Chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 6 tháng đầu năm, du lịch Gia Lai có sự phục hồi, phát triển với lượng khách tăng 87% và doanh thu tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong tình hình hiện nay.

Nâng cao kỹ năng nghề

Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Du lịch Gia Lai đã chủ động triển khai các kịch bản phục hồi, tổ chức thành công hàng loạt sự kiện lớn sau khi du lịch mở cửa nên chỉ sau thời gian ngắn đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Từ tháng 3 đến tháng 6, Gia Lai tổ chức thành công hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, nhất là các giải thể thao toàn quốc, chuỗi hoạt động chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách. Nhưng qua các sự kiện cũng thấy được những điểm yếu trong khâu dịch vụ cần kịp thời khắc phục”.

Ban giám khảo đưa ra các tình huống xử lý cho thí sinh thi nghiệp vụ lễ tân. Ảnh: Minh Châu
Ban giám khảo đưa ra các tình huống xử lý cho thí sinh thi nghiệp vụ lễ tân. Ảnh: Minh Châu


Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng, sau hơn 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19, nguồn nhân lực ngành du lịch có sự đào thải, nhiều đơn vị phải tuyển dụng lao động mới, trong đó có những người chưa đạt chuẩn kỹ năng nghề nghiệp. “Cần có giải pháp để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ lao động trực tiếp ngành du lịch, dịch vụ. Nhiệm vụ này không của riêng ai mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch, cơ sở lưu trú, công ty lữ hành cũng như các địa phương có thế mạnh về du lịch. Phải nhìn nhận xem hạn chế lớn nhất của nguồn nhân lực du lịch ở đâu để khắc phục ngay, bởi đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh mở cửa phục hồi du lịch”-ông Nhung cho hay.

Để nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho đội ngũ lao động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức thi nghiệp vụ lễ tân, buồng, quản lý nhà hàng, khách sạn. Theo ông Trần Ngọc Nhung: “Hội thi là một trong những giải pháp để kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn lao động sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua hội thi, ngành du lịch tìm ra sáng kiến hay, giải pháp, cách làm hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống nhà hàng, khách sạn. Ngành du lịch phải quyết tâm tạo ra môi trường phục vụ tốt nhất để tạo ấn tượng đẹp với du khách”.

Trong số thí sinh thi nghiệp vụ đến từ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Pleiku có những gương mặt dày dạn kinh nghiệm lẫn những người mới mẻ trong nghề. Phần thi thực hành vẫn là quy trình nghiệp vụ cơ bản, nhưng giải quyết tình huống do Ban giám khảo đưa ra chính là kỹ năng mềm đánh giá năng lực của lao động giỏi, giàu kinh nghiệm. Lần đầu tham gia thi nghiệp vụ lễ tân, chị Trần Thị Thảo Vy (Khách sạn Pleiku) chia sẻ: “Lễ tân được ví như bộ mặt của khách sạn, chúng tôi luôn nỗ lực để tạo thiện cảm tốt nhất cho du khách khi đến nhận và trả phòng. Ngoài quy trình nghiệp vụ thông thường thì có những tình huống bất ngờ, đòi hỏi phải xử lý khéo léo để tạo tâm lý thoải mái và sự tin cậy cho khách lưu trú. Đây cũng là những kỹ năng, kinh nghiệm mà tôi học hỏi được từ các đồng nghiệp qua hội thi”.

Chuẩn hóa nguồn nhân lực

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh-Trưởng khoa Nghiệp vụ du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai), thành viên Ban giám khảo-cho biết: So với các năm trước, hội thi năm nay có nhiều lao động mới của các nhà hàng, khách sạn. Các thí sinh đã có sự chuẩn bị rất tốt, thực hành đúng tiêu chuẩn VTOS về kỹ năng nghề du lịch, xử lý được nhiều tình huống khó do Ban giám khảo đưa ra. Nhưng 35 thí sinh tham gia hội thi là con số rất khiêm tốn so với nguồn nhân lực trong hệ thống nhà hàng, khách sạn hiện nay. Các doanh nghiệp nên khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động, nhất là nhân lực mới tham gia các hội thi vì đây là cơ hội để cọ xát, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm thực tế.

 Phần thi nghiệp vụ buồng của thí sinh đến từ khách sạn Pleiku. Ảnh: Minh Châu
Phần thi nghiệp vụ buồng của thí sinh đến từ Khách sạn Pleiku. Ảnh: Minh Châu


Cũng theo bà Linh, chất lượng của ngành du lịch không chỉ là cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi, hiện đại mà còn phụ thuộc nhiều vào kỹ năng tay nghề của nhân viên. Để khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn thì trình độ, đạo đức, kỹ năng của người lao động cũng phải đạt tiêu chuẩn cơ bản. Với thang điểm đánh giá theo Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) được các chuyên gia quốc tế và Việt Nam xây dựng, hội thi là dịp để các doanhh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuẩn hóa đội ngũ lao động, tiến tới chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch.

Ngoài phần thi chính của thí sinh đến từ các nhà hàng, khách sạn, một số sinh viên chuyên ngành Quản trị khách sạn Trường Cao đẳng Gia Lai cũng được tạo điều kiện đến hội thi để học hỏi. Em Đức cho biết: “Quan sát các thí sinh, em thấy nghề này không chỉ cần kiến thức mà đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ, kỹ năng xử lý tình huống để ứng xử phù hợp với từng đối tượng khách hàng”. Còn em Kpuih Pết thì chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm tốt với em. Có những kỹ năng chỉ có thể quan sát, tích lũy riêng cho mình. Em mong được tham gia các hoạt động tương tự để học hỏi, tiến bộ trước khi ra trường đi làm”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết thêm: “Tùy vào tính chất các hội thi kỹ năng nghề du lịch, nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên tham gia học hỏi, trải nghiệm. Đây là cơ hội tốt để các em vừa học hỏi thêm về cách xử lý tình huống, vừa đối chiếu kiến thức, kỹ năng đã được trang bị so với thực tế. Chúng tôi rất mừng là sau hội thi, một số khách sạn đã đăng ký nhận sinh viên vào làm việc sau khi ra trường”.

Chuẩn hóa nguồn nhân lực sau đại dịch là góp phần phục hồi ngành du lịch. Sau hội thi kỹ năng nghề dành cho nhân lực nhà hàng, khách sạn, dự kiến cuối tháng 7, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tiếp tục mở lớp bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên.

 

 MINH CHÂU

 

Có thể bạn quan tâm