Phóng sự - Ký sự

Chuyện chép ngoài vùng trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người lính bay đã hy sinh trong tiểu thuyết nổi tiếng “Vùng trời” ấy vẫn ngồi đây, trước mắt tôi ở tuối 85. Trong ngôi nhà yên tĩnh bên vành đai sân bay Ðà Nẵng. Ðể cùng mở ra ký ức những lát cắt vùng trời thời lửa đạn…
 
Biên đội lịch sử Lan-Túc-Quỳ-Phương (từ trái sang phải). Ảnh: TL
Chiều ấy trời Đà Nẵng chợt nổi dông. Ngồi trong nhà Đại tá Hồ Văn Quỳ, nhà thơ Hữu Việt vừa từ Hà Nội vào mở chúng tôi xem đoạn clip quay bằng điện thoại cảnh Thiếu tướng anh hùng phi công Phạm Ngọc Lan nằm bất động trên giường bệnh viện Quân đội 108. Quây quần là những người lính bay các thế hệ. Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam vốn cũng là một phi công lão luyện, hùng hồn cất lên bài “Phi đội ta xuất kích”. Nhìn kỹ thấy đôi môi anh hùng Phạm Ngọc Lan khẽ mấp máy hát theo. Thời khắc đó là ngày 3/4/2018. Đúng ngày đó 53 năm về trước, ngày 3/4/1965, người bay lừng danh đang nằm trên giường bệnh ấy là người đầu tiên bay lên trời hạ máy bay Mỹ.
Khi nhà thơ Hữu Việt báo tin anh hùng Phạm Ngọc Lan đã mất ngày 16/6/2019 ở tuổi 85, cách đây chưa đầy 2 tháng, ông Quỳ khẽ thảng thốt “Sao lại thế được nhỉ? Sao không ai báo cho tôi biết nhỉ…”. Cũng lạ, bởi làm sao Hồ Văn Quỳ lại không biết về sự ra đi của Phạm Ngọc Lan? Khi thế hệ bay chiến đấu đầu tiên của Không quân Việt Nam, ông Quỳ, ông Lan gần như là những người cuối cùng còn sống, và họ luôn quây quần bên nhau vào mỗi dịp kỷ niệm…
Lịch sử ghi lại, buổi trưa ngày 3/4/1965, phi đội tiêm kích MIG-17 đầu tiên của Không quân Việt Nam, gồm biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan (số 1) - Phan Văn Túc (số 2) - Hồ Văn Quỳ (số 3) - Trần Minh Phương (số 4) đã quả cảm quần nhau với đội hình máy bay Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa. Lần đầu tiên chạm mặt máy bay chiến đấu của Việt Nam, những lính bay Mỹ vô cùng hoảng hốt, bất ngờ. Trận không chiến lịch sử ấy, hai máy bay cường kích phản lực F-8U của Mỹ bị phi đội MIG-17 bắn hạ. Biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan do cơ động với tần suất cực cao nên cạn sạch nhiên liệu, đã phải dùng chính thân máy bay đáp khẩn cấp xuống bãi cát ven sông Đuống…
 
Bộ tiểu thuyết “Vùng trời” do nhà thơ Hữu Việt - con của tác giả Hữu Mai tặng đại tá Hồ Văn Quỳ. Ảnh: Trần Tuấn
Những điều đặc biệt về biên đội lịch sử này: Tất cả đều sinh năm 1934, cùng là người miền Trung, trong đó có tới hai người cùng quê Quảng Nam, là Phạm Ngọc Lan quê vùng cát Điện Nam (Điện Bàn), và Hồ Văn Quỳ quê vùng cát Bình Hải (Thăng Bình). Hai phi công còn lại cùng biên đội sau đó đều lần lượt hy sinh trên bầu trời: Trần Văn Phương (quê Quảng Bình) hy sinh trong trận không chiến ngày 19/5/1967, và Phan Văn Túc (quê Nghệ An) hy sinh ngày 31/12/1967 sau thành tích bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Phi đội 4 người, thì có hai Anh hùng LLVTND, là Phạm Ngọc Lan và Phan Văn Túc. 
Là phi công tiêm kích MIG-17 lứa đầu tiên được đào tạo suốt 9 năm ở nước ngoài kể từ cuối năm 1955 sau khi vượt Trường Sơn ra Bắc, Hồ Văn Quỳ tham gia không chiến 120 trận, bắn hạ 3 máy bay Mỹ, từng bị thương vào đầu ngay trong buồng lái máu chảy đầm đìa nhưng quyết không nhảy dù mà quyết hạ cánh khẩn cấp để bảo toàn máy bay trước khi ngất xỉu.
Danh tiếng phi công Hồ Văn Quỳ tôi biết từ hơn hai mươi năm trước. Bởi gia đình ông từng sát vách trong dãy nhà tập thể không quân với nhà vợ tôi trong sân bay Đà Nẵng, nồi cơm chai mắm của nhau thế nào biết hết. Thời chiến tranh ngoài Bắc, ông Quỳ đánh nhau trên trời, ông già vợ tôi dẫn đường sở chỉ huy dưới đất. Sau 1975 hai ông cùng vào tiếp quản sân bay Đà Nẵng, cùng chung một Sư đoàn. Khi ông Quỳ sang dân sự làm Tổng giám đốc Cụm cảng hàng không sân bay miền Trung, ông lại là sếp của vợ tôi. Khi ông về hưu, đi đón con gái nhỏ học ở Nhà thiếu nhi, nhiều lần tôi gặp ông xe máy quần soọc đón cháu nội. Nhẹ nhõm, hiền lành.*
Gặp Hữu Việt, ông Quỳ tỏ ra thân thiết như người trong nhà. Bởi trong bộ tiểu thuyết sử thi về Không quân Việt Nam mang tên “Vùng trời” của nhà văn Hữu Mai - cụ thân sinh Hữu Việt, thì nhân vật Quỳnh chính là nguyên mẫu phi công Hồ Văn Quỳ ngoài đời thường. Một nhân vật được nhà văn xây dựng đầy tâm tâm huyết về đời sống, tình yêu, tình bạn xuyên suốt tác phẩm dày hơn ngàn trang. Đặc biệt là mối tình Quỳnh-Hảo, mối tình thuộc loại đẹp nhất của văn chương chiến tranh Việt Nam. Xúc động cho đến những dòng cuối cùng…
Chàng lính bay tên Quỳnh trong “Vùng trời” tham gia bộ đội rất sớm, 15 tuổi đã là lính trinh sát ở chiến khu Hòn Hèo (Quảng Nam). Cha mẹ đã mất, ở quê Quỳnh chỉ còn một người chị và một đứa em. Chàng cao lớn “nước da ngăm ngăm đen. Một vầng trán cao tư lự. Cặp mắt một mí hơi xếch hay mở to như có điều gì ngạc nhiên… Quỳnh có nụ cười rất dễ thương. Nụ cười đó làm cho bộ mặt âm thầm hơi đăm chiêu của anh tươi sáng, linh hoạt hẳn lên”.
“Có một người lái máy bay đã viết, nhờ có cái máy bay của mình mà anh hiểu trái đất chúng ta đang sống hơn những người khác, vì anh có những con đường khác với những con đường của những người đi bộ hoặc đi xe”. Viết điều đó, hẳn nhà văn Hữu Mai muốn nhắc tới Saint - Exupery? Viên phi công lừng lẫy, cũng chính là một nhà văn, tác giả của áng văn chương bất hủ “Bay đêm”. Tú và Quỳnh - hai lính bay cùng biên đội mở màn trận không chiến đầu tiên lịch sử, một ngày giáp Tết may mắn được cho về phép thăm nhà. Trên đường đạp xe từ đơn vị về Hà Nội, ngang qua những đồng ruộng, phố phường, những chợ hoa ngày tết, hai anh lính say mê “ngắm đất ngắm trời, say mê nhìn người, nhìn cảnh trên dọc đường như họ chỉ mới nhìn thấy lần đầu”. Những người lính bay đã thuộc lòng khắp bầu trời, nhưng vẫn là cánh đồng, con đường, con người thân thuộc trên mặt đất mới thực sự chiếm phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn họ.
Lá thư đầu tiên của Hảo - cô kỹ sư xinh đẹp ngành thủy sản vừa ra trường gửi cho Quỳnh từ vùng biển đảo Quảng Ninh “viết trên giấy đánh máy màu trắng, chữ đều và sít”. Lá thư thật dài, kể chuyện công việc của một nhà sinh học nơi biển đảo, những tưởng tượng của cô về người bay trên trời trong văn chương... Quỳnh ngồi lặng một mình trong căn buồng tối “người anh nhẹ lâng lâng, ngây ngất lạ kỳ. Anh đang bay trong một khoảng không màu tím vô cùng tĩnh mịch”. Làm sao một người lính bay vừa rời khỏi bầu trời đầy lửa đạn sau trận không chiến khốc liệt, chết sống còn nhanh hơn cái úp ngửa bàn tay, và chỉ trong chốc lát nữa thôi sẽ lại lao lên trời xuất kích, lại có những giây phút cảm xúc lạ lùng đến vậy? Lãng mạn hóa quá chăng? Ngược lại, tôi nghĩ đó là những trang viết chân thật nhất. Như Thượng tướng Đào Đình Luyện, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sao Đỏ, chỉ huy trực tiếp những trận không chiến đầu tiên đã viết đầu bộ sách: “Giá trị của bộ tiểu thuyết sử thi này là ở tính chân thật lịch sử, từ những chất liệu trong đời sống, những sự kiện, những con người thật...”.
 
Nhà thơ Hữu Việt - con trai nhà văn Hữu Mai và nhân vật Quỳnh-Hồ Văn Quỳ trong tiểu thuyết “Vùng trời”. Ảnh: Trần Tuấn
Chân thật, bởi những bức thư ấy trên thực tế còn gần như nguyên vẹn. Những lá thư, nhật ký, giấy tờ, hình ảnh, tư trang cần thiết mà ông Quỳ cũng như mọi người lính bay khác đều đựng hết vào một chiếc hộp, phòng khi chiến đấu không trở về sẽ được gửi lại cho thân nhân. Là những tư liệu quý giá mà nhà văn Hữu Mai được tiếp cận suốt thời gian dài viết nên “Vùng trời”.
Hồi nhớ lại chuyện chết sống ngày ấy, Đại tá Hồ Văn Quỳ chợt bần thần. Ông kể ngày ấy, mỗi lần những người vợ, người yêu phi công lên đơn vị thăm, nghe trực ban báo rằng đồng chí ấy “đi công tác”, là chết nửa người. Như một thông báo gián tiếp rằng anh ấy đã không trở về! Ông kể, từng chứng kiến cảnh vợ một người lính bay nghe nói chồng mình “đi công tác”, đã buông xe đạp quỵ xuống, cứ thế bò dọc theo cầu Long Biên… Phi công chiến đấu những tháng năm khốc liệt ấy, thường chỉ có hai chọn lựa: Một là hy sinh, hai là sẽ trở thành anh hùng. Nhiều người hy sinh trước khi được phong anh hùng.
Khốc liệt như trận không chiến lần thứ hai, ngày 4/4/1965, chỉ một ngày sau trận đầu lịch sử. Trận này, biên đội đánh chính do biên đội trưởng Trần Hanh dẫn đầu, cùng với các phi công Lê Minh Huân, Phạm Giấy, Trần Nguyên Năm xuất kích vào Thanh Hóa đánh địch bảo vệ cầu Hàm Rồng. Còn Hồ Văn Quỳ bay trong biên đội nghi binh, thu hút địch. Kịch chiến diễn ra giữa những chiếc MIG-17 bé nhỏ, với một rừng không lực Mỹ đã “tỉnh đòn” sau thất bại đầu tiên. Kết quả, 2 chiếc “Thần sấm” cường kích F-105 hiện đại bậc nhất của Mỹ bay nhanh gấp hai lần tiếng động bị ta bắn rơi tại chỗ. Nhưng cuối cùng chỉ còn một mình Trần Hanh trong biên đội chiến đấu thoát khỏi sự truy đuổi của địch, hết dầu phải hạ cánh khẩn cấp xuống vùng núi Quỳ Châu (Nghệ An). Ba phi công cùng biên đội ông đã hy sinh ngay trên bầu trời. Năm 1967, sau hàng loạt chiến công xuất sắc, phi công Trần Hanh được phong anh hùng, sau này trở thành Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Cuộc chiến đấu bi tráng ngày 4/4/1965 ấy vừa được Đại học Duy Tân dựng thành phim mang tên “Những cánh én đầu tiên”…
Nhân vật Quỳnh hy sinh/mất tích trong trận chiến một mình một máy bay với B52 trên bầu trời giáp vĩ tuyến 17. Chuyến bay đơn độc của Quỳnh cũng như chuyến bay đêm của Saint - Exupery. Cả hai phi công cùng “mất tích” giữa thăm thẳm bầu trời, không lời vọng đáp. Hảo đi học ở Liên Xô, không đến với tình yêu nào khác, vẫn đau đáu như đợi chờ một ngày anh ấy sẽ về…
Còn ngoài đời thực, theo hồi ức của nhà văn Hữu Mai, thì “Quỳnh không hy sinh, cũng như trong thực tế Hảo và Quỳnh không lấy được nhau chỉ vì Hảo là người miền Nam theo bà con ra miền Bắc tập kết, tổ chức lúc này không hiểu gia đình chị ở miền Nam ra sao. Tôi đã tạo một số phận mới cho những nhân vật có thật ngoài đời để nói lên chủ đề của tác phẩm”.

Những người lính bay đã thuộc lòng khắp bầu trời, nhưng vẫn là cánh đồng, con đường, con người thân thuộc trên mặt đất mới thực sự chiếm phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn họ.

Vỹ thanh
Nhân vật Hảo ở đời thực không ai khác chính là chị ruột của nhà báo Hồ Việt Khuê nguyên là phóng viên báo Tiền Phong tại Bình Thuận. Không đến được với người lính bay, bà sau đó lập gia đình với người khác, hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh, gia đình yên ấm. Nhà báo Hồ Việt Khuê kể, nhà văn Hữu Mai khi theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn, ngày 20/4/1975 đã dừng chân ở Phan Thiết, có ghé vào thăm nhà. Ông còn mở cho cả nhà nghe cuốn băng nhựa ghi lời chị Cúc lúc này đang còn ở ngoài Bắc, khuyên gia đình “đừng làm gì chống lại cách mạng”. Dù cha bà là chiến sĩ cách mạng bị đày đi Côn Ðảo mà do xa nhà từ nhỏ bà vẫn không hay biết.

Viết ra những dòng khá riêng tư này, tôi nghĩ phu nhân Ðại tá Hồ Văn Quỳ bây giờ - một nữ nghệ sỹ múa quân đội sẽ không buồn. Dù trong câu chuyện, ông có hơi “ngại” khi tôi cứ dò hỏi về điều này…

Trần Tuấn (TP)

Có thể bạn quan tâm