Chuyện ít biết về những người "khai sinh" món gỏi lá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, gỏi lá được xem là món ẩm thực đặc trưng của người dân Kon Tum và khu vực Bắc Tây Nguyên nói chung. VTV3 đã từng làm một chương trình giới thiệu món ẩm thực này trên chuyên mục "Sức sống mới" vào năm 2009.

Năm 1992, tôi chuyển về Kon Tum công tác sau 1 năm chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Các văn nghệ sĩ ở Kon Tum hào hứng rủ tôi đi hái lá. Các anh chia nhóm và lên thực đơn từng loại lá phải hái trong buổi sáng hôm đó. Tôi hỏi anh Trần Đình Nam: “Anh em mình đi hái lá về xông cho ai, người nào bị ốm à?”. Anh Trần Đình Nam cười tủm tỉm: “Cứ chọn lá non theo thực đơn mà hái. Câu chuyện hấp dẫn đang ở phía trước bạn ạ!”.
 

Ảnh: Phùng Sơn
Ảnh: Phùng Sơn

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi tụ tập về nhà nhạc sĩ Lê Minh Thế. Những bì bóng đầy ắp lá được bỏ vào chiếc thau lớn, mọi người xúm xít rửa lá. Một cái mẹt tre lớn được chủ nhà Lê Minh Thế đưa ra, nhà thơ Tạ Văn Sỹ nhận trách nhiệm phân loại và bày biện lá ra quanh chiếc mẹt. Trước mắt tôi cả một tập hợp lá: sung, ổi, xoài, kinh giới, ngổ, mồng tơi, đinh lăng, ngũ gia bì... Ở dưới bếp, một số anh em thái hành, tỏi. Nhạc sĩ Lê Minh Thế đóng vai trò trưởng bếp.

Anh lấy trứng gà đổ vào một bát mẻ lớn, những sợi thịt ba chỉ thái nhỏ cùng với ít tôm khô giã nhỏ cũng được cho chung vào bát mẻ. Anh dùng đũa khuấy đều, sau đó cho tất cả vào chảo dầu đã phi sẵn hành tỏi, mùi thơm lựng của gia vị quyện trong mùi của mẻ vàng sệt óng ánh thật hấp dẫn. Cá lóc được thái thành từng lát mỏng sắp đều chung quanh 2 chiếc đĩa lớn, anh rải bột gạo thính rang vàng lên trên những lớp cá. Tép, tôm xào xong cũng được sắp lên đĩa, 2 đĩa thịt ba chỉ luộc cũng được sắp đều đặn. Bát muối hạt trắng bên trên là ớt trái xanh và tiêu hạt là chế phẩm của nhạc sĩ Đặng Cường.

Nhạc sĩ Lê Minh Thế đặt mẹt lá giữa chiếu và bày biện 2 bát mẻ xào làm thức chấm, mấy đĩa cá gỏi, thịt luộc, tôm xào, muối ớt vào ngay giữa rừng lá! Phải nói là một tuyệt phẩm của bức tĩnh vật: Màu xanh của lá tôn nổi màu vàng, đỏ, trắng của những bát mẻ, thịt muối và tôm xào. 2 chai rượu trắng làm điểm nhấn kích thích đến lạ kỳ.

Nhạc sĩ Lê Minh Thế hùng hồn tuyên bố buổi “đại tiệc lá” bắt đầu! Anh bảo tôi lấy những chiếc lá lớn làm áo, sau đó lấy từng loại lá đặt lên trên, tất cả cuốn lại thành chiếc phễu rồi cho cá, tôm, thịt ba chỉ và múc nước chấm mẻ đổ lên trên, một ít hạt muối sống điểm lên cùng với trái ớt xanh cắm lên đó và cuối cùng là... đưa vào miệng. Cái cảm giác cay xè của ớt cộng với vị ngọt của tôm, cá, thịt, trứng, vị chua của mẻ và đặc biệt là đủ vị của lá làm nên một khoái cảm mà tôi chưa từng được thưởng thức trước đó!

Tôi hỏi chủ nhà: “Món khoái khẩu này xuất phát từ đâu?”. Nhạc sĩ Lê Minh Thế nổ giòn tan: “Là của mình sáng tác”. Nhà văn Trần Duy Phiên vốn dĩ điềm đạm, ông khoát tay: “Ấy, ấy, đây là món mà dân gian đã tích lũy từ hàng ngàn năm nay”. Ông bảo Kon Tum là nơi cư ngụ của dân tứ chiếng khắp 3 miền. Ông lại điềm đạm nói thêm: “Mọi nơi gọi là gỏi cá vì món chính là cá, rau chỉ là phụ. Còn ở Kon Tum lá nhiều nên gọi là gỏi lá. Gỏi lá Kon Tum là một món tổng hợp ẩm thực của cả 3 miền”. Không biết những lời của nhà văn vừa phân tích đúng được bao nhiêu phần trăm nhưng sau tràng vỗ tay của anh em là chấm dứt việc mổ xẻ về món gỏi lá ngày hôm ấy.

Phùng Sơn

Có thể bạn quan tâm