Balo kiến thức

Chưa thể xác thực sinh trắc học, làm ngay cách này…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất nhiều người ta thán việc gặp khó khăn trong quá trình xác thực sinh trắc học. Cần phải làm gì trong tình huống này?

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan (36 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm gia vị Bảo Long, khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM, cho biết đã dành nhiều thời gian để xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt tuy nhiên chưa thành công.

Lý do, theo chị Loan là điện thoại báo không quét được CCCD nên dù cố gắng "làm đi làm lại" vẫn không thể hoàn thành được việc xác thực sinh trắc học.

Trường hợp khác, anh Lê Anh Dũng (32 tuổi), làm việc tại Công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết cũng chưa thể xác thực sinh trắc học vì điện thoại đang sử dụng không có NFC (công nghệ không dây cho phép giao tiếp và truyền dữ liệu giữa các thiết bị ở khoảng cách gần) nên không thể quét dữ liệu.

Nhiều người gặp khó khăn trong việc xác thực sinh trắc học vì điện thoại báo không quét được CCCD. Ảnh THANH NAM

Nhiều người gặp khó khăn trong việc xác thực sinh trắc học vì điện thoại báo không quét được CCCD. Ảnh THANH NAM

Đừng quên những lưu ý này Anh Huỳnh Phan Tùng (31 tuổi), chuyên viên kỹ thuật cửa hàng điện thoại Vân Ly, đường Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM, cho biết các dòng điện thoại phiên bản cũ sẽ không hỗ trợ tính năng NFC. Đây là nguyên nhân khiến không thể đọc được các dữ liệu từ CCCD gắn chip. Chính vì thế, trước khi xác thực sinh trắc học, cần kiểm tra điện thoại liệu có hỗ trợ tính năng NFC hay không. "Nếu điện thoại có hỗ trợ NFC, cần phải thao tác đúng mới có thể quét NFC nhanh chóng, chính xác. Nên đặt thẻ CCCD gắn chip lên mặt phẳng rồi sau đó tiến hành đặt điện thoại lên để đọc thông tin thẻ. Vị trí đặt thẻ CCCD gắn chip để có thể quét NFC nằm ở mặt sau của điện thoại và gần khu vực camera hoặc logo của thương hiệu điện thoại. Cần hạn chế việc làm rung điện thoại vì dễ dẫn đến quá trình đọc các thông tin không thể hoàn thành. Nếu vẫn không thành công, có thể thử một số vị trí ở mặt lưng điện thoại, bởi lẽ mỗi dòng điện thoại sẽ có vị trí đọc NFC khác nhau. Ngoài ra, các loại ốp lưng điện thoại dày hoặc ốp lưng có kim loại sẽ ảnh hưởng đến việc đọc dữ liệu từ CCCD. Cần tháo ốp lưng ra khỏi điện thoại trong quá trình xác thực sinh trắc học", anh Tùng khuyên.

Chuyên viên kỹ thuật này cũng nói: "Cần lau thẻ chip trước khi quét CCCD cập nhật sinh trắc học. Vì trường hợp thẻ chip bị bám vào cũng sẽ ảnh hưởng tới việc nhận thông tin. Tương tự, nhiều người có bọc CCCD bằng thẻ nhựa. Nên tháo bỏ thẻ nhựa bọc bên ngoài CCCD khi quét nội dung".

Nhiều người cho biết, trong ngày 1.7, niềm vui lớn nhất là khi cập nhật phương thức xác thực thành sinh trắc học thành công. Ảnh THANH NAM

Nhiều người cho biết, trong ngày 1.7, niềm vui lớn nhất là khi cập nhật phương thức xác thực thành sinh trắc học thành công. Ảnh THANH NAM

Có nên mua điện thoại thông minh đời mới?

Theo anh Lê Quang Thương, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở Q.1, TP.HCM, khi gặp bất kỳ vấn đề gì khó khăn trong quá trình xác thực sinh trắc học thì cần đến các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng để đăng ký thông tin sinh trắc học hoặc để khớp đúng dữ liệu trực tiếp, nhằm tránh bị gián đoạn dịch vụ chuyển tiền.

Một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc: Chẳng lẽ mua điện thoại thông minh đời mới khi điện thoại cũ không hỗ trợ NFC? Anh Thương cho rằng có thể mượn điện thoại có hỗ trợ NFC của người thân để thực hiện việc cập nhật sinh trắc học.

Một câu hỏi khác, đó là khi chưa thể xác thực sinh trắc học, nhưng muốn chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên thì có được không? Anh Thương cho biết vấn đề này cũng sẽ được giải quyết khi khách hàng đến trực tiếp quầy giao dịch.

Anh Thương cũng nói thêm: "Mọi người cũng nên gọi đến đường dây nóng của các ngân hàng để được hỗ trợ 24/7 các vấn đề về tài khoản ngân hàng, trong đó có việc xác thực sinh trắc học".

Có nhiều người xác thực sinh trắc học "một phát ăn ngay", nhưng cũng có không ít người làm cả ngày vẫn gặp lỗi

Có nhiều người xác thực sinh trắc học "một phát ăn ngay", nhưng cũng có không ít người làm cả ngày vẫn gặp lỗi

Cẩn thận kẻo bị lừa

Nhiều ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo người dùng cần phải cẩn thận kẻ xấu lợi dụng việc cập nhật sinh trắc học để lừa đảo. Các ngân hàng khuyến cáo chỉ triển khai thực hiện cập nhật sinh trắc học qua các ứng dụng dịch vụ ngân hàng số hoặc hỗ trợ hướng dẫn trực tiếp tại chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc. Thế nên, mọi hình thức khác như mời đăng nhập đường dẫn, gọi điện xưng là nhân viên ngân hàng để hỗ trợ, yêu cầu cài đặt ứng dụng không xác định... đều là hình thức giả mạo và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chiếm đoạt quyền sở hữu gây thất thoát tài sản ngân hàng của người dùng.

Có thể bạn quan tâm