Phóng sự - Ký sự

Chuyện dân vận miền đại ngàn nắng gió - kỳ 4: Tạo sinh kế, giữ bình yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một số người đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vì nghe theo lời kẻ xấu tuyên truyền, lôi kéo bán hết tài sản theo tổ chức lưu vong chống phá nhà nước, vượt biên trái phép. Tuy nhiên, sau khi trở về, các cấp ngành đã đồng hành hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm và tạo sinh kế bền vững.

Vị tha

Đại úy Niê Chíu, cán bộ đội An ninh Công an huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) hỏi tôi có muốn vào sâu buôn Dang (xã Ea H’leo) để thăm hỏi người dân không? Nhìn trời sẩm tối, mây đen kéo tới, nghĩ có một cơn mưa lớn sắp trút xuống nhưng tôi vẫn gật đầu đồng ý. Đi được nửa đường, cơn mưa ập đến, những con đường đất đỏ bazan trở nên trơn trượt. Gần chục năm nắm địa bàn, trong cơn mưa tầm tã, đại úy Niê Chíu ghì tay lái, tránh những ổ gà. Lâu lâu, đại úy ngoảnh mặt dặn tôi: “Ôm chặt nhé, phóng viên!”.

Công an huyện Ea H’leo tặng nhiều suất quà, dê cho các trường hợp vượt biên trái phép, mãn hạn tù trở về

Công an huyện Ea H’leo tặng nhiều suất quà, dê cho các trường hợp vượt biên trái phép, mãn hạn tù trở về

Theo lời anh Chíu, địa bàn này khá phức tạp, có nhiều đối tượng tuyên truyền chống phá chính quyền, bán hết tài sản để vượt biên trái phép. Điển hình trường hợp H DjRuêng (SN 1987) cùng chồng đưa cả gia đình vượt biên sang Thái Lan năm 2015. Sau một giờ chạy xe, chúng tôi có mặt tại nhà H DjRuêng để trò chuyện.

H DjRuêng kể, trước đó kẻ xấu tuyên truyền sang Thái Lan sẽ có cuộc sống sung sướng, không làm cũng có ăn, con cái được đến trường, chữa bệnh miễn phí. Nghe vậy, mình cùng Rơ Âu Y Măng (chồng, SN 1991) bán hết đất, xe công nông được 80 triệu đồng để đưa gia đình vượt biên sang Thái Lan. Để sang được quốc gia này, gia đình H DjRuêng mất 60 triệu tiền công cho đối tượng dẫn đường.

Đại úy Niê Chíu trò chuyện với Nay Y Mông

Đại úy Niê Chíu trò chuyện với Nay Y Mông

“Sang đến Thái Lan, tôi và vợ con thực sự vỡ mộng. Không có tổ chức, cá nhân nào đến thăm hỏi, sắp xếp nơi ăn ở hay công việc gì cho gia đình…Cuộc sống ở đây không như những gì các đối tượng thì thầm nói với tôi qua điện thoại. Cả gia đình phải đi thuê nhà khoảng 2 triệu đồng, điều kiện sống vô cùng thiếu thốn”, Y Măng nói.

Theo Y Măng, rất nhiều lần, anh được người bản địa thuê đi làm nhưng không được trả tiền công. Đặc biệt các con không được học hành, khi ốm đau không thể đến bệnh viện. Tháng 8/2023, Y Măng quyết định đưa gia đình trở về Việt Nam bằng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.

Buôn Dang có 271 hộ dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống, nhưng có 40 hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, có 11 hộ (33 khẩu) vượt biên trái phép, 13 trường hợp án tù được tha đã trở về.

“Sau khi về, tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn, xây được nhà trên mảnh đất hơn 100m2. Gần đây, Công an huyện hỗ trợ tặng gia đình cặp dê nên cuộc sống phần nào ổn định. Từ sai lầm của bản thân, tôi mong bà con các buôn làng chăm chỉ làm ăn, không nghe lời kẻ xấu xúi giục rời xa quê hương lang thang trên đất khách”, Y Măng tâm sự.

Tương tự, trường hợp anh Nay Y Mông (SN 1983) bị các đối tượng Nay Y Kố, RChăm Ser lưu vong ở nước ngoài thường xuyên gọi điện tuyên truyền, lôi kéo vào tổ chức Fulro. Từ tháng 2/2002, Nay Y Mông trực tiếp nhận nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển lực lượng, tổ chức đòi biểu tình, đòi tự do tín ngưỡng tôn giáo và đưa người vượt biên sang nước ngoài.

Rơ Âu Y Măng chăm sóc cặp dê của Công an huyện Ea H’leo trao tặng

Rơ Âu Y Măng chăm sóc cặp dê của Công an huyện Ea H’leo trao tặng

Theo Nay Y Mông, sau khi nhận án phạt tù trở về, bản thân rất ân hận vì mình nghe theo lời kẻ xấu mà lầm đường, lạc lối, khiến gia đình phải vất vả. Từ bài học của bản thân, Nay Y Mông khuyên bà con trong buôn làng không nghe theo lời xúi giục của những đối tượng Fulro lưu vong, nên tập trung làm ăn. “Tôi cảm ơn chính quyền địa phương đã tha thứ và hỗ trợ gia đình vươn lên trong cuộc sống. Vừa qua, chính quyền địa phương cho gia đình tôi vay vốn để sản xuất, hỗ trợ con giống để tăng gia. Tôi sẽ cố gắng làm ăn để thoát nghèo”, Nay Y Mông nói.

Tạo dựng sinh kế

Thượng tá Nguyễn Công Hòa, Trưởng công an huyện Ea H’leo cho biết, trên địa bàn có 46 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Đời sống của người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo an ninh, trật tự, giảm thiểu tình trạng người đồng bào dân tộc thiểu số bị lôi kéo vượt biên, Công an huyện xác định việc quan trọng nhất là tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Theo Thượng tá Nguyễn Công Hòa, tại địa bàn các xã vùng sâu, một số người dân vẫn tự chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ để săn bắn, đi rừng, gây nguy hiểm cho những người xung quanh cũng như ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Trước đây, người dân có súng lo sợ bị lực lượng chức năng xử lý nên không dám giao nộp. Sau khi Công an huyện Ea H’leo phát động chương trình “Điểm đổi gạo lấy vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo”, nhiều người dân tộc thiểu số rất vui mừng ủng hộ.

“Từ năm 2021 đến nay, đơn vị triển khai mô hình “3 đồng hành” ở địa phương (đồng hành cùng phát triển kinh tế, đồng hành trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và đồng hành trong xây dựng đời sống văn hóa), góp phần động viên những người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng, từng bước xóa bỏ tự ti, mặc cảm. Đến nay, hơn 20 hộ dân có người vượt biên và những trường hợp đang nỗ lực xóa án tích được hỗ trợ cặp dê, bò. Ngoài ra, đơn vị trao hàng trăm suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, Thượng tá Hòa cho biết thêm.

Theo Trưởng công an huyện Ea H’leo, những việc làm trên của đơn vị để lại ấn tượng tốt với người dân các buôn, làng nên đợt cao điểm thu hồi vũ khí vừa qua, địa phương đã thu hồi được 556 khẩu súng các loại, 417 viên đạn, 5kg đạn chì... “Lực lượng công an muốn làm tốt công tác dân vận ở cơ sở cần phải bám địa bàn, gặp từng người dân để động viên, nắm được tâm tư, kịp thời chăm lo đời sống bà con”, anh Hòa chia sẻ.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm