Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chuyện đọc sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày đi dạy, “của để dành” của tôi là một ít sách. Để tránh lãng phí nguồn tri thức ấy và chống việc con trẻ thường xuyên dán mắt vào màn hình tôi thường khuyên sắp nhỏ: Con nên dành ít thời gian đọc sách, có ích lắm! Hơn nữa, việc đọc sách cũng đơn giản! Này nhé: Tay cầm cuốn sách, mắt nhìn vào chữ, vậy là đọc thôi.
Nói là vậy, thế nhưng việc đọc sách bây giờ xem ra khó khăn với nhiều người lắm. Thống kê cho thấy, người Việt hiện nay ít đọc sách. Người ở tuổi đến trường, chủ yếu tiếp xúc với mấy cuốn sách giáo khoa, số tự giác tìm đọc các loại sách bên ngoài là ít, nếu không muốn nói là rất ít. Ngoài giờ học, trẻ thường tìm đến những hình thức giải trí khác, không dễ dàng cầm một cuốn sách trước một chiếc điện thoại thông minh. Chịu cầm sách rồi thì lại gặp cái khó từ chọn sách: Sách nào cho phù hợp với lứa tuổi, trình độ, thời gian, mục đích của người đọc? Vào một nhà sách bất kỳ, các loại sách giúp học tốt, luyện thi đủ các môn, các kiểu đến hoa cả mắt. Đó là loại sách dùng để đối phó với thi cử hơn là giúp cho lớp trẻ nâng cao năng lực học tập. Tiếp xúc với loại sách đó, lâu dần trẻ ì ra, ỉ lại và lười suy nghĩ. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh không thích thú với việc học văn, lười đọc sách là do tiếp xúc với loại sách này từ quá sớm.
Người trưởng thành dường như lại càng khó đến với sách. Trừ trường hợp bắt buộc phải đọc vì công việc, mấy ai tự giác tìm đến sách vì sở thích. Mấy ai thực sự xem sách là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Đâu phải ai rời công việc là tay cũng có thể cầm sách so với cầm cái khác hấp dẫn hơn. Nói đọc sách chỉ là “mắt nhìn vào chữ” tưởng nhẹ nhàng nhưng thực ra cũng vất vả lắm đấy. Nhìn mà tâm trí để ở đâu cũng như không. Khi đó đưa được chữ vào đầu quả là một công việc nặng nhọc! Với những người mà công việc của họ lẽ ra phải đọc nhiều sách như nghề giáo chẳng hạn, cũng có vẻ khó khăn khi đến với sách. Lý do mà họ thường đưa ra là dành hết thời gian lo cơm áo gạo tiền. Thậm chí ngay cả với người có học vị cao cũng cho rằng mình rất ít thời gian để đọc sách, bận “chạy sô” dạy hay làm phi vụ gì đó để kiếm tiền. Nơi quán trà, quán cà phê ít người đọc hay bàn luận về sách đã đành, ngay cả thư viện nhiều khi cũng vắng  người đọc. Vì ít đọc nên người ta ít quý sách. Bây giờ, chuyện tặng quà bằng sách nghe như cổ tích.
Thực ra, lòng đã muốn đến với sách thì rất đơn giản. Vì sách rất dễ tìm, ít tốn kém. Không có tiền để mua thì mượn. Thời buổi này mượn cái gì cũng phải trả lãi, chỉ duy mượn sách là người mượn có lãi, mà có khi lãi nhiều nữa! Cứ thoải mái chọn sách, thích là được. Đọc mà thích là đã bổ ích rồi, không bổ lúc này sẽ bổ lúc khác. Tôi dạy Ngữ văn, rất buồn khi thấy nhiều học sinh không chịu đọc sách. Còn với trường hợp không đọc tác phẩm trong sách giáo khoa mà đọc những cuốn sách ở ngoài chương trình tôi vẫn rất tôn trọng. Riêng việc đọc sách là phải được tôn trọng!
Đọc sách là hình thức giải trí vừa giản dị vừa bổ ích. Đọc sách là việc hàng ngày, là việc cả đời chứ không phải để hô hào cho một ngày. Khi nào việc đọc sách cũng như ăn rau, như uống nước thì văn hóa đọc mới được nâng cao. Từ đó góp phần phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm