“Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi lần về Thủ đô Hà Nội, tôi không thể không đến viếng Lăng Bác. Tuy nhiên, nhớ nhất, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất vẫn là lần đầu tiên thăm viếng Lăng Bác vào một ngày giáp Tết Kỷ Mùi 1979.

Là người miền Nam, lần đầu ra Thủ đô, nhóm bạn học chúng tôi thấy gì cũng lạ, cũng muốn khám phá, tìm hiểu, đặc biệt là mơ ước được một lần vào Lăng viếng Bác Hồ. Năm anh em chúng tôi, gồm tôi, Hiền (Quảng Nam), Việt (Cà Mau), Thành (Bình Định), Hùng (Bình Thuận), trước khi nhập học ở Trường Sĩ quan Cơ yếu Xuân Hòa thì được bố trí ăn nghỉ ở Trạm 66-nhà khách của Bộ Quốc phòng trên đường Phan Đình Phùng, gần Lăng Bác. Các lần nghỉ lễ, Tết sau đó, chúng tôi về nghỉ ở nhà khách số 8 Chu Văn An cho gần Lăng Bác hơn.

Lễ thượng cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: HUYỀN TỶ

Lễ thượng cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: HUYỀN TỶ

Từ rất sớm, mấy anh em chúng tôi đã có mặt ở khu vực Lăng Bác. Được các chiến sĩ bảo vệ Lăng hướng dẫn, chúng tôi ngồi đợi ở phòng chờ. Rồi cũng đến giờ mở cửa, trong phòng chờ khi ấy đã kín người, đủ các thành phần, độ tuổi, nhưng đông nhất vẫn là người miền Nam. Tiếng hát của một nữ ca sĩ lắng đọng, mượt mà phát ra từ hệ thống loa phóng thanh trong phòng chờ bài hát “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác” (nhạc Hoàng Hiệp, phổ thơ Viễn Phương). Bài hát này chúng tôi đã thuộc lòng từ lâu, dù vậy ai nấy đều rất xúc động khi nghe ngay những ca từ đầu tiên: “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác/Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng/Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng/Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ/Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

Nhà thơ Viễn Phương như nói thay lời chúng tôi cũng như hàng triệu con tim của đồng bào miền Nam vậy. Bác là vị lãnh tụ của toàn dân tộc, nhưng với riêng miền Nam, Bác còn nhiều nỗi nặng lòng. Sinh thời, Bác “nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà” bởi Bác thương miền Nam “đi trước về sau”. Sau Hiệp định Genève (năm 1954), Nam-Bắc bị chia cắt, đồng bào miền Nam bị Mỹ-Diệm ra sức đàn áp, bắt bớ tù đày, biết bao người yêu nước chịu cảnh “lê máy chém” của giặc ngày đêm lùng sục, giết hại. Bác từng có mong muốn được vào miền Nam để thăm hỏi động viên đồng bào, chiến sĩ. Còn miền Nam cũng ngày đêm “mong Bác nỗi mong cha”, bởi thế, hôm nay đây, khi nghe những ca từ thương yêu da diết, lắng đọng ấy, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động đến độ nước mắt lưng tròng.

Sau khi đã nghe những ca khúc viết về Bác, xem những bộ phim tư liệu về Người, chúng tôi đều không giấu được nỗi xúc động. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác thăng trầm bôn ba nơi xứ người tìm đường cứu nước, cứu dân ròng rã 30 năm, để rồi về nước lãnh đạo Nhân dân ta làm cuộc cách mạng giải phóng ách áp bức bóc lột của thực dân phong kiến, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Bác ra đi để lại cho chúng ta bao tình thương yêu, nuối tiếc...

“Bác đã đi rồi sao Bác ơi/Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời/Miền Nam đang thắng mơ ngày hội/Rước Bác vào thăm thấy Bác cười” (Tố Hữu). Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương xây dựng Lăng lưu giữ thi hài của Bác để có ngày nay chúng ta còn thấy Bác. Đi trong không gian linh thiêng quanh thi hài của Bác trong Lăng, chúng tôi nghe như đâu đây bao điều Bác dạy.

Triển lãm sưu tập chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969. Ảnh: Đ.M.P

Triển lãm sưu tập chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969. Ảnh: Đ.M.P

Nhân dân các dân tộc Gia Lai, mà đại diện là quân dân vùng căn cứ K10 có một phần đóng góp, dù nhỏ nhưng thể hiện tấm lòng của mình đối với Bác là cùng nhau lên rừng, vượt suối, tìm những cây trắc-một loại gỗ quý của núi rừng Tây Nguyên gửi ra miền Bắc, góp phần nhỏ xây dựng Lăng Bác. Chúng tôi tự hào về quê hương miền Nam, dù trong thời chiến tranh gian khổ, nhưng với Bác Hồ thì dù có đổ mồ hôi, xương máu cũng cam. Vì vậy, mỗi địa phương góp một tấm lòng xây dựng Lăng Bác. Mới đây, trong chuyến ra thăm Thủ đô, tôi và mấy đồng nghiệp vào Lăng viếng Bác.

Lần nào cũng vậy, mấy chục năm qua, kể từ khi Lăng Bác xây dựng hoàn thành, chính thức đón khách đến thăm viếng, đúng như nhà thơ Viễn Phương ghi lại: “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Trong “dòng người” ấy, có cả những người thuộc các châu lục: Âu, Á, Phi, Mỹ, Úc đủ các màu da, tiếng nói “đi trong thương nhớ”, bởi Bác của chúng ta là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Nhóm bạn chúng tôi sau khi vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn của Bác, chùa Một Cột thì gặp một đoàn học sinh THPT từ vùng cao Việt Bắc. Hỏi thăm thì được biết, các cháu nhân ngày nghỉ được các thầy-cô giáo dẫn đi viếng Lăng Bác. Một đoàn sinh viên ở Học viện Công an nhân dân, trong đó có nhiều bạn là con em đồng bào miền Nam cũng lần đầu viếng Bác rất xúc động, có bạn còn nhớ cả một đoạn lời bài hát “Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng/Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ”. Tôi bỗng nghĩ, “mặt trời” ấy là Bác Hồ, là tư tưởng của Bác, dẫn dắt chúng con trên con đường kháng chiến thắng lợi và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thành công, có được đất nước ngày càng phát triển như ngày hôm nay.

Ngày nay, đất nước đã hòa bình thống nhất, tuy Bác không còn, nhưng tình thương của Người dành cho miền Nam thì vĩnh cửu. “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác”, mỗi lần như thế là mỗi lần nhắc nhớ cho chúng tôi cần phải làm gì để xứng đáng với công lao trời biển và tình thương yêu vô hạn mà Bác dành cho đồng bào cả nước nói chung và đồng bào miền Nam nói riêng. Để rồi, “Mai về miền Nam thương trào nước mắt/Muốn làm con chim hót quanh Lăng/Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...”.

Có thể bạn quan tâm