(GLO)- Từ sự tin tưởng của Xã đội, sự hướng dẫn của bộ đội và anh em du kích, Puih Glớ ngày một trưởng thành, can trường trong chiến đấu. Đặc biệt, ngày 12-5-1970, người du kích thiếu niên này đã lập thành tích xuất sắc khi bắn rơi 2 máy bay, tiêu diệt 2 tướng Mỹ, thu nhiều vũ khí, đạn dược.
Trang 483 Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) ghi rõ: “Trong chiến dịch (Xuân-Hè 1970) quân và dân Gia Lai đã đồng loạt tấn công nhiều mục tiêu trong thị xã, căn cứ, sân bay, đường giao thông, ấp chiến lược và các đợt đổ quân “bình định” của địch (...). Trong chiến dịch này, nhiều đơn vị, cá nhân lập thành tích xuất sắc, được Nhà nước ta tuyên dương, tặng thưởng. Anh du kích Puih Glớ, 16 tuổi, dân tộc Jrai, quê ở làng Maih, xã B6 (khu 4), vào ngày 12-5-1970, với 3 viên đạn súng trường đã bắn rơi chiếc trực thăng, tiêu diệt tên tướng ba sao Giôn Đin La, Tư lệnh công binh Mỹ ở miền Nam, Việt Nam và tên tướng 2 sao Ađam đi cùng. Ngày 15-10-1970, anh được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba”.
Một buổi chiều bắn hạ 2 “chim sắt”
Trong báo cáo thành tích năm 1974, Puih Glớ kể lại: Lúc đó, mặt trời đã gần lặn, ông và 2 du kích đi về làng Tô xin thuốc hút. Trên đường đi, họ thấy một chiếc trực thăng từ hướng Tây bay về phía Pleiku, theo sau xa và cao hơn có 2 trực thăng phóng pháo. “Máy bay đi đầu đến vùng làng Maih, nó xuống thấp và quần lại. Tôi và 2 du kích đứng núp vào bụi cây xem. Thấy máy bay bay thấp quá tôi kêu bắn, 2 anh du kích không cho, nói là gần chỗ mình ở bắn lộ, nói vậy rồi lánh vào rừng. Tôi không có súng, thấy nó bay thấp quá tôi chụp lấy khẩu súng AR15 của anh du kích đứng gần, dựa vào một cây to. Máy bay quần lại lần thứ hai thấp quá ngọn cây, tôi kê súng vào cây. Chiếc máy bay đã ở hết trong đầu ruồi của súng, tay tôi bóp cò, 2 loạt 20 viên. Máy bay nó bắn xuống. Tôi bóp cò loạt thứ ba nữa. Máy bay lảo đảo phụt một đường khói đen rồi lửa đỏ ăn máy bay. Nó lướt qua rồi chúi xuống. Tôi chạy qua chỗ khác thì nghe rầm một tiếng giống như cây ngã. Tôi biết là máy bay rớt rồi. Nhưng sao 2 chiếc phóng pháo đi luôn không phản ứng”.
Máy bay rơi làm chấn động cả làng Maih. Xã đội trưởng vội vã từ trong làng chạy ra, cùng Glớ chạy tới nơi xem như thế nào. Đến nơi, họ thấy đuôi máy bay cháy đen, cánh quạt gãy, 2 tên Mỹ ngã văng ra; 1 tên ngụy còn sống cũng cùng chung số phận. Du kích và dân làng chạy đến rất đông, giúp thu dọn nhiều chiến lợi phẩm như: 2 khẩu đại liên, 2 súng AR15, 2 súng ngắn, 10 bộ bản đồ quân sự, 1.000 viên đạn đại liên, 100 viên đạn AR15… Đề phòng máy bay địch quay lại ứng cứu, mọi người mau chóng tản đi.
Chiếc máy bay UH-1 bị thiếu niên du kích Puih Glớ bắn rơi hơn nửa thế kỷ trước, nay được trưng bày tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên |
Quả vậy, khi họ vừa rời đi một đoạn thì 3 chiếc phóng pháo từ Pleiku bay tới bắn lung tung xung quanh chỗ chiếc máy bay rơi. “Anh Xã đội trưởng lách qua mép rừng. Tôi nấp ở hầm ngóc đầu lên thấy một chiếc đang chúi xuống hướng tôi, tôi giơ súng ngắm, bịn vào gốc cây, máy bay xuống thấp quá, nằm hết ở đầu súng. Tôi bóp cò 3 loạt hết băng đạn, lửa phụt đỏ, khói đen kéo dài một đường rồi nó nhào xuống không dậy được”. Sau khi chiếc thứ hai rớt, địch điên cuồng cho máy bay bắn đại liên, thả pháo sáng, phóng lựu đạn, thậm chí bắn phá, thả bom, đổ quân lùng sục tới trưa ngày hôm sau mới ngừng. Khi tình hình đã yên, Glớ và dân làng chạy ra chỗ chiếc máy bay thứ hai rơi. Nó nằm cách chiếc thứ nhất khoảng 300 bước chân, đầu cắm xuống đất và đã cháy rụi.
Những thông tin bất ngờ, lý thú
“Sau sự kiện 2 chiếc máy bay bị bắn rơi, người làng xem Glớ như anh hùng. Những ngày đó, đi đến đâu người ta cũng bàn tán, ca ngợi chiến công ấy!”-ông Puih Ping-già làng Maih-nhớ lại.
|
Chúng tôi đến làng Maih tìm già làng Puih Ping-nguyên Xã đội phó để được nghe kể thêm về chiến công của du kích thiếu niên Puih Glớ ngày ấy. Ngấp nghé tuổi 80 nhưng già Ping vẫn ham việc nương rẫy. Vừa đi rẫy về, già ngồi luôn bậc thềm chuyện trò cùng chúng tôi. Là người cùng làng, lại rất gần gũi với Glớ nên khi nhắc đến chiến công trên, ông hết sức tự hào. Trong mắt ông, Glớ nhỏ tuổi nhưng giỏi giắn, gan dạ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Cuối năm 1969, Glớ còn được tham gia lớp huấn luyện đặc công do tỉnh tổ chức. Sáng dạ, chăm chỉ huấn luyện, Glớ nhanh chóng biết cách sử dụng súng bắn xa, bắn gần hoặc bắn cầu vồng. Lúc này, Mỹ đưa 1 đại đội đến xây dựng lô cốt tại làng Nú (xã B5, nay là xã Ia Sao). Chúng càn quét đánh phá ác liệt, dồn dân các xã B6, B7 (nay là xã Ia Pếch) vào ấp Pleiku Blang 3 (xã B15, nay là xã Ia Dêr). Xã đội bèn giao Glớ cùng với 2 du kích nữa bám nắm địa bàn vành đai, sát khu ấp chiến lược.
Chiều ấy, thảng thốt nghe tiếng xả súng và tiếng một vật thể nặng nề rơi uỳnh xuống mặt đất, ông Ping cùng cán bộ, du kích và dân làng ùa ra xem. Thì ra là máy bay rơi và người bắn hạ “con chim sắt” ấy chính là Glớ, khi đó mới 16 tuổi! Cũng theo già Ping, sau chiến công đó, Puih Glớ đã được tổ chức xem xét kết nạp vào Đảng. Năm 1971, khi đang là Tiểu đội phó du kích xã, Glớ được đi dự Đại hội thi đua Tây Nguyên.
Ông Puih Ping-già làng Maih, nguyên Xã đội phó xã B6 (nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) trao đổi cùng phóng viên. Ảnh: Phương Loan |
Liên quan đến sự kiện du kích B6 bắn rơi máy bay Mỹ, chúng tôi lần tìm được nhiều thông tin khá lý thú. Cụ thể, bài viết có nhan đề “Những viên tướng Mỹ tử trận tại Việt Nam” đăng ngày 16-9-2013 trên báo Tiền Phong đưa thông tin dẫn nguồn từ trang web tiếng Nga có địa chỉ: artofwar.ru: “Trong chiến tranh ở Việt Nam, có tới 11 viên tướng Mỹ đã tử trận theo nhiều nguyên nhân khác nhau (…). Trong lịch sử chiến tranh của quân đội Mỹ, con số này thực sự là hơi quá nhiều. Trong đại chiến thế giới lần thứ II cả chết và tử trận có gần 20 tướng lĩnh và một số đô đốc Hải quân (…). Con số tử vong lớn nhất là do kết quả của các tai nạn đường không-7 tướng Mỹ. 2 viên tướng nữa chết do bị bắn trên chiến trường, 2 tướng khác tử vong do các nguyên nhân tự nhiên. Trong thống kê có 6 trường hợp đang trong cuộc chiến, 5 trường hợp ngoài cuộc chiến. Theo dòng tình huống chiến trường, các tướng Mỹ tử vong nhiều nhất vào năm 1970, khi lực lượng quân đội Mỹ đông nhất ở chiến trường Việt Nam và cũng tham gia chiến sự căng thẳng nhất”.
Bài báo trên cũng dẫn ra nguyên nhân tử trận của lần lượt từng viên tướng, trong đó có Thiếu tướng John Dillard-Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Công binh thuộc quân đội Mỹ tại Việt Nam. “Ngày 12-5-1970, Dillard cùng với Chỉ huy trưởng lực lượng công binh số 937 Đại tá Carroll Adams bay trên chiếc máy bay trực thăng UH-1 (số 68-16.342), máy bay bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không ở khoảng 14 km về phía Tây Pleiku. Ngoài Dillard, Adams còn có 8 người khác tử vong. Một quân nhân sống sót trong vụ tai nạn. Đại tá Adams sau này được truy tặng cấp hàm chuẩn tướng”-bài báo nêu chi tiết sự kiện kèm tấm ảnh chiếc máy bay lúc phát nổ.
Đây cũng là những thông tin tương tự trong bài viết “Chiến tranh Việt Nam và cái kết của 11 tướng Mỹ” đăng trên báo Tri thức và Cuộc sống (ngày 12-1-2018) với nhận định: “Chiến tranh Việt Nam có lẽ là cuộc chiến có số tướng Mỹ bỏ mạng nhiều nhất và nguyên nhân cái chết của họ cũng kỳ bí như cách cuộc chiến này bắt đầu”. Tuy nhiên, theo các bài viết này thì trên chiếc máy bay UH-1 lúc đó chỉ có 1 tướng Mỹ, người còn lại sau đó mới được truy phong.
Trên thực tế, rất ít người biết chiếc máy bay bị bắn hạ ấy đang được trưng bày và bảo quản kỹ càng tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Hiện vật lịch sử này là chứng nhân của trận sống mái không cân sức giữa một du kích thiếu niên Jrai với kẻ địch được trang bị tối tân. Phía trước chiếc máy bay là tấm bảng chú thích: “Xác máy bay trực thăng UH-1A của Mỹ. Đồng chí Glớ cùng tổ du kích xã B6, huyện 4 (nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) bắn rơi vào chiều ngày 12-5-1970 tiêu diệt 2 tên tướng Mỹ là Jon Din La và Adam”.
Ngắm nhìn chứng nhân lịch sử quan trọng nằm lặng lẽ trong một chiều mưa rây rây, liên tưởng đến khung cảnh hoàng hôn bi tráng năm xưa, chúng tôi không khỏi xúc động. Vẫn còn đó những băn khoăn về một vài con số, chi tiết chưa khớp hoặc chưa thể xác thực hoàn toàn, ví như: tất cả các tư liệu hiện có đều ghi thời điểm Puih Glớ bắn rơi máy bay vào ngày 12-5-1970, nhưng trong báo cáo thành tích của ông lại ghi là ngày 29-4-1971 (?); số tuổi chính xác của ông khi bắn rơi máy bay (căn cứ vào năm sinh của ông là 1957, đến khi lập chiến công trên vào năm 1970 thì chỉ mới 13 tuổi thay vì 16). Hoặc một vài tư liệu có sự khác nhau về số tướng Mỹ tử trận tại B6 nói riêng và tại Việt Nam nói chung… Những chi tiết này rất cần các nhà chuyên môn vào cuộc làm sáng tỏ. Song với tất cả thông tin chúng tôi đã thu thập được, với việc gặp gỡ những nhân chứng là đồng đội của ông từ hơn nửa thế kỷ trước cùng biết bao câu chuyện sống động, chân thực, có thể khẳng định một điều: Trong lòng người dân B6 ngày ấy và thế hệ trẻ hôm nay, Puih Glớ không khác gì một anh hùng.
PHƯƠNG LOAN-PHƯƠNG DUYÊN
--------------------------------------
Kỳ cuối: “Cần vinh danh xứng tầm”