Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2022 được tổ chức từ ngày 19/4 đến 20/5 nhằm chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất với thông điệp “Thắp lửa tri thức”.
Logo và giao diện Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022 tại địa chỉ https://book365.vn(Ảnh: VGP) |
Với thông điệp này, nhiệm vụ trọng tâm của hội sách năm nay là kết nối, tận dụng tất cả các nguồn lực xã hội để chung tay thắp lên ngọn lửa tri thức trong toàn xã hội, thông qua tổ chức chuỗi chương trình, sự kiện, cuộc thi… có ý nghĩa nhân văn và được kỳ vọng lan tỏa sâu rộng.
Trước đó, Hội sách trực tuyến quốc gia từng được tổ chức trong bối cảnh cả nước phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Tuy sự kiện còn có những thiếu sót, hạn chế về nền tảng công nghệ, nhân sự, tiện ích, kết nối… song không thể phủ nhận đó là một sinh hoạt tinh thần ý nghĩa, bổ ích đối với bạn đọc; tạo động lực thúc đẩy ngành xuất bản, phát hành tiếp cận sự đổi mới, chinh phục thị trường. Chính ở giai đoạn khó khăn nhất lúc ấy, các chương trình khuyến đọc cho vùng sâu, miền xa, nông thôn… vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều đơn vị tài trợ. Điều đó phần nào thể hiện sự quan tâm của xã hội dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc.
Năm nay, Hội sách trực tuyến quốc gia đặt ra các mục tiêu cụ thể: Thu hút tối thiểu 5 triệu lượt truy cập; có sự tham gia của gần 100 đơn vị xuất bản và phát hành trong cả nước; có hơn 40.000 đầu sách tham dự; trợ giá sách tối thiểu từ 15%-25% trực tiếp từ tất cả các đơn vị tham gia và trợ giá từ 30-50% từ quỹ khuyến đọc trong các đợt trợ giá sách từ nhà tài trợ; đạt 30.000 cuốn sách cung cấp đến bạn đọc; mang lại cơ hội mua sách trợ giá cao và tham gia các sự kiện tri thức lớn cho bạn đọc cả nước; tổ chức tối thiểu 7 đến 12 sự kiện tọa đàm lớn có sự tham gia của những nhân vật uy tín, nổi tiếng và có sức ảnh hưởng đối với bạn đọc; tổ chức thành công cuộc thi “Nhà thông thái” theo hình thức trực tuyến nhằm tìm ra 100 nhà thông thái trên khắp đất nước; ứng dụng công nghệ trong tương tác, tạo ra sân chơi trí tuệ cấp quốc gia…
So với Hội sách từng được tổ chức, Hội sách trực tuyến lần này có sự cải tiến đáng kể về nền tảng công nghệ. Cụ thể, đội ngũ vận hành đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào vận hành sàn sách, tích hợp công nghệ vận chuyển, mạng xã hội nhằm tạo không gian tương tác, giao lưu trực tiếp giữa các đơn vị xuất bản, phát hành với bạn đọc. Điểm tiến bộ rõ rệt thể hiện sự chủ động đó là tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều gửi sớm kế hoạch tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc tới Ban tổ chức.
Tuy nhiên, như nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận trên nhiều diễn đàn trước thềm sự kiện, vẫn còn những mối băn khoăn. Thứ nhất, đó là sự tham gia của những người nổi tiếng trong showbiz. Ở những sự kiện trước đó, danh sách Ban tổ chức công bố khá dài, nhưng tới phút chót gần như nghệ sĩ tham gia chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Trí tuệ, cảm hứng, câu chuyện về sách và văn hóa đọc của các ca sĩ, người mẫu, hoa khôi… liệu có tương xứng với sự kỳ vọng của bạn đọc? Đó là một câu hỏi lớn và chỉ được trả lời một cách công bằng, rõ ràng khi họ xuất hiện, giao lưu. Nghe qua một vài cái tên được điểm danh, đã có không ít bình luận tỏ ra nghi ngại khi yếu tố giải trí dường như có phần lấn át tinh thần cốt lõi của Ngày sách và Văn hóa đọc.
Vấn đề tiếp theo luôn nhận được sự quan tâm từ bạn đọc là chất lượng của sách giảm giá. Nhiều mùa hội sách trước, sách tồn đọng thường có nội dung nhạt nhẽo, thiếu hấp dẫn, kỹ thuật in ấn kém… mới được đem ra gắn biển giảm giá. Hoặc ngược lại, có nhiều đầu sách chất lượng của tác giả nổi tiếng vẫn giảm giá quá nửa do nhiều đơn vị đã in lậu. Với thực trạng này, bạn đọc và những người yêu sách chỉ có thể trông chờ vào Ban tổ chức Hội sách năm nay khi trước đó họ đã khẳng định sẽ kiểm soát ở mức độ cao nhất các hiện tượng thiếu lành mạnh kể trên để bảo đảm uy tín, hình ảnh và lợi nhuận cho tác giả, đơn vị xuất bản phát hành và bạn đọc.
Ngoài ra, việc các sàn sách sẽ được duy trì thế nào sau ngày hội là vấn đề đáng lưu tâm. Thực tế, sàn sách trực tuyến chỉ rầm rộ khi có hội, sau đó “ai về nhà nấy”. Đa số các nhà xuất bản, phát hành sẽ không đưa sách lên nữa, trong khi đây vẫn là một kênh hữu ích. Hội sách trực tuyến năm trước bán được 40.000 đầu sách với tín hiệu đáng mừng là đối tượng mua vượt khỏi phạm vi trung tâm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Loại sách được lựa chọn thường là văn học, kỹ năng, truyền cảm hứng… Thành quả đạt được trong khoảng một tháng diễn ra sự kiện như năm 2021 là đáng ghi nhận, nhưng sàn sách chỉ vận hành tốt, không bị bỏ phí chỉ có thể khi tất cả các đơn vị cùng triển khai công nghệ ổn định.
Hai năm vừa qua, đã có những tín hiệu tích cực từ Hội sách trực tuyến, song chưa thật sự mạnh mẽ, chưa có nền tảng đồng bộ về công nghệ, ứng dụng để tạo ra nhu cầu rõ rệt của thị trường, khả năng cung ứng, tiêu chuẩn và nhân lực tốt. Để thông điệp “Thắp lửa tri thức” trở nên thiết thực hơn, cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội nhằm tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ từ bạn đọc, đơn vị xuất bản, phát hành, thư viện, nhà trường, gia đình… Đặc biệt, một ngày hội về sách chỉ có ý nghĩa lớn khi dấu ấn lan tỏa được tới tận vùng sâu, miền xa, mang lại ý nghĩa xã hội, góp phần kết nối sâu rộng hơn, thay đổi những ước mơ, những cuộc đời để ươm mầm giá trị tốt đẹp cho tương lai.
Theo MAI LỮ (NDĐT)