Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 4-3, Ban An toàn Giao thông tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 2 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh và đại diện Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 2 tháng đầu năm 2020 tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: L.H
TAI NẠN GIAO THÔNG TĂNG MẠNH
Tại hội nghị, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đã báo cáo khái quát công tác bảo đảm trật tự ATGT 2 tháng đầu năm 2020. Đáng chú ý, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tăng cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ TNGT, làm chết 35 người, bị thương 59 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 4 vụ (7,69%), tăng 1 người chết (2,94%) và tăng 14 người bị thương (31,11%). 
Cũng trong thời gian trên, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã tổ chức gần 3.000 ca công tác, huy động gần 12.500 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên các tuyến được phân công. Kết quả, đã kiểm tra gần 42.000 lượt phương tiện, lập biên bản hơn 18.200 trường hợp vi phạm, xử phạt gần 15.600 trường hợp với số tiền hơn 6,9 tỷ đồng; tạm giữ hơn 4.200 phương tiện và 8.100 giấy tờ; tước quyền sử dụng có thời hạn hơn 660 giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Giao thông cũng kiểm tra 60 lượt phương tiện, phát hiện 35 phương tiện vi phạm, lập 50 biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 tổ chức và 42 cá nhân, tước quyền sử dụng có thời hạn 6 giấy phép lái xe, 2 phù hiệu vận tải, hạ tải 38 tấn hàng hóa quá tải…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ ra 3 vấn đề cơ bản nổi lên cần đặc biệt quan tâm, tìm giải pháp xử lý. Đó là việc gia tăng các vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; gia tăng TNGT xảy ra trên đường giao thông nông thôn liên quan đến xe mô tô; gia tăng TNGT trong đồng bào dân tộc thiểu số (tăng 44,44% số vụ, tăng 150% số người chết và tăng 33,33% số người bị thương), chủ yếu liên quan đến thanh-thiếu niên không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, thanh niên sử dụng xe mô tô độ chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia, chở nhiều người, phóng nhanh, vượt ẩu…
“ĐÃ UỐNG RƯỢU BIA, KHÔNG LÁI XE”
Nổi bật trong 2 tháng đầu năm là những phản ứng tích cực từ dư luận xã hội về Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Từ ngày 1-1 đến 14-2-2020, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt đối với hơn 830 trường hợp (chủ yếu là người điều khiển mô tô) vi phạm quy định về nồng độ cồn với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, tạm giữ hơn 830 phương tiện, tước quyền sử dụng có thời hạn hơn 430 giấy phép lái xe. Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý 19 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Đáng chú ý, Chư Sê là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về số người chết do TNGT trong 2 tháng đầu năm 2020 (xảy ra 8 vụ, 10 người chết và 7 người bị thương), đặc biệt có 4 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Thừa nhận trách nhiệm của địa phương trong việc chưa kiểm soát hiệu quả TNGT, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Nguyễn Hữu Tâm cũng cho rằng: “Hệ thống chính trị cơ sở có lúc, có nơi còn chưa vào cuộc quyết liệt trong công tác đảm bảo trật tự ATGT; còn có tâm lý trông chờ vào lực lượng chức năng như Công an”. Ông Tâm thông tin thêm: Đáng chú ý là các trường hợp thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số sử dụng xe phân khối lớn, xe độ chế chạy quá tốc độ cho phép, không đội mũ bảo hiểm và có sử dụng rượu bia gây TNGT.
Tương tự, ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cũng đề cập: Có đến 4/5 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn huyện liên quan đến thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. “Huyện đã khoanh vùng khoảng 60 trường hợp thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số trên địa bàn thường xuyên có hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, càn quấy để gọi hỏi, giáo dục, răn đe nhằm chấn chỉnh và nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ”-ông Thái nhấn mạnh.  
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: L.H
Trước thực tế trên, Thượng tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng chỉ ra rằng: “Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại hiệu quả của hoạt động tuyên truyền. Từ truyền thông qua loa truyền thanh, in phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu… cho đến tuyên truyền qua các tổ chức hội, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương nhưng thực tế, người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là người dân tộc thiểu số thẩm thấu được bao nhiêu?”. Đề cập nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: Cần phải chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền với những cách làm phù hợp để người dân tự giác chấp hành các quy định về trật tự ATGT. “Dịch Covid-19 đang khiến người dân lo lắng nhưng thực tế, từ nhiều năm nay, TNGT hiện đang từng ngày, từng giờ cướp đi sinh mạng người dân rất nhiều”-Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra phép so sánh. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Nếu địa phương nào để TNGT tăng cao sẽ xem xét, đánh giá hiệu quả công tác cuối năm của những người đứng đầu địa phương”.
Năm ATGT 2020 có chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”; đồng thời, Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 đang từng bước đi vào đời sống. Đây là điều kiện thuận lợi về cơ chế để các địa phương đẩy mạnh kiềm chế TNGT từ nay đến cuối năm. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Mỗi địa phương nên xây dựng chuyên đề riêng, tập trung phân tích, làm rõ các nguyên nhân làm gia tăng TNGT, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp để giải quyết và huy động cả hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc. Có như thế, tình hình TNGT mới được xử lý tận gốc rễ vấn đề và giảm bền vững được”.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, sau 1 tháng triển khai thực hiện Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100, Gia Lai là một trong 10 địa phương có số trường hợp bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao trong cả nước (gồm Thanh Hóa, Đak Lak, Tây Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Gia Lai, Hà Nội, Bến Tre).

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm