Thời sự - Bình luận

Chuyện lớn từ chiếc khẩu trang sau sử dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo dự báo của Bộ Y tế, với kịch bản dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở cấp độ 4, nhu cầu khẩu trang cho 5%-10% dân số là 2 chiếc/ngày/người, tương đương 9,7 - 19,4 triệu khẩu trang/ngày. Trước mắt, ước tính 5% dân số sử dụng vào khoảng 9,7 triệu khẩu trang/ngày. Vì vậy, việc sử dụng khẩu trang, gồm cả việc thải bỏ đúng cách, đang là vấn đề thực sự “nóng”.



Bộ TN-MT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường biện pháp quản lý chất thải để phòng chống Covid-19, trong đó có việc thu gom, xử lý khẩu trang thải bỏ. Hiện mỗi ngày hàng triệu khẩu trang xài rồi có thể bị thải bỏ bừa bãi, không được xử lý thích hợp. Do virus nCoV có thể tồn tại vài ngày trong môi trường tự nhiên, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng và ô nhiễm môi trường từ số rác khẩu trang là rất lớn. Bộ TN-MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về “việc sử dụng khẩu trang thông thường trong hoạt động sinh hoạt bình thường của người dân”.

Đây chính là vấn đề còn có những băn khoăn. Về lý thuyết, khẩu trang của người bệnh là chất thải nguy hại, phải xử lý theo quy trình của chất thải nguy hại, song khẩu trang mà người chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh sử dụng thì sao?

Loại khẩu trang được coi là ít có nguy cơ nhiễm bệnh (được sử dụng bởi người chưa được xác định nhiễm bệnh) sau khi sử dụng phải được bỏ vào đúng nơi quy định, không được thải ra ngoài môi trường và phải được thu gom, xử lý như đối với chất thải thông thường. Riêng tại các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung, Bộ TN-MT đề nghị bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định, hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm khám, trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế và xử lý theo đúng quy định để ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh. Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để tái sử dụng nhằm trục lợi bất chính, trường hợp phát hiện được phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trước đó, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ TN-MT, Bộ Công an, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định.

Theo quy định hiện hành, việc vứt bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo điểm c, điểm d, khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, như đã nói, khẩu trang y tế và ngay cả những khẩu trang đang được người dân sử dụng trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát này thì không chỉ là một loại rác thải thông thường. Theo China Daily, ông Jiang Rongmeng, bác sĩ trưởng tại Trung tâm Truyền nhiễm (Bệnh viện Ditan, Trung Quốc), khẩu trang đã qua sử dụng có thể chứa nhiều loại virus, bao gồm cả nCoV, do đó chúng không nên được “đối xử” như rác thải thông thường. Nhiều địa phương tại Trung Quốc đang bố trí một số thùng rác đặc biệt trong các khu dân cư để thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng và đốt toàn bộ. Nếu chưa thể làm vậy, do hạn chế về nhân lực, chi phí, khẩu trang khi thải bỏ nên được bọc kín trong túi riêng. Những người đi thu gom phải đeo khẩu trang y tế, có trang phục bảo hộ, có găng tay và dụng cụ để kẹp, gắp...

Từ vấn đề xử lý khẩu trang trong dịch Covid-19 đã cho thấy việc thu gom và xử lý chất thải rắn các năm qua vẫn tồn tại nhiều bất hợp lý. Đơn cử, tại TP Hà Nội - một địa phương có nguồn lực mạnh vào loại nhất cả nước - theo đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2019, phải đến năm 2025, 100% chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội mới được thu gom, xử lý đạt chuẩn môi trường. Và, ai cũng biết, để biến con số trong đề án thành hiện thực là cả một chặng đường gian nan. Không chỉ riêng rác thải y tế, việc phân loại rác ngay từ nguồn thải không khó, không mất nhiều thời gian, nhưng lợi ích lại vô cùng to lớn. Để đưa chủ trương này đi sâu vào thực tiễn, một mặt cần phải thay đổi cách tuyên truyền, giáo dục; mặt khác cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chế tài. Bên cạnh đó, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cũng cần được đầu tư thích đáng, có quy trình phù hợp với từng loại rác thải…

Chuyện từ chiếc khẩu trang nhỏ mà không nhỏ là vậy.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm