(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022) và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2022, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
* P.V: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm nay có những nét nổi bật gì, thưa bà!
Bà Phạm Thị Lan. Ảnh: Thanh Nhật |
- Bà PHẠM THỊ LAN: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm là dịp để cán bộ, người dân ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đây cũng là dịp các khu dân cư đánh giá hoạt động của các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ phát động, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu và phát động thi đua năm tiếp theo.
Năm nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chọn 17 khu dân cư tại 17 huyện, thị xã, thành phố tổ chức điểm ngày hội. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến dự, chung vui với người dân. Dịp này, các địa phương kết hợp tổ chức các hoạt động như: thăm hỏi hộ nghèo, khó khăn, khởi công xây dựng và bàn giao nhà “Đại đoàn kết”, các công trình phúc lợi, dân sinh…
* P.V:Bà có thể cho biết những kết quả tiêu biểu trong công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Bà PHẠM THỊ LAN: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các nhiệm vụ chính trị của địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả. Đồng thời, chú trọng đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức công tác vận động, tập hợp, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy tinh thần thi đua và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 5 năm qua, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ 49 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này và các nguồn hỗ trợ khác, toàn tỉnh đã xây dựng 900 căn nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa hơn 300 căn nhà, hỗ trợ hàng tỷ đồng giúp vốn sản xuất, khám-chữa bệnh, trao học bổng, tặng quà nhân dịp lễ, Tết… Riêng tại lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm nay, các đại biểu đã ủng hộ Quỹ bằng tiền mặt cùng các mô hình hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà “Đại đoàn kết” với tổng giá trị hơn 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Các hoạt động đối ngoại nhân dân cũng được triển khai phong phú, đa dạng. Đồng thời, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt là già làng, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, chức sắc, chức việc các tôn giáo để vận động tín đồ sống tốt đời-đẹp đạo, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
* P.V:Thời gian tới, công tác Mặt trận của tỉnh tập trung nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào, thưa bà?
- Bà PHẠM THỊ LAN: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển thành viên mới; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận chủ chốt các cấp ngang tầm với vị trí, nhiệm vụ. Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ và đồng thuận, ủng hộ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung, chương trình hành động của MTTQ. Nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cùng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Đổi mới việc nắm bắt tình hình Nhân dân theo hướng chủ động, sâu sát, thực chất, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, kiến nghị với chính quyền giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Tặng giấy khen cho các hộ gia đình tiêu biểu trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Ảnh: Thanh Nhật |
Toàn tỉnh hiện còn hơn 45.000 hộ nghèo, hơn 33.000 hộ cận nghèo, phần lớn là người dân tộc thiểu số, hộ yếu thế, tàn tật… Do vậy, cùng với tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân cần tích cực chung tay ủng hộ Quỹ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh có trách nhiệm thực hiện tốt chương trình hành động theo Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024. Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, bổ sung nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) vào chương trình hành động của MTTQ những năm tới. Thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp. Triển khai thực hiện tốt các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề được người dân quan tâm, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
*P.V:Xin cảm ơn bà!
THANH NHẬT (thực hiện)