Người bệnh tiểu đường có nên ăn chuối hay không luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Một số nghiên cứu cho rằng người bệnh tiểu đường không nên ăn chuối vì nó chứa nhiều đường, trong khi nhiều nghiên cứu khác cho rằng chuối an toàn cho người bệnh tiểu đường.
Tác động của chuối đối với lượng đường trong máu tùy thuộc vào độ chín. Ảnh: Shutterstock |
Cuốn sách nổi tiếng “Siêu thực phẩm Ấn Độ” của Rujuta Diwekar - một trong những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Ấn Độ, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất, nêu rõ:
Chuối an toàn để tiêu thụ ngay cả đối với bệnh nhân tiểu đường
Do chỉ số đường huyết của chuối ở mức từ thấp đến trung bình. Điều này đã được hầu hết các hiệp hội sức khỏe khuyến nghị và chấp thuận, theo nhật báo Ấn Độ Times Of India.
Và ở cuối bài, bạn sẽ được hướng dẫn cách ăn chuối an toàn cho người bệnh tiểu đường.
Chuối chín chứa carbs, làm tăng lượng đường trong máu
Chuối chứa khá nhiều carbs và đường - những chất chính làm tăng lượng đường trong máu. Vậy liệu người bệnh tiểu đường có nên ăn chuối? Và liệu chuối có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu?
Một quả chuối trung bình chứa khoảng 15 gram đường
Chuối chứa carbs đơn, có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao hơn các chất dinh dưỡng khác.
Để biết một loại thực phẩm chứa carb có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hay không, phải xem chỉ số đường huyết (GI) của nó.
GI thấp: 55 trở xuống
GI trung bình: 56 - 69
GI cao: 70 - 100
Người bệnh tiểu đường chỉ nên tiêu thụ thực phẩm có GI thấp. Do chúng được hấp thụ chậm hơn và làm tăng lượng đường trong máu từ từ thay vì tăng đột biến.
Nói chung, chuối có GI từ thấp đến trung bình - từ 42 đến 62, tùy thuộc vào độ chín của chuối, theo chuyên trang sức khỏe của Mỹ Health Line.
Chuối cũng chứa chất xơ, có thể làm giảm lượng đường trong máu
Tuy nhiên, điều đặc biệt là chuối cũng chứa chất xơ, có thể làm giảm lượng đường trong máu
Một quả chuối trung bình chứa 3 gram chất xơ.
Chất xơ đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường vì nó có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbs. Điều này có thể làm giảm lượng đường trong máu tăng đột biến và cải thiện việc kiểm soát đường huyết, theo Health Line.
Chuối xanh - chưa chín, chứa tinh bột kháng, giúp kiểm soát đường huyết
Lượng tinh bột kháng trong chuối thay đổi tùy vào độ chín.
Chuối xanh, chưa chín chứa ít đường và nhiều tinh bột kháng hơn
Tinh bột kháng hoạt động tương tự như chất xơ và sẽ không làm tăng lượng đường trong máu. Chúng cũng có thể giúp cung cấp các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Một nghiên cứu năm 2015 đã phát hiện điều thú vị là: Trong 8 tuần, những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, được bổ sung tinh bột kháng, có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn những người không bổ sung.
Tác động của chuối đối với lượng đường trong máu tùy thuộc vào độ chín
Chuối chín chứa ít tinh bột kháng hơn chuối xanh, nhưng chứa nhiều đường.
Nên ăn chuối còn xanh, gần chín vì có hàm lượng đường thấp hơn. Ảnh: Shutterstock |
Điều này có nghĩa là chuối chín hoàn toàn có GI cao hơn và sẽ khiến lượng đường trong máu tăng nhanh hơn chuối chưa chín.
Chuối xanh chứa tinh bột kháng, không làm tăng lượng đường trong máu và có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài.
Chuối chín chứa nhiều đường hơn, vì vậy chúng có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao hơn.
Số lượng tiêu thụ là rất quan trọng
Ngoài độ chín, cần phải chú ý đến số lượng. Lượng càng nhiều càng chứa nhiều carbs. Nghĩa là 1 quả chuối lớn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Chuối có an toàn cho những người bị bệnh tiểu đường không?
Không giống như các sản phẩm đường tinh luyện như kẹo bánh, carbs trong trái cây như chuối kèm với chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất.
Đặc biệt, chuối cung cấp chất xơ, kali, vitamin B6 và vitamin C và một số chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có lợi
Đối với hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường, trái cây - kể cả cả chuối - là một lựa chọn lành mạnh, theo Health Line.
Tuy nhiên, một số người phải theo chế độ ăn ít carb, cần phải hạn chế lượng carb tiêu thụ. Nghĩa là các loại thực phẩm có hàm lượng carb cao hơn, kể cả chuối, phải được hạn chế trong chế độ ăn ít carb.
Đối với người bệnh tiểu đường, nếu bác sĩ cho phép ăn chuối, cần phải lưu ý đến độ chín và số lượng để giảm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi kế hoạch ăn uống.
Người bệnh tiểu đường có thể ăn chuối như một phần của kế hoạch ăn uống lành mạnh.
Cách ăn chuối an toàn cho người bệnh tiểu đường
Những lời khuyên sau đây có thể giúp người bệnh tiểu đường giảm thiểu ảnh hưởng của chuối đối với lượng đường trong máu:
Ăn ít trong mỗi lần ăn: Chỉ nên ăn 1 quả chuối nhỏ hoặc nửa quả lớn, để giảm lượng đường nạp vào cơ thể trong một lần ăn.
Ăn chuối gần chín: Chọn chuối không quá chín để hàm lượng đường thấp hơn.
Chia lượng trái cây trong suốt cả ngày: Chia đều lượng trái cây trong ngày để giúp giảm lượng đường huyết và giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
Ăn kèm với các loại thực phẩm khác: Ăn chuối cùng với các loại hạt hoặc sữa chua, để giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường, theo Health Line.
Theo Thiên Lan (TNO)