Công việc của trưởng phòng đọc Trung tâm lưu trữ III Nghiêm Xuân Bình dịp tháng 7 này dường như bấn bíu hơn khoảng thời gian khác. Nhiều thân nhân liên quan những trường hợp trong khối lượng hồ sơ đi B tìm đến TT3 ngõ hầu tìm kiếm tin tức cần thiết.
Dịp 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ như một cú hích để người thân của ai đó trong số cán bộ đi B tiếp tục hoàn thiện về chế độ chính sách, hoặc chỉ là sao chụp lại bút tích của người thân yêu đã khuất…
Mong mỏi của thầy Thiện là được công nhận sự đóng góp cho chiến tranh vệ quốc. |
Trong cuốn lịch để bàn của trưởng phòng Nghiêm Xuân Bình, một trang nọ nổi bật những dòng chữ đậm.
Ngày 30-5-2017 con gái là Hoàn tìm hồ sơ của bố là Nguyễn Đức Thiện sinh năm 1944 quê ở Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình đi B năm 1969. Nơi đi B là trường Cấp 2 Yên Sơn, Yên Mô, Ninh Bình.
Một trường hợp giáo viên tăng cường cho miền Nam những năm xa…
Tôi nhờ anh Bình tìm giúp hồ sơ của ông Nguyễn Đức Thiện.
Cô nhân viên phòng đọc một lúc lâu trở lại thông báo: Không tìm thấy hồ sơ nào của ông Nguyễn Đức Thiện.
Loay hoay hồi lâu những tra cứu này khác. Một tập hồ sơ khác được rút ra. Một tập giấy đánh máy pơluya dày cộp cũ mèm trong đó. Nhưng không có lý lịch và những giấy tờ cần thiết về ông Thiện như vẫn thường thấy trong các hồ sơ đi B.
Tỷ mẩn tra cứu hồi lâu trong tập giấy đánh máy mới tìm thấy tên Nguyễn Đức Thiện trong danh sách đi B của đoàn cán bộ Bộ Giáo dục và quyết định nâng lương từ 45 đồng lên 58 đồng tại một danh sách chung gồm hàng chục người trong đó có ông Thiện. Có thể tạm phỏng đoán, như vậy ông Nguyễn Đức Thiện nằm chung trong danh sách hàng chục giáo viên đi B?
Lần theo số điện thoại của con gái ông là cô Hoàn có địa chỉ Yên Sơn, Yên Mô… chúng tôi đã may mắn gặp được người cần gặp.
…Năm 1968 trường cấp 2 xã Yên Sơn, huyện Yên Mô, Ninh Bình có thày giáo Nguyễn Đức Thiện tuổi mới 24, chưa vợ, hiền lành, tận tụy với học trò. Trước khi về Yên Sơn, thày Thiện từng nhiều năm dạy học ở vùng Kim Sơn Phát Diệm.
Một ngày tháng 10 năm 1968, thày Thiện được hiệu trưởng gọi lên trao đổi riêng. Việc riêng ấy như ông hiệu trưởng nói hóa ra là việc chung và rất bí mật. Đắn đo mãi, ông hiệu trưởng mới ngỏ ra cái ý là trên đã quyết định rút ở trường ta một giáo viên trẻ khỏe đi nhận nhiệm vụ đặc biệt tăng cường cho miền Nam. Tổ chức Đảng nhà trường đã bàn định và quyết định cử thầy nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Cấp trên cũng lưu ý nhà trường, đây là nhiệm vụ bí mật nên mong thầy giữ kín.
Thầy Thiện hơi đột ngột nhưng thông ngay tư tưởng. Bởi khi ấy miền Nam và chuyện đi B là cái gì đó thiêng liêng nhất là khi giới giáo chức được góp phần chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt. Thầy Thiện chỉ hơi áy náy một chút là hoàn cảnh gia đình neo bấn. Nhà chỉ có mỗi mẹ già. Người anh trai khi đó là công an vũ trang đang làm nhiệm vụ tận trong tuyến lửa Khu Bốn.
Lặng lẽ rời quê nhà Yên Mô và mái trường thân thuộc, thầy Thiện lên Hà Nội. Thầy được dự một khóa học đặc biệt để nâng cao nghiệp vụ và những kiến thức cần thiết của công việc nhiệm vụ mới.
Rồi thầy Thiện và số anh em giáo chức ở các địa phương khác có quyết định gọi để tập trung đi B được chuyển về Lương Sơn, Hòa Bình để bồi dưỡng rèn luyện sức khỏe. Đêm nào cũng phải đeo ba lô gạch, đất 20-30 kg đi bộ non chục cây số. Đúng ngày 3/2/1969, đoàn giáo chức lên đường đi Nam. Đoàn lên ô tô vượt qua tuyến lửa Khu Tư đến được làng Ho, Quảng Bình là rời xe bắt đầu leo dốc.
Đích đến là Ban tuyên huấn Khu Mười (X). Ròng rã tưởng bao lần đứt hơi leo Trường Sơn, thầy Thiện và nhiều thầy cô khác bị sốt rét phải nằm rải rác ở các binh trạm. Hơn 5 tháng trời cả đoàn mới vào được Bình Long, Phước Long. Ngậm ngùi nhớ thương đồng đội bạn bè. Thầy Nguyễn Xuân Thức quê Gia Viễn Ninh Bình, thầy Công người Nho Quan đã hy sinh vì bom đạn của kẻ thù…
Công việc ở Ban tuyên huấn khu X bận rộn cuốn hút thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Thiện và đồng nghiệp. Liên miên những ngày bám cơ sở bám dân… Hầu hết các thầy, cô được phân công về các cơ sở, bám trụ ở các địa bàn công tác. Họ trực tiếp góp công sức xây dựng trường sở, vận động quần chúng, lên lớp giảng dạy. Nhiều thầy cô còn tham gia chiến đấu, chống càn, phá vây, thực hiện “ba cùng” với nhân dân các xóm ấp, làng buôn vùng tạm chiếm, vùng tranh chấp, vùng giải phóng.
Những ngày gian nan trong vòng vây bom đạn, chất độc hóa học và thường xuyên phải nhịn đói ấy, lứa giáo viên trẻ như thầy Thiện vẫn trụ vững. Thật khó tưởng tượng ra trong hoàn cảnh bấn bách ấy mà những giáo viên chiến trường vẫn luôn quán triệt nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Như thầy Thiện vừa nói như đọc một mạch là phải bồi dưỡng chính trị, văn hoá, trước nhất là cán bộ và chiến sĩ, nhằm đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn…
Thầy giáo Nguyễn Đức Thiện và gia đình. |
Sau này về tra lại. Hóa ra câu nói của thầy Thiện là xuất phát từ một quyết sách lớn mà mỗi cán bộ trong giới giáo chức đi B ngày đó phải quán triệt nằm lòng.
Xin trích ra một đoạn.
“Dựa vào lực lượng nhân dân, cán bộ giáo và các nhà giáo yêu nước, kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động, ngoại lai, đồi trụy của Mỹ-ngụy, tích cực xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm bồi dưỡng chính trị, văn hoá cho nhân dân lao động trước nhất là cán bộ và chiến sĩ, nhằm đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn, có kiến thức, đạo đức và sức khoẻ để tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và kiến thiết xã hội sau này” (Thông tư 44/TT ngày 13/2/1963, tr.8 của Trung ương Cục Miền Nam).
Những cơn sốt rét rừng tái phát và ám ảnh nhất là những ngày đêm bám trụ bám dân ở những vùng rừng rú quang lâng vì chất độc khai quang, chất độc da cam của Mỹ trút xuống. Thầy nói suốt cả thời gian ở Khu X, không nhận được tin nhà cũng như không dám viết thư về quê.
Rồi thầy được chuyển về Phòng giáo dục Bến Cát của Sông Bé. Năm 1977 thầy được chuyển ra Bắc may mắn gặp lại được mẹ già suốt 8 năm trời bặt vắng tin tức con trai. Thầy Thiện được phân về dạy ở Trường cấp 2 Yên Thắng, Yên Mô và lấy vợ. Cô con gái thầy Thiện tìm đến Trung tâm Lưu trữ III để tìm hồ sơ của bố cũng chính là cô con gái út tên là Hoàn của thầy Thiện. Con Hoàn, bố Thiện. Năm 2004 thầy về hưu.
Sẽ là may mắn và kết thúc có hậu và quãng đời còn lại của thầy giáo đi B năm ấy bớt đi những u ám này khác nếu sức khỏe của thầy Thiện không sa sút nhanh. Với chất giọng rầu rĩ thày cho biết, mấy năm gần đây một bên mắt thày tự dưng cứ mờ dần rồi không phục hồi lại được. Bên mắt còn lại từng bị thương ở Khu X ngày ấy cũng đang mờ dần.
Thầy lo lắng nghĩ đến những năm xa ở chiến trường B liên tục đi công tác qua những vùng trơ trụi vì chất độc hóa học. Cơ quan của thầy ở Bến Cát Bình Long địch cũng thường xuyên rải chất độc da cam. Không biết thầy có bị vướng di họa nào không?
Nhưng nhỡn tiền như thầy tâm sự trong điện thoại rằng khi đi khám, thầy thuốc cho biết di chứng của những trận sốt rét rừng khiến lục ngũ phủ tạng trục trặc, bây giờ thầy đeo chứng bại thận khá nặng. Nếu không chữa chạy tích cực thì nguy hiểm. Đồng lương hưu không đủ cho những chữa trị này khác. Bộc bạch với tôi nỗi băn khoăn thắc mắc là thầy từ bấy đến nay không được hưởng một chế độ nào ngoài lương hưu.
Như đã nói, trong hồ sơ đi B lưu tại Trung tâm Lưu trữ III, chỉ có mỗi quyết định tăng lương từ 45 đồng lên 58 đồng của thầy Thiện. Thầy khẳng định rằng, trước khi đi B toàn bộ hồ sơ thầy Thiện không được cầm mà tổ chức làm việc bàn giao cho tổ chức của Ban Thống nhất Trung ương. Có lẽ hồ sơ của thầy đã bị thất lạc, bị trục trặc ở khâu nào đó từ khi thời điểm tổ chức Ban Thống nhất giải thể nên thiếu các giấy tờ cần thiết khác trong hồ sơ lưu.
Một giáo viên đi chiến trường suốt 8 năm như thầy Thiện liệu có được hưởng chế độ chính sách gì không? Và nữa, khi tiến hành thủ tục chế độ ấy liệu chỉ căn cứ trên mỗi bản đánh máy hiện đang lưu ở Trung tâm lưu trữ III thì có được không?
Cơ quan nào bây giờ đứng ra lo cho thầy Thiện và những trường hợp tương tự? Cứ vương vấn ám ảnh hình ảnh người thầy giáo gầy gò bệnh tật với những bộc bạch rất đời rằng, nếu cứ tằng tằng là thân phận anh giáo làng yên ổn ngoài Bắc đến khi nghỉ hưu nó đi một nhẽ. Đằng này xung phong vào nơi bom đạn tật bệnh mà chả được hưởng quyền lợi chế độ gì. Mà nữa, con cháu chúng tôi cũng phải biết thế hệ cha ông chúng đã từng góp sức cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc này ra sao chứ.
Tôi may mắn có dịp tới Tây Ninh, đến được một nghĩa trang đặc biệt. Đặc biệt vì nghĩa trang có cái tên Nghĩa trang liệt sĩ giáo dục. Tề tựu ở đây là 621 ngôi mộ liệt sĩ là các giáo viên nam nữ đã hy sinh ở chiến trường B2 và sau này ở Tây Ninh. Được biết nghĩa trang liệt sĩ giáo viên này là một trong 5 công trình giáo dục truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam.
Như tên trên văn bia đời đời nhớ ơn các liệt sĩ giáo dục đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Rưng rưng kính phục nghĩa cử bỏ mình vì nước của các thầy các cô (mệnh đoản thọ mà danh lại thọ- lời trên văn bia) nhưng cũng không khỏi chạnh nghĩ đến những thầy cô từng đi chiến trường từng mang thương tật, bệnh tật được mau chóng hưởng những chế độ chính sách mà họ phải được hưởng.
Như trường hợp thầy Nguyễn Đức Thiện vậy.
Theo tienphong