thu nhập cao hơn là việc làm thiết thực nhưng huyện Chư Pưh đang đối mặt với không ít khó khăn, nhất là nguồn kinh phí. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây trở ngại không nhỏ cho việc phát triển du lịch. “Theo đề án của huyện thì Chư Don là điểm nhấn về phát triển du lịch với quy hoạch khu du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng gồm núi Chư Don, thác Ia Nhí, hồ thủy lợi Plei Thơ Ga. Tuy nhiên, du khách đến các địa điểm này trong thời gian qua chủ yếu là người trong huyện và địa phương lân cận. Nguyên nhân là do đường giao thông, hạ tầng ở các thắng cảnh này chưa được đầu tư xây dựng. Chúng tôi rất mong huyện sớm đầu tư kinh phí làm một con đường từ thác Ia Nhí đến hồ thủy lợi Plei Thơ Ga để thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, thưởng lãm”-Bí thư Đảng ủy xã Chư Don kiến nghị.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm