Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chú trọng nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo triển khai công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các địa phương, ngành và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn các ngành, đoàn thể, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch nghiên cứu lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống. Trong đó, tập trung xác định nội dung, tiến độ triển khai công tác lịch sử Đảng của cấp ủy đến năm 2020 và 2025 để chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội triển khai thực hiện.

Trên cơ sở định hướng chung của tỉnh, cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của các ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội và xã, phường, thị trấn. Tổ chức bổ sung, tái bản những công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đã biên soạn, xuất bản từ năm 2005 về trước. Xúc tiến công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu từ cấp tỉnh đến cơ sở. Chủ động xây dựng dự toán kinh phí nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng từ ngân sách của địa phương và các nguồn xã hội hóa. Phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên để phối hợp trong công tác nghiên cứu, biên soạn nhằm đảm bảo chất lượng nội dung các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống.

 Năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku tổ chức Hội thảo biên soạn “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân TP. Pleiku 1965-2015”. Ảnh: Thanh Nhật
Năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku tổ chức Hội thảo biên soạn “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân TP. Pleiku 1965-2015”. Ảnh: Thanh Nhật


Đối với cấp tỉnh, sau khi hoàn thành việc bổ sung, tái bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo hướng dẫn và thẩm định nội dung các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng, hồi ký tiểu sử của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, chỉ đạo biên soạn, in ấn, phát hành 500 cuốn sách “Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Từ đại hội đến đại hội” phát hành nhân Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10/12/1945-10/12/2020). Chỉ đạo triển khai việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để biên soạn hồi ký “Căn cứ địa cách mạng Khu 10-Những ký ức không quên” trong 2 năm (2020-2021). Đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chú trọng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng nhằm giúp các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả việc nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống.

Đến nay, 5/6 đoàn thể chính trị-xã hội và MTTQ Việt Nam tỉnh biên soạn xong lịch sử phong trào, lịch sử truyền thống. Liên đoàn Lao động tỉnh đang triển khai nghiên cứu, bổ sung và tái bản “Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 1930-2020”. Hội Cựu chiến binh tỉnh xây dựng kế hoạch khai thác, sưu tầm tư liệu và triển khai nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Sau khi hoàn thành việc biên soạn Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Gia Lai, giai đoạn 1945-2005, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố triển khai biên soạn lịch sử lực lượng vũ trang. Hiện nay, một số ban, ngành cấp tỉnh đã xúc tiến nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống của ngành như: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Công an tỉnh...

Đến nay, 15/17 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành biên soạn và biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử Đảng bộ cấp huyện. Huyện Phú Thiện đang triển khai biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1945-2020. Riêng huyện Chư Pưh đã triển khai sưu tầm, khai thác tư liệu để phục vụ cho việc biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện vào đầu năm 2023 theo kế hoạch.

Song song với đó, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành sưu tầm, lưu trữ tư liệu thành văn, tư liệu hồi ký chuẩn bị cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương; chỉ đạo ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện phối hợp, hướng dẫn để các địa phương cấp xã triển khai việc nghiên cứu, biên soạn bảo đảm tiến độ, có chất lượng. Chỉ đạo, đôn đốc công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng, nhất là ở các xã căn cứ cách mạng, xã anh hùng và các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương theo kế hoạch đến năm 2025. Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng. Hiện các xã Ia Boòng (huyện Chư Prông), thị trấn Chư Sê, xã Ayun (huyện Chư Sê), xã Hà Đông và xã Kdang (huyện Đak Đoa), xã An Phú (TP. Pleiku) và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku, Công an thị xã Ayun Pa… đang xúc tiến nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống.

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của tỉnh trong thời gian qua đã giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về lịch sử Đảng bộ tỉnh, địa phương và truyền thống ngành, đơn vị; khơi dậy lòng tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, cùng chung tay xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc.

 

 TỐNG THỚI MỐC

Có thể bạn quan tâm