Phóng sự - Ký sự

Chuyện người trong cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi bày hai cuốn sách tày tặn hơn ngàn trang in Nơi ấy là chiến trường (NXB Hội Nhà văn - 2018) và Đi tìm một vì sao (NXB Hội Nhà văn 2022) mà mình đã đọc ở hai thời điểm khác nhau. Tác giả là cựu Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị. Để ngẫm ngợi về một người viết lẫn cây viết!

Ông Phạm Quang Nghị
Ông Phạm Quang Nghị
Và mạo muội coi Nơi ấy là chiến trường và Đi tìm một vì sao là cùng thể loại Hồi ký (1 và 2) mặc dù tác giả Phạm Quang Nghị khiêm tốn chỉ ghi là Nhật ký và ghi chép những năm tháng đi B và Đi tìm một vì sao là Tự kể chuyện mình!
Tôi không muốn tách bạch riêng rẽ hai cuốn hồi ức ấy. Bởi như một sự tiếp nối, bổ sung. Thoạt ngó cái tên Đi tìm một vì sao, chợt có cảm giác là lạ như gợi một đề tài khoa học thiên hà nào đó? Nhưng hóa ra là cái cách biểu đạt nhân văn của người viết.
Thuở nhỏ, như bao đứa trẻ vào những đêm trăng sáng tôi thường ngửa mặt lên trời đếm sao.
Một ông sao sáng/ Hai ông sáng sao… Bầu trời với muôn ngàn vì sao lấp lánh.
Vì sao nào là chính tinh, định mệnh cuộc đời mình trên bầu trời bao la và sâu thẳm ấy?
… Tôi không nhìn thấy vì sao nào là của mình. Nhưng tôi biết tất cả những vì sao trên thẳm xa kia cho dù li ti đến mấy cũng tỏa ánh sáng lấp lánh xa gần khác nhau. Giống như sự muôn vẻ của con người trên thế gian này vậy! Ai cũng góp phần làm nên vẻ đẹp sự hấp dẫn ca cuộc sống...
Nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong lời giới thiệu Hồi ký (2) - Đi tìm một vì sao (trang 7).
...Một cuốn tự truyện đậm chất văn chương.
(...) Cùng với những ký ức chân thực và sống động ấy là những chiêm nghiệm sâu sắc. Mỗi câu chuyện thường ngày được ông kể đều chứa đựng những tầng sâu suy tưởng và những thông điệp.

Tác phẩm hồi ký của Phạm Quang Nghị
Tác phẩm hồi ký của Phạm Quang Nghị
Nhiều người vẫn coi, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị may mắn được giời ban chút năng khiếu về việc viết (ngoài hai cuốn hồi ký, ông đã có gần mười đầu sách tày tặn viết về mảng chính trị và văn hóa). Nhưng bút lực của một cựu sinh viên khoa Văn Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội và sự chân tình như một thứ vô thức đã giúp ông thăng hoa hồi ức một thuở bi hùng?
Chàng trai thấp bé 23 tuổi mới tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Tổng hợp Phạm Quang Nghị trong đội hình đi B đầu năm 1974 của Đoàn học viên lớp học đặc biệt Trường viết văn Quảng Bá (Hội Nhà văn Việt Nam). Mới đi được 1 tháng một nửa tiểu đội phải nằm lại trong các bệnh xá vì sốt rét. 6 tháng vượt Trường Sơn, Phạm Quang Nghị phải 5 lần nằm lại bệnh xá. Đồng đội của anh có người vĩnh viễn nằm lại binh trạm vì sốt rét ác tính. Những ngày ở chiến trường ác liệt Bù Đốp, Lộc Ninh, Tây Ninh, Phước Long, Bình Long. Thời khắc lê thê ác liệt ở R. và nhất là vùng ven lộ 4, vùng ven Đồng Tháp Mười cho tới ngày 30/4/1975. Lộ trình máu lửa ấy khi chập chờn bàng bạc, khi hiển hiện trong hai cuốn hồi ký của tác giả Phạm Quang Nghị.
Ngổn ngang bộn bề đậm đặc bao nhiêu là chuyện chiến trường. Cái mạch cuốn hút để người đọc khó lơi bỏ chính là sự chân thật không hư cấu (non-fiction). Khi bàng bạc, khi đậm đặc âm hưởng chủ đạo của sự trải nghiệm sâu kín, tiếng nói nội tâm chân thật giản dị, một hành trình tinh thần của một sinh viên, một trí thức trẻ đi vào trận mạc.
Cung cách nhớ gì kể nấy, là liệt kê, tổng thành những con số cộng sự kiện cũng là một thủ pháp của hồi ký. Nhưng Phạm Quang Nghị không ôm đồm, dàn trải. Những chi tiết ròng ròng sinh khí, roi rói như mới cắt ra từ hiện thực chiến tranh được người ghi không bày biện, bình xét gì. Nhiều mẩu, nhiều chuyện chỉ mấy chục chữ thôi nhưng xứng đáng cho chất liệu một truyện ngắn, tiểu thuyết.
Xen giữa những liệt kê kể chuyện, một dung lượng vừa phải của hai cuốn hồi ký là cách viết chỉ lẩy, phác qua sự kiện. Sự kiện là cái cớ để những suy ngẫm, liên tưởng bám theo vượt thoát lên, con số đem lại những hiệu ứng bất ngờ cho thể loại nhật ký. Ngay từ khi rất trẻ, mới 23 tuổi thôi đấy.
Ngay quê nhà Định Tân huyện Yên Định (Thanh Hoá), cũng từng là một góc trận mạc bi thương. Trận bom Mỹ quái ác mùa đông năm 1966 đã giết chết gần trăm dân lành của Định Tân trong đó có hai người em gái của Phạm Quang Nghị.
Những thời điểm cùng sự kiện đời người dễ chi nếm trải? Tính cách từng chững chạc chín chắn rất sớm. Rồi ở vào các vị trí, chức việc không thường… Nhưng trong những dòng hồi ức ấy, người viết Phạm Quang Nghị như xoải hết mình với dòng vô thức bản năng được phép cựa tung hết chiều kích của nó. Cái thực cái quý na ná cách nói của García Márquez là trung thực đến cả cái dấu chấm!
Kinh qua những quyền chức, Phạm Quang Nghị có thể cẩn trọng biên tập lại những giờ phút gọi là yếu mềm bản năng được chứ? Nhưng ông đã kiên quyết.
Tôi và biên tập viên cố gắng trung thành tối đa với những con chữ gần nửa thế kỷ xô lệch trong những trang giấy đã ố vàng nhiều tờ dính bết vào nhau. Phải nhẹ tay tách khéo sao cho khỏi bị rách. Nhiều chỗ mực đã mờ phải đoán mãi mới ra. Nhiều trang từ ngữ văn phong bây giờ đọc lại thấy vụng về trúc trắc. Nhưng đó chính là con chữ của tôi, một người lính Trường Sơn sốt rét tưởng chừng không sống nổi, một phóng viên chiến trường không chuyên, một cán bộ tuyên huấn đi thực tế vùng ven, một cán bộ Việt Cộng nằm vùng thứ thiệt. (Trang 24- Nơi ấy là chiến trường).
Nhớ hồi đọc xong cuốn hồi ký thứ nhất - Nơi ấy là chiến trường, tôi chợt nghĩ đến cái người đang sở hữu mấy chục cuốn, dạng nhật ký, sổ biên việc có nhiều chuyện ngoài phạm vi công tác. Hình như ông vẫn giữ bền thói quen biên chép thể nhật ký về những năm tháng ở quyền cao chức trọng ấy như cái hồi tuổi hoa niên?
Lần ấy gặp vội, tôi có bộc bạch với ông vài ý nghĩ khi đọc Nơi ấy… Cả cái cảm giác thòm thèm thiêu thiếu ở thể loại gọi là hồi ký? Rằng không riêng một người đọc bình thường như tôi mà nhiều người khác nữa đang mường tượng lẫn hồi hộp một ngày đẹp giời nào đó, sẽ bất ngờ được đón nhận những trang hồi ký của ông!
Hồi ký, tại sao không? Hồi ức về những năm tháng không dễ dàng thời gian ông từng là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Và nữa, có tới 10 năm ở cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Rằng một cựu Ủy viên Bộ Chính trị, một người viết như Phạm Quang Nghị sẽ khai mở sẽ bộc bạch sử dụng mảng miếng sự kiện nào từ khối tư liệu ăm ắp kia? Về những năm tháng không dễ dàng từng quăng quật với cơ chế, về đời sống quan chức mà ông can dự chắc chắn sẽ cấu thành một mảng ký ức hoành tráng vừa lộng lẫy vừa nhiêu khê…
Nhưng ngạc nhiên chưa, trong cuốn hồi ký thứ hai Đi tìm một vì sao Phạm Quang Nghị đã có hẳn những chương, hồi về những địa hạt lạ lẫm, khó nói ấy! Mà địa hạt lãnh vực ấy phải gọi sự vật bằng cái tên của nó không sái là chiến trường!
Những Chuyện thường ngày ở Ban (Ban đây là Văn hóa Tư tưởng) Hạn 49-53 về Hà Nam. Bộ Văn hóa năm năm và một ngày. Mười năm lát cắt thời gian (Mười năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội) vv…
Thầm trách mình hình như đã những nông nổi cầm đèn chạy trước ô tô này khác! Mà hình như người viết đã trù liệu cả rồi?
Từng loáng thoáng nghe một Phạm Quang Nghị phải chịu trận này khác khi về nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Nhưng giờ đây đọc ông vẫn rùng mình sởn gai ốc về trận đồ bát quái của nạn tranh đoạt quyền chức, mất đoàn kết nội bộ, về lòng người thói đời…
Chuyện cái cặp số của Bí thư Nghị bị ai đó lén lút phá để tìm tài liệu (Đi tìm một vì sao. Trang 433) Chuyện Bí thư đi tìm sự thật phải đóng vai nhà báo (sdd. Trang 421). Cùng vô số những mưu mô chước quỷ này khác với cái đích đen tối Phải cho Trung ương một bài học! Phải cho ông Nghị sa lầy ở Hà Nam (sdd. trang 424). Trên đời bẫy chim bẫy chuột bẫy thú rừng thì có vài ba thứ nhưng bẫy người có muôn vạn thứ (sdd. Trang 411).
Một Bí thư Nghị đã có lúc nản.
Ước ao giá như mình không phải đi luân chuyển. Được tiếp tục ở lại cơ quan thì sung sướng biết bao (sđd. trang 411).
Đọc ông, chắc nhiều người liên tưởng, có vô khối các chi tiết, chất liệu đắt cho một kịch bản na ná phim Bí thư tỉnh ủy bộ mới chẳng hạn? Khi kê biên ra những vụ việc u tối, nản lòng ấy thì cũng từng những lần tân Bí thư Tỉnh ủy họ Phạm đã phải vượt qua và chiến thắng. Bằng cái tài lẫn cái tình!
Có lẽ phải gọi thời gian làm Bí thư Hà Nội là mười năm dâu bể!
Bao nhiêu là những tâu bẩm, múa may, ngáng trở cùng mời mọc. Và chẳng ít những mưu mô. Chỉ việc đặt bút ký nháy. Đơn giản hơn chỉ cái gật đầu để những báo cáo anh đại loại như cho xây 5 cái cổng chào ở 5 cửa Ô. Dự án trưng bày hoạt động ẩm thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long trên cầu Long Biên. Rồi dự án chôn 1.000 hiện vật để gửi mai sau nhân 1000 năm Thăng Long (sdd. Các trang 556-558) là có ngay và luôn tiền tấn - những cục gạch bất ngờ bí mật!
Gấp lại hai cuốn hồi ức, mạo muội nghĩ thêm về cái khó của tác giả Phạm Quang Nghị.
Hơi bị hiếm dạng hồi ký của một cựu quan chức từng đóng ngôi cao, từng trong cuộc, từng can dự sâu này khác cùng cơ chế. Như một dạng tiên phong khai mở. Mở đây là mở cái kho hồi ức. Có lẽ khó mà khép lại, dừng lại những bộc bạch thực thà lẫn khôn khéo của một dạng tự truyện khiến bạn đọc ít nhiều còn tò mò, thòm thèm? Về những chuyện ấm lạnh này khác của một vị quan may mắn đang có được những ngày hưu nhàn, lành?
Và sức viết hình như chưa phải là tuyệt* bút?
----------------
(* tuyệt: chấm dứt)
Theo Xuân Ba (TPO)
https://tienphong.vn/chuyen-nguoi-trong-cuoc-post1438435.tpo

Có thể bạn quan tâm