Và bao đời nay, đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi này vẫn luôn duy trì và phát huy truyền thống lập bàn thờ để thờ Bác Hồ như tổ tiên của mình và luôn đặt ảnh Bác nơi trang trọng nhất trong nhà. Đồng bào luôn một lòng vững tin theo Đảng và nhớ ơn Bác.
Lập bàn thờ, lấy họ Bác đặt cho mình
Gần ngày sinh nhật Bác năm nay, chúng tôi đến xã Thượng Long, huyện Nam Đông tìm nhà của già làng Hồ A Ray. Theo một cán bộ xã, trước, họ tên khai sinh của già làng là Ra Pát A Ray, sau đó, ông đổi thành họ Hồ. Khi chúng tôi đến nơi là lúc già làng Hồ A Ray đang lau dọn nơi thờ ảnh Bác.
Nghệ nhân Phạm Văn Kình luôn cất giữ, nâng niu chiếc vòng bạc - kỷ vật mà Bác Hồ đã trao tặng cho bố ông. |
Tạm dừng tay, rót trà mời khách, già làng Hồ A Ray chia sẻ: “Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đồng bào Cơ Tu Nam Đông luôn một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, đóng góp lương thực, thực phẩm, nuôi bộ đội rồi cùng bộ đội đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhiều gia đình đã nhường từng hạt muối, lon gạo cuối cùng cho cách mạng. Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, đồng bào mình đã được bộ đội tuyên truyền, vận động đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng bào vùng cao, vùng xuôi đã chọn họ Hồ của Bác Hồ làm họ của mình rồi cùng đoàn kết chung tay xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn”.
Cách nhà già làng Hồ A Ray không xa là nhà anh Hồ Tựa (Ra Pát Tựa, sau này cũng đổi thành họ Hồ - PV), một thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi của huyện Nam Đông. Trong ngôi nhà của mình, anh Hồ Tựa chọn một vị trí trang trọng nhất để thờ Bác. “Từ nhỏ anh đã thấy dân tộc mình ai cũng mến Bác, kính Bác, nhà nào cũng thờ Bác Hồ. Mình thờ Bác như thờ tổ tiên của gia đình mình”, anh Hồ Tựa cảm động kể.
Đến nhiều xã định canh, định cư ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên – Huế), chúng tôi được nghe kể, ngoài việc lấy họ Hồ của Bác để đặt cho họ của mình, bao đời nay, đồng bào Cơ Tu ở Nam Đông vẫn duy trì truyền thống lập bàn thờ để thờ Bác Hồ như người cha, người ông của mình và luôn đặt ảnh Bác nơi trang trọng nhất trong nhà. Vào dịp ngày giỗ, ngày sinh nhật của Bác hay ngày Quốc khánh, các gia đình Cơ Tu thắp hương, đơm hoa quả trên bàn thờ Bác Hồ như một lời tri ân, nhắc nhở con cháu về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, ngày trước, do chiến tranh, người Cơ Tu phải du canh, du cư, làng bản lúc ở nơi này, mai chuyển đi nơi khác. Có Đảng, có Bác Hồ, có chính sách định canh định cư, bà con nghe lời cán bộ chọn đất lập làng, rồi trồng cây lúa nước, làm rẫy nên đến nay đời sống dần ổn định, nhiều hộ thoát nghèo trở thành khá giả. Nhiều năm trở lại đây, với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành địa phương, diện mạo nông thôn và đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Nam Đông tiếp tục có nhiều khởi sắc, đời sống kinh tế không ngừng được nâng cao...
Truyền “báu vật” Bác Hồ tặng cho con, cháu
Những ngày này, Bí thư Chi bộ thôn Ta Vác, xã Thượng Long, Hồ Minh Tên (trước đây tên Phạm Minh Tên, sau đổi thành họ Hồ) cùng người thân đưa các kỷ vật mà Bác Hồ trao tặng để giới thiệu với các con cháu trong bản. Anh Hồ Minh Tên là con trai thứ ông Quỳnh Tếu (đã qua đời), người từng được Bác Hồ trao tặng nhiều kỷ vật thiêng liêng.
“Lúc cha tôi còn sống, vào năm 1959, Trung ương Đảng mời các già làng, trưởng bản và những người có công cách mạng ra thăm miền Bắc. Lúc đó, gia đình tôi là cơ sở cách mạng, cha tôi tham gia kháng chiến nên cha tôi vinh dự có tên trong danh sách đoàn tham quan ra Bắc”, anh Tên nhớ lại. Đúng ngày 2/9/1959, ông Quỳnh Tếu và đoàn công tác Thừa Thiên-Huế vinh dự được dự lễ Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Hôm đó, Bác Hồ đến thăm, nói chuyện và tặng quà cho các thành viên trong đoàn. “Tại đây, bố tôi rất xúc động, òa khóc khi Bác Hồ đã hiểu rất rõ phong tục của đồng bào dân tộc trên dãy Trường Sơn. Bác đã tặng mỗi thành viên 1 vòng bạc đeo cổ, 2 chiếc khăn tay và một chiếc soong gô nhôm”, anh Hồ Minh Tên nhớ lại lời kể của bố lúc còn sống. Trở về miền Nam, các thành viên trong đoàn mang theo những kỷ vật là báu vật của đời người và tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ.
Nghệ nhân cồng chiêng Phạm Văn Kình, con trai thứ của ông Quỳnh Tếu vừa cầm chiếc vòng bạc mà Bác Hồ đã trao tặng cho bố mình cho biết, trải qua thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cha ông và gia đình luôn nâng niu những kỷ vật thiêng liêng mà Bác Hồ đã trao tặng, bởi đó chính là niềm tự hào của gia đình. “Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, năm 1964, trong một lần địch càn quét đốt phá, lo sợ các kỷ vật Bác Hồ tặng bị thất lạc, cha tôi đem khăn tay, soong gô và chiếc vòng bạc giấu vào gốc cây, hốc đá trong rừng. Khi địch rải bom đốt phá rừng, lo sợ các kỷ vật bị cháy, cha tôi lại bí mật đem những kỷ vật thiêng liêng đó chôn xuống lòng sâu dưới đất”, nghệ nhân Phạm Văn Kình kể lại.
Mùa Xuân năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, gia đình ông Quỳnh Tếu lại đào những kỷ vật ấy lên và luôn nâng niu, cất giữ cẩn thận. Sau đó, ông Quỳnh Tếu trao chiếc vòng bạc đeo cổ cho vợ, 2 chiếc khăn tay tặng 2 người con gái làm kỷ vật hồi môn khi đi lấy chồng, còn chiếc soong gô tặng anh trai… “Cha tôi làm việc này với mong muốn truyền lại niềm tin và lòng biết ơn vào Đảng, Bác Hồ và cách mạng cho thế hệ các con cháu sau này. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, tôi luôn lấy những kỷ vật của Bác Hồ tặng ra dạy con cháu và truyền lại niềm tin và lòng biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ và cách mạng cho các thế hệ con cháu”, nghệ nhân Phạm Văn Kình chia sẻ.