Phóng sự - Ký sự

Chư Sê đẩy mạnh tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có trên 10.000 ha cà phê, trong đó, nhiều diện tích đã già cỗi, năng suất thấp. Vì vậy, những năm qua, huyện quan tâm hỗ trợ nông dân tập trung đẩy mạnh tái canh cà phê nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
 

Thực hiện chủ trương tái canh cà phê, nhiều hộ nông dân huyện Chư Sê đã nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Trong giai đoạn 2016-2020, từ các nguồn vốn khác nhau, huyện Chư Sê đã hỗ trợ người dân hơn 4,7 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách huyện) để mua cây giống cà phê cấp miễn phí cho người dân thực hiện tái canh. Ngoài ra, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đã giải ngân hơn 3,7 tỷ đồng cho 41 hộ dân vay; định mức 150 triệu đồng/ha. Nhờ đó, sau 5 năm triển khai, tổng diện tích cà phê tái canh trên địa bàn là hơn 1.683 ha, đạt 112% kế hoạch tỉnh giao và 104% kế hoạch của huyện.

Ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-cho biết: Tái canh cà phê gồm 2 hình thức trồng mới và ghép cải tạo. Các loại giống cà phê tái canh chủ yếu là TRS1, TR4. Qua kiểm tra, diện tích cà phê tái canh trên địa bàn huyện sinh trưởng và phát triển tốt, kháng chịu sâu bệnh cao. Nhiều diện tích cà phê tái canh năm 2016 đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt trên 3 tấn/ha, có địa phương đạt 5-7 tấn/ ha.

Các giống cà phê tái canh chủ yếu là TRS1, TR4 cho năng suất, chất lượng cao và kháng được sâu bệnh tốt.


Cũng theo ông Quý, năm 2021, huyện Chư Sê tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân tái canh gần 300 ha cà phê với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ hơn 764 triệu đồng, người dân đối ứng hơn 260 triệu đồng.

Sau 3 năm tái canh, vườn cà phê 1 ha của gia đình ông Rlan Suk (làng Lê Ngol, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) phát triển tốt. Riêng diện tích 5 sào cà phê tái canh giống TRS1 được hỗ trợ 100% cây giống, đã cho thu hoạch đạt năng suất 6-7 tấn nhân/ha (tăng 2-3 tấn nhân/ha), giúp nâng cao thu nhập.
Người dân xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê nhận giống cà phê để tái canh.
Áp dụng quy trình tái canh mới, vườn cà phê 8 sào của hộ anh Rlan Wil (làng Nú, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) phát triển vượt trội. Anh Wil cho hay, trồng giống cà phê mới hiện nay chỉ sau 2 năm là đã thu bói, sang năm thứ 3, năng suất đã tương đối ổn định.
Người dân xã Ia Tiêm, huyên Chư Sê chuẩn bị đất để xuống giống cà phê.
Ông Dương Quang Nghĩa (làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) chia sẻ: "Gia đình tôi có 1,3 ha cà phê trồng năm 2000. Năm 2020, tôi thực hiện tái canh 5 sào, năm nay tái canh 5 sào nữa. Tôi rất mong các cấp quan tâm tạo điều kiện về vốn vay để kịp tái canh".
Theo ông Phạm Ngọc Hưng-Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Chư Pơng, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, nuôi sống gia đình nên việc tái canh rất cần thiết. Đây là chương trình rất hiệu quả, giúp giảm bớt chi phí đầu tư giống, có được nguồn giống tốt để sản xuất. Vụ này, toàn xã có 21 hộ dân đăng ký tái canh cà phê với diện tích hơn 10 ha.


ĐỨC THỤY (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm