Chuyện hồ "mẫu tử"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nằm bên cạnh Biển Hồ-“đôi mắt Pleiku” còn có một hồ nước tự nhiên với khung cảnh nên thơ. Từ trên cao nhìn xuống, chúng trông tựa 2 viên ngọc tô điểm cho Phố núi. Lại có người ví chúng là hồ “mẫu tử” và hồ nhỏ chính là hồ Ia Nong (làng Bruk Ngol, phường Yên Thế).
Một ngày đầu tuần, chúng tôi đến làng Bruk Ngol. Làng ngoại ô đẹp như tranh vẽ với những con đường nhựa trải rộng phẳng phiu, sạch đẹp, rợp bóng cây. Trước nhà, người dân trồng đủ các loại cây, lá hoa: hoa cánh bướm rập rờn vàng tươi, hoa chuối rừng hồng cam, hoa hồng tiểu muội phơn phớt… Bruk Ngol rực lên trong nắng sớm với vẻ xinh tươi, trù phú, yên bình.
Gặp ông Ksor Glam nắm khá rõ về gốc tích hồ Ia Nong. Đưa chúng tôi ra thăm hồ, ông Glam kể: Từ hơn chục năm trước, tận dụng diện tích mặt nước hơn 1.000 m2 của hồ tự nhiên này, hơn 80 hộ Jrai trong làng góp tiền mua cá giống thả nuôi vào mùa mưa. Đến mùa khô, khi mực nước xuống thấp, thanh niên trong làng lại cùng nhau kéo lưới bắt cá. Thời điểm ấy, làng như mở hội, già trẻ lớn bé đều đổ ra đây, phấn khích ngắm lũ cá trê, cá lóc, rô phi… giãy đành đạch trong giỏ, trên bờ. Các hộ sau đó chia cá cho nhau, mỗi nhà đến hơn chục ký. Ngoài canh tác nông nghiệp, dân làng xem đây là cách để cải thiện bữa ăn.
Một hộ người Kinh thấy nguồn lợi lớn mang lại từ hồ Ia Nong nên quyết định hợp đồng thuê hồ trong 15 năm để nuôi cá. Được một thời gian thì xảy ra chuyện đau lòng: con trai ông đuối nước tại hồ này. Đau đớn trước cái chết của con, ông bỏ ngang hợp đồng, rời đi nơi khác, ngôi nhà xây cạnh hồ thành bỏ hoang. Khi diện tích cà phê trong làng ngày càng mở rộng, Ia Nong trở thành nguồn nước tưới không thể thiếu. Cuối tuần, vẫn có nhiều người tìm đến đây để thỏa thú buông câu giữa chốn trời mây.
Biển Hồ và hồ Ia Nong nằm cạnh nhau, được ví như hồ mẫu tử. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Biển Hồ và hồ Ia Nong nằm cạnh nhau, được ví như hồ mẫu tử. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Đường đến hồ Ia Nong cũng là đường dẫn vào rẫy cà phê của các hộ dân trong làng nên được bê tông hóa. Từ đường chính, chúng tôi rẽ xuống đoạn đường đất chừng 500 m ngoằn ngoèo xuống bờ hồ. Hoa ngũ sắc hoang dại và rực rỡ đổ ra như chào đón từ 2 bên đường. Mùi hoa ngũ sắc thơm nồng là hương vị tuổi thơ quá thân thuộc của những đứa trẻ vùng quê. Hồ Ia Nong hiện ra mặt nước lấp lánh trải rộng dưới nắng. Bao quanh hồ là hàng cà phê tít tắp, ngoài cùng ôm ấp bởi những rặng thông. Mường tượng Ia Nong như một chiếc nhụy hoa. Khung cảnh quá nên thơ nơi hồ tự nhiên này. Vài cánh chuồn đạp nước, đôi cánh bướm nhởn nhơ trên đám cây dại vươn ra mặt hồ khiến lòng người cảm thấy vô cùng thư thả. Ông Glam cho hay, chiều về, khi đàn bò gần 100 con đổ xuống hồ thỏa thuê uống nước sau một ngày dài tha thẩn kiếm ăn, cảnh tượng càng đẹp mắt. Nghe ông tâm tình mới thấy tâm hồn người làng Bruk Ngol thật lãng mạn.
Chúng tôi không có ý định “lăng xê” nơi này như một điểm đến hấp dẫn để du lịch check-in, sống ảo. Chẳng được đầu tư chăm chút gì, Ia Nong có lẽ chỉ hợp với những người trót “phải lòng” thiên nhiên yên tĩnh, hoang sơ song vẫn đậm đà hơi thở của cuộc sống bình dị thường ngày. Thử một lần gối đầu trên cỏ, ngắm mây trôi lững thững giữa hoàng hôn, nghe mùi cỏ dại lẫn vào trong gió và thả lỏng tâm trí, có lẽ là thú vui của những người thích triết lý “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Đơn sơ sẽ khiến lòng nhẹ tênh trước những lắng lo bộn bề.   
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm