Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chư Pưh: Huy động mọi nguồn lực để trở thành huyện nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Pưh lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025). Tham dự Đại hội có 195 đại biểu chính thức đại diện cho 1.561 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong ngày làm việc đầu tiên (19-8), các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực hệ thống chính trị, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương cho rằng, những kết quả mà huyện Chư Pưh đạt được trong nhiệm kỳ qua đã thể hiện rõ nét công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ; tạo tiền đề để huyện tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, Đại hội cần nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện trong nhiệm kỳ qua nhằm tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp phù hợp, khả thi để khắc phục ngay từ đầu nhiệm kỳ tới.

Đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Pưh lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: ĐỨC THỤY
Đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Pưh lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Đức Thụy


Theo đó, đồng chí Lê Phan Lương đề nghị Đảng bộ huyện Chư Pưh cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tăng cường công tác phát triển đảng viên và kiểm tra, giám sát trong Đảng. Thực hiện tốt công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Tham luận về lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, đại biểu Thạch Văn Lam-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy thẳng thắn nhìn nhận: Công tác xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết ở một số tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị còn thụ động, sao chép lại của cấp trên, một số nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; chưa kịp thời giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm.

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đại biểu Thạch Văn Lam đề xuất một số giải pháp như: thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và lực lượng trực tiếp làm công tác tư tưởng giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, kiến thức và năng lực thực tiễn; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; bám sát thực tiễn, nắm vững tư tưởng cán bộ, đảng viên, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Liên quan đến công tác phát triển đảng viên, đại biểu Trần Đình Thi-Bí thư Đảng ủy xã Ia Hla-đề xuất: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã cần thấy rõ tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của công tác phát triển đảng viên cũng như xây dựng thôn, làng có cấp ủy, coi đây là nhiệm vụ then chốt, cần thực hiện thường xuyên, có hiệu quả để góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng những chi bộ đã làm tốt, đồng thời phê bình, rút kinh nghiệm những chi bộ chưa làm tốt”.

Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

Phát biểu gợi ý phiên thảo luận tại Đại hội, Bí thư Huyện ủy Huỳnh Minh Thuận cho rằng: Các đại biểu cần tập trung đánh giá đúng tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trên từng lĩnh vực, tìm ra nguyên nhân nhằm rút kinh nghiệm cho việc lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới. Trên cơ sở đó, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nhất là những giải pháp có tính đột phá, những nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo vừa phù hợp đường lối chung, vừa đúng thực tiễn. Đặc biệt là khai thác nguồn lực con người để tạo ra thế và lực mới đưa huyện Chư Pưh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2025.   

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Pưh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Pưh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đức Thụy

Trong ngày làm việc đầu tiên, Đại hội đã bầu 33 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa X; lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Huyện ủy khóa X đối với đồng chí Huỳnh Minh Thuận-Bí thư Huyện ủy khóa IX. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa mới đã tiến hành Hội nghị lần thứ nhất để bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

 


Cũng theo Bí thư Huyện ủy Huỳnh Minh Thuận, để hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới, các đại biểu cần tập trung thảo luận nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Vấn đề mấu chốt của ngành nông nghiệp là cần nhanh chóng liên kết, tổ chức lại sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm một cách manh mún như hiện nay.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần chú ý đến quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm OCOP với quy mô, cơ cấu hợp lý, phù hợp điều kiện của từng xã để đảm bảo sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai và bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả các đề án, dự án quy hoạch sản xuất, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng làm cơ sở khoa học phục vụ bố trí cây trồng hợp lý từng vùng; có kế hoạch cụ thể trong sản xuất và chuyển đổi cây trồng, phát triển thủy sản nhằm khai thác hiệu quả công trình hồ chứa trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, huyện cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực; chú trọng hỗ trợ, khuyến khích nông dân, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất an toàn, có chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm; kết nối cung cầu nông sản tại các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Hải-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch nêu ý kiến: Thời gian tới, huyện cần có chính sách, điều kiện và tiêu chí để các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn lực như: danh mục kêu gọi đầu tư; phân bổ nguồn vốn hỗ trợ; quy trình, thủ tục về đầu tư; thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Chư Pưh hôm nay. Ảnh: Đ.T
Quốc lộ 14, đoạn chạy qua huyện Chư Pưh. Ảnh: Đức Thụy


Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương nhấn mạnh: Nông nghiệp là hướng đi chủ đạo của huyện, do đó cần tiếp tục phát huy thế mạnh về đất đai để phát triển nông nghiệp toàn diện, nhất là tận dụng tối đa nguồn nước hồ thủy lợi Plei Thơ Ga để khai thác các nguồn lợi từ thủy sản, du lịch và đảm bảo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng ở một số khu vực hay xảy ra hạn hán; có giải pháp duy trì, phát triển tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích; khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển nông hội, hợp tác xã, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

“Tập trung mọi nguồn lực, nhất là nguồn trong dân để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, huyện đạt chuẩn nông thôn mới một cách bền vững. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục chỉ đạo, củng cố vững chắc các tiêu chí và tiếp tục phấn đấu đạt được các tiêu chí nâng cao”-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị.

NGỌC SANG-NGUYỄN GIANG
 

Có thể bạn quan tâm