Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân:Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông,thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 19-3, đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân-Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019; phương hướng và những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Cùng làm việc, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Khắc Định-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Đức Hải-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Nhiều chỉ tiêu vượt so với nghị quyết
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho biết: Năm 2018, tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, GRDP bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng (vượt 0,15% so với nghị quyết). Đặc biệt, trên lĩnh vực thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án trên địa bàn. Năm 2018, tỉnh có 58 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng, đã có 32 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện có 92 dự án đang được triển khai đầu tư với tổng vốn hơn 9.870 tỷ đồng; 66 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với tổng vốn khoảng 25.000 tỷ đồng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, tái canh cây cà phê, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất. Chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh có 60/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 32,6%. Các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, hiệu quả và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, nhất là tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10,04%, không còn hộ nghèo là gia đình chính sách.
Công tác xây dựng Đảng cũng luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường; việc thực hiện chính sách cán bộ trong hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm; chú trọng đổi mới công tác dân vận để chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở…
Lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị Trung ương chỉ đạo sớm nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cho các tỉnh Tây Nguyên hoặc đường cao tốc đoạn qua quốc lộ 19 để góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. Đồng thời, có cơ chế mở cho tỉnh như: ưu đãi về tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí vận chuyển, lãi suất ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thức ăn gia súc và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Trung ương xem xét việc xây dựng bình ổn giá các mặt hàng chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, cao su; đồng thời xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân vay vốn ngân hàng trồng hồ tiêu mà hiện nay không có khả năng trả nợ do cây hồ tiêu vừa mất mùa, mất giá và chết; hỗ trợ kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, ưu tiên vốn ODA cho tỉnh để đầu tư các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và cải thiện môi trường nước thải đô thị; xem xét đầu tư cho tỉnh công trình thủy lợi Djang tại xã Lơ Ku (huyện Kbang) để giải quyết nước tưới cho 250 ha lúa 2 vụ và 3.000 ha cây hoa màu các loại với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.
Xử lý các vấn đề cấp bách
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gia đình bà Bùi Thị Lệ Thanh (thương binh 1/4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Đức thụy
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gia đình bà Bùi Thị Lệ Thanh (thương binh 1/4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Tham gia thảo luận tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thống nhất với những kiến nghị, đề xuất cần thiết của tỉnh, nhất là việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và phát triển hạ tầng giao thông. Để góp phần giải quyết một số vấn đề khó khăn hiện nay, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, tỉnh cần chuyển hướng từ chế biến thô sang chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm cao su; chế biến gỗ rừng trồng để xuất khẩu; ưu tiên phát triển tuyến quốc lộ 19 để kết nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản; quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư; tiếp tục giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự thay đổi tích cực của tỉnh khi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch; tỉnh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn; tăng cường nhiều giải pháp cải tạo môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với định hướng của tỉnh về những nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong thời gian tới. Đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản phẩm giúp người dân thoát nghèo; phát triển du lịch sinh thái; nghiên cứu trồng cây dược liệu và huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế vào lĩnh vực lâm sản, nông nghiệp công nghệ cao.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ giao các cơ quan chức năng xem xét, tổng hợp và kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền, nhất là những kiến nghị đối với dự án cấp bách như: đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ 19; rà soát lại các nguồn lực để hỗ trợ cho huyện điểm Kbang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi để giải quyết nước tưới cho đồng bào Bahnar của địa phương này.
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai, chiều 19-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku); đến thăm và thắp hương tưởng nhớ đồng chí Ksor Ní-nguyên Bí thư Tỉnh ủy; thăm và tặng quà cho các đồng chí nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy gồm: Ngô Thành, Nguyễn Duy Khanh; thăm gia đình bà Bùi Thị Lệ Thanh (thương binh 1/4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku). 

 MINH NGUYỄN-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm