Nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể lại, khi mới về nhận việc ở báo Tiền Phong, Bùi Ngọc Tấn thấy ở tủ sách cơ quan có một tập truyện viết về Điện Biên Phủ. Đó là cuốn Bảo vệ đường lên Mặt trận. Tác giả là Hồ Phương, Mạc Lân, Đại Đồng. Tập sáng tác duy nhất khi ấy viết về Điện Biên Phủ. Cuốn sách đã được Giải thưởng trong cuộc thi sáng tác về Điện Biên Phủ.
Nhà báo Mạc Lân (giữa) dịp kỷ niệm 50 năm thành lập báo Tiền Phong. |
Tôi đã có nhiều dịp ngồi với cây viết Mạc Lân xông xáo tài hoa. Con trai nhà văn tài danh Lê Văn Trương.
Phóng viên Mạc Lân từng nhiều năm phụ trách hai ban Văn Nghệ và Bạn đọc của báo Tiền Phong. Và kỳ tích đương đêm đạp xe từ Hà Nội vào Trại phong Quỳnh Lập ở Nghệ An để thực hiện gấp phóng sự tố cáo tội ác dã man của Johnson ném bom tàn sát những người bệnh phong. Phóng sự của Mạc Lân trên báo Tiền Phong đã đánh động dư luận quốc tế khi ấy.
Rồi cái đoạn vì chơi thân với những Phùng Quán - Trần Dần (chỉ chơi thân nhau thôi) mà Mạc Lân không được tổ chức tin tưởng. Cái thời ấy nó thế. Đang là Trưởng ban Bạn đọc và Văn nghệ, Mạc Lân xuống làm phóng viên thường. Lương từ bậc 11 hạ xuống bậc 7. Là người thích đi thích viết điều đó không làm anh choáng. Nhưng bao nhiêu những tận tâm cố gắng vẫn chỉ là người ngoài lề, bên rìa.
Bạn thân là nhà văn Lê Bầu xui Mạc Lân chuyển sang Hội Văn nghệ Hà Nội. Thì sang. Được viết là thích rồi. Nhưng liền có một chỉ thị bất thành văn từ đẩu đâu là Mạc Lân không được ký tên dưới các bài viết. Đồng nghĩa với việc không được viết nữa!
Cú đánh đột ngột ấy khiến đời sống của một gia dình bé mọn chao đảo.
Mà khi ấy Mạc Lân lại đang dám hẳn một cú dứt khoát! Để lại vợ với 3 con đằng sau để dấn vào cõi mịt mùng vô định với một phụ nữ khác! Không có tình yêu nào xấu, chẳng có nhà tù nào đẹp. Thì đã đành. Nhưng phải sống, phải có thứ chi bỏ vào mồm chứ?
Nhờ có nhà thơ Dương Tường mách nên Mạc Lân mấy năm liền kiếm sống bằng việc… bán máu!
Ngày ấy Mạc Lân hơn 60 ký. Không viêm gan, không bệnh truyền nhiễm. Lại thuộc nhóm máu B nên dễ bán. Mỗi lần lấy 200cc. Nhưng gạ thêm trăm nữa thành 300cc. Phải lượng ấy thì ngoài tiền máu ra, mới có thêm tiêu chuẩn bồi dưỡng. Một bát phở ăn ngay ở căng tin bệnh viện. Kèm phiếu 2 cân đường, 1 kg thịt, 2 hộp sữa và 4 kg đậu phụ.
Mạc Lân thường bán ngay tem phiếu ấy cho đám con phe.
Việc bán máu chả thể là cần câu cơm chính.
Mạc Lân được cánh bạn viết bí mật kết nạp vào hội viết văn chui. Nghĩa là viết mà không được ký tên mình để phục vụ những anh huếnh. Những gã đang muốn có chân trong Hội văn nghệ địa phương và cả Hội nhà văn quốc doanh.
Họ biết Mạc Lân đang có danh. Càng biết người viết ấy đang túng. Bởi cả hai bên cùng có lợi.
Lần ấy trong hồi ức, Mạc Lân tự dưng tỷ mẩn. Hàng trăm bài báo thì không nhớ hết. Hàng chục cái truyện ngắn cũng vậy. Nhưng hai cuốn tiểu thuyết, 5 giải thưởng từ các cuộc thi viết thì ông nhớ do chính ông viết đã đứng tên những ai. Tất tật các công trình ấy Mạc Lân không được phép ký tên. Tất cả đều được sản xuất từ Made in MacLan.
Vâng phải hơn mười lăm năm làm cái việc viết chui như thế!
Chẳng phải một lần mà nhiều bận. Tôi gạn cái ông tác thật Mạc Lân, thôi thì những bài báo truyện ngắn không tính nhưng các cuốn tiểu thuyết và các giải thưởng ấy những ai là tác... giả? Nhưng đều bại. Vì ông tác thật Mạc Lân cứ lắc quầy quậy!
Hóa ra Mạc Lân là người giữ chữ tín khá kỹ trong chuyện làm ăn, thương trường. Trong số những người đặt hàng thuê viết ấy, ông chả hé ra ai cả!
* * *
Thời điểm Mạc Lân mất, tôi có đề cập chuyện viết thuê ấy trong một bài báo.
Người tìm đến tôi là Lê Hoàng Lân con trai nhà báo Mạc Lân.
Người con trai mà thuở ấy Mạc Lân đã để lại đằng sau một gia đình bé mọn gồm người vợ và 3 đứa con để dấn thân vào cõi mịt mùng vô định với một phụ nữ khác…
Đến đây phải mở thêm một cái ngoặc.
Nhà văn Nguyễn Một, nguyên phóng viên báo Tiền Phong hiện phụ trách truyền thông Tập đoàn THACO năm xa ấy có kể cho tôi chuyện Nguyễn Một vừa tầm về bộ phận truyền thông một tay rất ngộ. Ngộ như thế nào? Đại loại là được việc và Nguyễn Một rất có cảm tình! Tóm lại, chuyện đó xin được nói sau!
Hóa ra cái tay ngồ ngộ ấy chính là Lê Văn Lân, con trai nhà báo Mạc Lân.
Nhà văn Nguyễn Một có hé với tôi người cháu nội của nhà văn Lê Văn Trương, người hùng Lê Văn Trương lâu nay đã bỏ bao công sức để chăm chắm một việc! Đó là việc cố công tìm lại những tác phẩm của ông nội! Một công tích khó tin, bởi nhà văn Lê Văn Trương thuở sinh thời từng viết hơn 200 đầu sách. Cụ mất năm 1963. Và hiện tại Lê Văn Lân đã tìm gom được hơn 100 đầu sách của ông mình!
Một chuyện nữa là Nguyễn Một đã động viên Lê Văn Lân khởi động tích cực việc truy tìm tông tích của những tác phẩm mà người cha Mạc Lân đã từng viết chui thuở gian khó!
Và sau đây là tóm lược câu chuyện của Lê Văn Lân với người viết bài này:
...Bạn bè và nhiều người khác có hỏi tôi về chuyện bố tôi đã từng phải viết thuê, viết chui thực hư ra sao?
Tôi xác nhận là có, chỉ là số lượng cụ thể thì tôi không chắc! Bởi tôi là một mắt xích trong việc bố tôi phải viết chui.
Tôi vẫn nhớ những con phố, tên người mà bố bảo tôi đến đưa bản thảo và lấy nhuận bút mỗi khi có.
Hà Nội lúc đó còn chưa rộng lớn, tôi chủ yếu đi bộ hoặc đi tàu điện đến những nơi ấy. Tôi vui được bố sai việc, được đi chơi, được ít tiền lẻ tiêu vặt, đó là điều sướng nhất.
Bố với tôi ở phố Đại Cồ Việt. Từ đó nếu đến nhà bác nhận việc cho bố tôi ở gần đường Nam Bộ, tôi toàn đi tắt qua công viên, băng qua rạp xiếc là tới nơi. Xa hơn là khu Văn Chương. Có nhà tít trên Thuỵ Khuê thì tôi ra Ô Cầu Dền nhảy tàu điện, đến Nguyễn Thái Học và Khâm Thiên là tôi đi lại nhiều nhất, các chỗ khác không nhiều như hai phố này.
Khi đi tôi đi tay không, đến các chú gửi bố cái thư để mang về, khi nào quay lại là các chú đưa cho tôi phong bì có tiền, và dặn cẩn thận kẻo mất. Do vậy những lần sau bao giờ tôi cũng đi bộ, không dám đi tàu điện. Hà Nội lúc đó dân hai ngón làm việc trên tàu điện rất điệu nghệ, những lần về như vậy bao giờ cũng thấy bố vui hơn, tôi lại có tiền lẻ đi xem phim rạp Tháng Tám ở Hàng Bài, rạp mà trẻ con rất ít khi được vào (vé đắt hơn các rạp khác).
Tôi không bao giờ hỏi những bản thảo mà bố đưa tôi đi gửi… Thực ra cũng chẳng biết nó như thế nào. Được bố sai là vui rồi.
Sau này tôi có thấy một chú được đăng báo về tác phẩm nổi tiếng. Lại có người bảo bố mày viết đới!
Tôi có hỏi bố thì bố cười, không phải bố đâu!
Khi đã lơn lớn, trong lúc bố chuyện trò với bạn bè, một số người bảo bố nên công bố cái này cái nọ là của mình… Bố cười bảo không nên. Rồi bố tôi thở dài, lúc đó không có họ thì khó khăn lắm… Họ đã từng giúp mình thì phải tôn trọng “hợp đồng”, dù chỉ là hợp đồng miệng.
Dân văn nghệ Hà Nội kháo rằng nói nếu Mạc Lân công bố thì chẳng khác nào bom nổ!
Tranh: Kim Duẩn |
Bạn tôi sau này cũng là dân viết (trong đó có Nguyễn Một) xót xa bảo tôi rằng, vậy Lân để các tác phẩm của ông cụ mất à? Tôi bảo chấp nhận thôi, đó là ý của bố tôi, tôi tôn trọng.
Tôi cũng ngỏ với các bạn tôi rằng, với lại về lý rất khó, bản thảo và mọi thứ liên quan tôi không thể chứng minh nó là của bố tôi? Bây giờ, trong số những tác… giả nhiều chú cũng theo bố tôi là tác thật mà đi rồi rồi! Họa sĩ Thành Chương còn bảo tôi, anh cũng biết chú Mạc Lân viết cho ai, nhiều người biết, và tất cả đều chấp nhận có một thời như thế.
Thời gian bố tôi nghỉ hẳn, không còn sức để viết, tôi cũng thấy những chú đó đến thăm hỏi bố, họ vẫn chuyện trò vui vẻ, giữa họ tôi không thấy có gì là chui lủi cả.
Cả người đứng tên tác giả và người viết thật đều vui và họ vẫn gắn bó, tôi nghĩ đó là điều đáng quý, và bố tôi chắc cũng nghĩ như vậy.
Ông hàm ơn họ. Với ông nếu không có họ, những ngày túng đói ấy chắc sẽ nhếch nhác thêm nhiều lắm.
Ông Lê Văn Lân, con trai nhà báo Mạc Lân |
* * *
Cứ loanh quanh luẩn quẩn luật quật kiếm ăn như thế, Mạc Lân chưa có gì cho riêng mình ngoài những bài báo và cái Giải chung với Hồ Phương viết về Điện Biên Phủ năm 1955 ấy!
Rồi tuổi già cùng cái họa tật bệnh theo nhau xộc đến. Hai lần gãy chân. Nhồi máu. Huyết áp cao. Và cú cuối, tai biến. May mà nhẹ.
Dạo thường lui tới căn nhà xập xệ của Mạc Lân ở mạn Cầu Giấy, có lúc tôi bắt gặp ông đương gác cái chân đau lên thành giường. Và khó nhọc đọc cho một cô cháu ghi chép cái gì đấy! Tò mò, hóa ra một cuốn sách ông nói là đương viết dở. Cuốn ấy có tên là Số phận!
Có hơi hướng cùng đậm nhạt yếu tố dạng hồi ký…
Ấn tượng thêm với lời đề từ. Nếu cuộc đời có số phận thì tôi sẽ chống lại số phận không nguôi!
Sau này tôi có hỏi anh con trai Lê Văn Lân Số phận ra sao rồi? In chưa? Lân cho biết bản thảo hiện đương lưu chỗ nhà thơ Dương Tường.
Vợ nhà thơ Dương Tường lại là em gái nhà văn Tất Vinh tức Hồng Dương, một cây viết tài hoa kiêm hiệu suất cao của báo Tiền Phong một thời.
Nhà thơ Dương Tường cho hay đương phải cho gõ lại vi tính và chỉnh lại một số chỗ chưa chuẩn cho tác giả vì thời gian tật bệnh hành hạ.
Rồi đùng cái, bạo bệnh ập xuống Dương Tường.
Có lẽ việc hoàn tất Số phận phải đến tay anh con trai Lê Văn Lân?
… Nhà báo Mạc Lân mất đã mười mấy năm rồi. Nhớ ông, một người viết thua thiệt, một cây viết thời thương khó!
Theo Xuân Ba (TPO)