Phóng sự - Ký sự

Chuyện lở bồi ở Tam Hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần 20 năm, tôi mới quay lại Tam Hòa (Núi Thành). Đúng là lạ lẫm bởi đường sá phong quang, thẳng tắp. Nhưng người thì không, vì khi tôi vừa mở miệng: “Anh nhớ ai không?”, tức thì ông Trần Văn Cách đang ngả người trên chiếc ghế dài bật dậy: “Việt phải không?”.

 

Thôn 6 bên kia, chờ ngày có cây cầu, sẽ “thoát xác”. Ảnh: T.V
Thôn 6 bên kia, chờ ngày có cây cầu, sẽ “thoát xác”. Ảnh: T.V



1. Trời đất, ông Cách còn nhớ. Vợ ông chạy đi hái ổi cho tôi và ông nhấm nháp. Hai người đã về hưu. Hồi đó, tôi về đây, ông Cách đang là chủ tịch xã. “Ừ, cực muốn chết, đường đầy bùn, tiền bạc của nải xã có chi đâu. Nhà anh hồi nớ xập xệ, con còn nhỏ, chừ nó đã có con. Lâu quá, mọi thứ đổi thay quá nhiều…”. Vợ ông góp chuyện: “Hồi nớ khổ kinh khủng, chị xin nghỉ hưu sớm”. Ký ức lúc hiện lúc ẩn trôi về. Ông Cách chầm chậm: “Mọi thứ chừ khác lắm rồi em”.

Phía nam của tỉnh, bây giờ là vịnh An Hòa đang là tâm điểm của câu chuyện quy hoạch, đầu tư. Tôi hình dung nó kéo theo bao cơn sốt, dẫu chỉ là mới khởi động. Có thứ chi nhạy bằng đất, nó là thước đo, là nhiệt kế. Nói thẳng ra, chỉ có xứ mình khi bất động sản như ngựa vô cương, nên tất cả hít thở theo nó.

Tam Hòa nằm trọn trong vùng quy hoạch vịnh An Hòa, Khu phi thuế quan và Trung tâm đô thị kinh tế mở Chu Lai. “Ừ, dính quy hoạch hết, vấn đề còn lại là làm và làm tới đâu” - lời ông Cách, khi tôi hỏi chuyện ông Trương Công Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa. “Đưa vào “tọa độ” hết, nhưng xem ra còn xa lắm, mà không vì thế mà thả được đâu” - ông Bình nói - “hàng ngày phải đối mặt với bao việc như lâu nay thôi”.

“Đất lên không?”. “Ớn luôn, cò đất ở phía bắc vô thổi như bão, ai dại chạy theo là bể. Thôn Hòa An nó hét hơn 2 tỷ đồng một lô đất 200m2 , thổi một cấp rồi đi mất. Hô cho lắm lên 3 tỷ, 4 tỷ rân trời, nhưng bán được mấy người đâu. Rừng phòng hộ cũng viết tay mà bán, 150 triệu đồng/sào” - ông Bình nói.

Dân ở đây, thủy sản chiếm phần lớn, có tới 400ha/2.600ha đất nông nghiệp. “Đang mất mùa anh ơi” - ông Bình nói - “lại cái màn giá cao mà tôm không có, tôi tính tới 99% là lỗ bởi sau tết tôm chết hàng loạt. Thôn Đông An chỉ có 3 hộ hòa vốn, 2 lãi, còn lại lỗ hết. Năm ngoái trúng, nay lỗ”. Méo mặt vì tôm. Nhưng số còn lại, ông Bình nói rằng phần lớn sống ổn định là gia đình có công nhân làm trong các nhà máy.

Vẫn là chuyện quy hoạch nóng trên bàn, từ quan đến dân, khi đô thị An Hòa được phác thảo gợi một bức tranh phá vỡ thế ảm đạm bao năm phủ cả vùng sông nước rộng lớn. “Thì đã thấy rồi đó, đường 129 làm mới là quá thuận lợi, từ đây đi Chu Lai hay ra Đà Nẵng đều chạy cái vụt, không như trước đây, lại rút ngắn khoảng cách” - lời ông Cách.

Còn tôi nhớ hồi đó, đi từ Bà Bầu xuống, ôi thôi là đường với sá. “Đúng rồi, cái đường đó giờ khác rồi” - giọng ông Bình mang tiết tấu có vẻ nhộn lên-“anh biết không, dân tôi hiền, đền bù giải tỏa chẳng trục trặc chi. Nhiều chỗ, tôi vận động giao mặt bằng dù chưa đền bù, bà con đều chấp nhận.

Thì đường anh nói trên Bà Bầu xuống đó, là dân hiến đất mở đường. Đất ở đó 2,4 triệu đồng/m2 , đường mở ra 13,5m, thì dân hai bên đường đã hiến 3m chiều sâu/ hộ rồi, dài tới 2km chứ ít đâu. Nếu tính ra thì tiền khẳm. Nhưng nói hiến là hiến hết. Còn cây cối, vật kiến trúc, xã hỗ trợ 80% nhưng chưa có tiền để trả. Dân thấy quá thuận, bởi đi lại cực khổ bao năm rồi”.
 

Tuyến đường ĐH2 nối Tam Hòa và Tam Anh, dân tự nguyện hiến đất mở đường. Ảnh: T.V
Tuyến đường ĐH2 nối Tam Hòa và Tam Anh, dân tự nguyện hiến đất mở đường. Ảnh: T.V


2. Hình như ông Bình nhẹ nhõm chuyện này, nhưng, thoắt, ông dẫn ra một mớ khốn khó dai dẳng triền miên lâu nay. Nước sạch không có, khi công trình nước sạch làm từ 2017 đến nay chưa xong, dù đường ống có hết rồi. Đê biển dài 5km, hàng năm xâm thực 30 - 50m, mấy năm rồi nó ăn sâu vô hơn 100m.

Muốn kè phải có chừng 4 - 5 tỷ đồng, xã làm chi có tiền. Đê bao ngăn mặn quanh xã dài 15km, xuống cấp đã 20 năm; 4km chưa kè, đoạn còn lại đã kè nhưng có từ thời ông Cách làm chủ tịch xã, giờ đã nát bét rồi. Hễ bão là nước tràn vô, đi lại không được đã đành, mà tôm, lúa đều bị nhiễm mặn, chết hết…

“Đây là đảo, nước bao vây, không có cầu, đường tốt, không làm ăn chi được” - ông Bình nói để thuyết minh cho một dự án mà bao năm nay có mơ cũng không thấy. Đó là chuẩn bị làm cây cầu qua thôn 6 và một cây cầu khác qua Tam Anh với tổng tiền là 460 tỷ đồng.

“Đưa vào khu du lịch sinh thái, thì dứt khoát phải có cầu và kè. Thôn 6 cách biệt, ngày lễ, tết, cuối tuần, nhiều người về đây, đi ghe, đò qua thôn 6 chơi, nếu có được cây cầu, thì chuyện du lịch sông nước chắc chắn sẽ làm được” - lời ông Bình như khao khát và quả quyết. Tôi hiểu, đâu chỉ là ước mơ của một người…

Tôi ra chỗ hồ tôm sát sông ở thôn Xuân Tân, từ đây nhìn qua thôn 6 Tam Hòa bên kia xanh cây xanh nước xanh trời. Chỗ đó, tôi có lạ đâu, nhậu từ Tam Hải rồi chạy tới đó nhậu, kiếm đò về bên này.

Cái thuở gần 20 năm mà tít tắp xa. Thôn như một nấm xanh khổng lồ trải dài theo con nước. Cảnh trí hữu tình này trong mắt kẻ đi chơi, thưởng ngoạn như bức tranh thủy mặc, với rớ, lưới, ghe nhô lên khỏi vũng nước xanh kéo dài ra tới cửa biển.

Nhưng người ở đó, thuở khai thiên lập địa tới giờ và chờ đến khi nào có cầu, mới thoát được vòng lưới bủa vây cô lập. Hãy hình dung đi đâu cũng phải nhờ ghe đò, mùa nước lụt, bão tố, càng nguy nữa. Có cầu, mới khiến làng quê lột xác. Lúc đó, thiên hạ đổ xô về…

3. Cơn mơ mộng trong tôi không lâu, khi chạm gương mặt đen nhẻm vì nước và nắng của ông chủ hồ tôm là Trần Văn Tài. Ông và vợ đang cùng mấy người thuê dọn hồ. “Tết chừ lỗ hơn 400 triệu đồng rồi anh. Tôm chết hết mà giá thì lên” - ông Tài nói. “Năm ngoái thắng mà” - tôi hỏi.

“Thì đúng, nhưng trời năm ni không thương, thời tiết xấu quá”. Diện tích hồ tôm của ông Tài là 14 ngàn mét vuông. Đâu có ít. Tôi đọc đâu đó, nói miền Trung nhìn chung nuôi tôm chưa hề mang tính công nghiệp rõ ràng, không tuân theo khuyến cáo khoa học mà là theo lệnh của… tiền, làm được là làm tới, cho nên lúc lâm nguy là nặng nề. Tôm cá như nông sản, được mùa mất giá được giá mất mùa. Bao đời bộ trưởng nông nghiệp giải không ra bài toán này và không biết đến bao giờ nữa. Giờ thì nghe vị bộ trưởng mới hô hào chuyển đổi số…

Ông trưởng thôn Xuân Tân đi cùng tôi nói rằng, sợ nhất vẫn là đất lở vì kè nát hết và nhiều đoạn chỉ có đất đấu với sóng. Lở đến đâu chạy đến đó chứ biết làm sao. Cách đây mấy năm, vì lở quá, nên địa phương cùng gia tộc phải dời mộ ông Thủ Thiệm từ thôn Hòa Bình về Xuân Tân.

Ông thành danh bởi tiếng cười trào lộng hiểm hóc, chua cay đến tím ruột bầm gan nhưng cũng chảy nước mắt vì cười. Nhưng Thủ Thiệm đâu có biết, sông lở, nước dâng, chỗ mình nằm tưởng đã yên, rồi cũng phải xê dịch, đâu có giỡn cười được.

Tôi ngó sông, nhớ chuyện đó, nghĩ về ngày mai, khi câu chuyện xã này thoát cảnh ghe đò khốn khổ, thoát chuyện nước tràn sông lở bởi đã làm quy hoạch rồi thì không thể chắp vá, dù còn lâu, nhưng đó là chuyện có thiệt, lúc đó có nói giỡn có thành không - không thành có như ông Thủ Thiệm thuở nào, cũng không được.

Theo TRUNG VIỆT (QNO)

 


https://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/chuyen-lo-boi-o-tam-hoa-132119.html

Có thể bạn quan tâm