Phóng sự - Ký sự

Chuyện thầy giáo gian nan đi tìm nguồn cội - Bài cuối: Đi tìm tung tích mẹ, cha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Con người sinh ra có quê hương, họ hàng, cha mẹ... Sao mình sinh ra trên cõi đời này lại không biết một chút thông tin gì về những người máu mủ, ruột thịt”. Đó là những trăn trở trong suốt những năm tháng trưởng thành của thầy giáo Nguyễn Vĩnh Khánh (74 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).

Người mẹ kiên trung bất khuất của tôi

Gặp lại được mẹ nuôi người Raglai đã thắp lên cho thầy giáo Nguyễn Vĩnh Khánh tia hy vọng trong hành trình tìm lại cha mẹ ruột dài đằng đẵng phía trước.

Suốt 2 tháng ròng tại quê hương, ông nỗ lực tìm kiếm và thậm chí còn đến gặp con gái Xã Đỏ (tên phản cách mạng ngày xưa đã giết mẹ ông) để hỏi thăm về mẹ. Từ những thông tin góp nhặt ít ỏi, ông lần đầu tiên được nghe đến tên mẹ đẻ mình là bà Mười Dư (quê ở Phú Nhơn, huyện Ninh Hòa, nay là thị xã Ninh Hòa).

Những sự kiện trong chuỗi ngày tìm lại nguồn cội được ông Khánh (trái) ghi chép lại cẩn thận

Ông Khánh vui sướng và quyết tâm tìm gốc gác, lai lịch của mẹ đến cùng. Nhưng mọi thứ vẫn rất khó khăn khi những mảnh ghép về mẹ còn vô cùng mơ hồ và không một ai biết về cha của ông. Kết thúc thời gian nghỉ phép, ông phải về lại Cao Bằng để tiếp tục công tác trong niềm nuối tiếc về hành trình còn đang dang dở.

Năm 1979, ông Khánh một lần nữa quay lại Khánh Hòa tiếp tục tìm kiếm thông tin về mẹ. Tâm điểm lần trở về này của ông là quê mẹ tại Phú Nhơn, huyện Ninh Hòa. Tâm trạng ông nặng trĩu nỗi mông lung, không biết phải bắt đầu từ đâu.

Qua sự chỉ dẫn của nhiều người, ông tìm đến chú Nguyễn Trực (người từng chiến đấu cùng mẹ ông, lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Hoà). Thật không may, khi ông đến, chú Trực đang đi công tác xa, ông phải ở chờ tại nhà chú Trực từ ngày này sang ngày khác.

“Vậy là tôi thật sự có mẹ sau mấy chục năm sống không hề biết tên cha mẹ, sống trong cảnh mồ côi thiếu thốn tình yêu thương của gia đình. Bây giờ dù không biết mặt cha, mẹ, dáng dấp của họ nhưng tôi đã hiểu về lai lịch và chiến công của cha mẹ mình. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời một con người”.

Ông Nguyễn Vĩnh Khánh bùi ngùi nhớ lại

Khi sự kiên nhẫn trong ông đang dần vơi cạn, cũng là lúc chú Trực trở về trong niềm vỡ òa sung sướng. Ông liền gợi hỏi chú về bà Mười Dư, chú Trực liền bật người dậy nói trong uất ức: “Hai mẹ con chị Mười Dư bị một kẻ phản bội hồi ấy giết chết cả rồi”. Nghe tới đây, nước mắt ông cứ tuôn ra, rồi ôm chầm chú Trực: “Thưa chú, cháu là con của mẹ Mười Dư đây, cháu là Lượm đây”.

Tất cả những gì khắc sâu trong ông Khánh là dáng dấp của mẹ qua lời kể của chú Trực và một vài đồng đội khác của mẹ. Bà là một cán bộ phụ nữ tóc dài, người cao ráo, nói tiếng Raglai và Ê Đê rất giỏi. Bà sống phúc hậu và yêu thương đồng đội. Ngoài làm việc ở Phú Nhơn bà còn thường xuyên lên Khánh Vĩnh để hoạt động cách mạng. Bà vừa là hội trưởng phụ nữ vừa là người tiếp tế lương thực, thuốc men, quần áo.. cho cơ sở cách mạng.

Sau khi sinh ông, bà lúc nào cũng gánh hai cái thúng bên mình. Một thúng đựng tài liệu bí mật của cách mạng, thúng còn lại để cho ông ngồi. Tiếc thay, bà đã bị một kẻ phản bội bắt và sát hại rất dã man.

Vẻ mãn nguyện trên gương mặt của thầy giáo Nguyễn Vĩnh Khánh khi đã tìm được nguồn cội của mình

“Vậy là mẹ tôi là chiến sĩ cách mạng kiên trung, sau mấy chục năm sống không hề biết tên mẹ, sống trong cảnh mồ côi thiếu thốn tình yêu thương của mẹ. Bây giờ dù không biết mặt mẹ, dáng dấp của mẹ nhưng tôi đã có mẹ, biết được tên mẹ. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời một con người! Ước gì mẹ còn tôi sẽ sà vào lòng mẹ cho thỏa lòng mong ước”, ông Khánh bùi ngùi nhớ lại.

Nghe đến đây, chúng tôi lặng người xúc động. Tất cả sống trong ký ức, hoài niệm một thời lửa đạn.

Phép màu giữa đời thực

Suốt thời gian dài mòn mỏi tìm kiếm, có những lúc ông Khánh tưởng chừng tuyệt vọng khi hầu như không ai biết về cha ông. Đã có những lúc ông tự nghi hoặc: “Hay là mình không có cha?”. Dẫu vậy, khao khát có đủ cha mẹ như bao người con khác vẫn không ngừng thôi thúc trong tâm trí ông.

Năm 1980, được sự cho phép của cơ quan cùng sự ủng hộ của vợ, gia đình ông Khánh chuyển về huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa sinh sống và công tác để tiện cho hành trình đi tìm cha của mình. Mọi thứ dường như đang chững lại, thì chuyến công tác định mệnh tại huyện Khánh Vĩnh như một phép màu cho những nỗ lực của ông.

Ngày cuối cùng của chuyến công tác, bỗng ông Khánh được một bà lão lạ mặt người dân tộc đến thăm. Bà tên là A Wây Xi, tự xưng là đồng đội với mẹ ông thời kháng chiến. Qua lời kể của bà, mẹ ông là bà Mười Dư yêu và lấy ông Hai Đơn, Trưởng ban liên lạc tỉnh lúc bấy giờ. Hai người tổ chức đám cưới tại Sở Nam Lân (cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm để phục vụ cho cách mạng thời đó do ông Nam Lân thành lập).

Khi mẹ ông mang bầu, cha ông đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ. Đến đây, sự ngỡ ngàng xen lẫn xúc động trào dâng trong lòng ông Khánh khi lần đầu tiên được nghe đến tên cha mình. Ông vui sướng khi biết rằng mình có đầy đủ ba mẹ và tự hào vì ba mẹ ông đã cống hiến cuộc đời cho đất nước.

Theo lời bà A Wây Xi, người nắm rõ thông tin nhất về gia đình ông là bà Tám Chỉnh, cũng là đồng đội với mẹ ông và đang sinh sống tại TP Nha Trang. Tìm bà Tám Chỉnh giữa TP Nha Trang đông đúc như “mò kim đáy bể”. “Lúc đó việc đi tìm nguồn cội của tôi hoàn toàn rơi vào ngõ cụt, khi chỉ biết được tên cha, còn quê quán và những thông tin về dòng họ là con số 0 tròn trĩnh”, ông Khánh nói.

Đến tháng 5/1982, trong một lần đi mua rau muống ông tình cờ gặp và trò chuyện cùng cháu của ông Nam Lân (người thành lập cơ sở lương thực thực phẩm phục vụ cách mạng). Lúc này, niềm hy vọng đã tắt ngấm trong ông lại bừng sáng. Theo chỉ dẫn, ông đến gặp ông Nam Lân và được nghe kể chuyện tại cơ sở mà cha mẹ ông đã kết duyên với nhau. Ông Nam Lân đã già, không còn nhớ rõ mọi chuyện nên cho người dẫn ông Khánh đến gặp bà Tám Chỉnh.

Vậy là cái duyên đã đưa ông tìm đến mảnh ghép quan trọng cuối cùng. Khi biết ông là con trai bà Mười Dư, bà Tám Chỉnh đã ôm ông vào lòng âu yếm. Bà kể tường tận về cuộc đời của cha mẹ và cội nguồn của ông. Theo lời kể của bà, cha ông là ông Hai Đơn, quê ở xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa). Cuối cùng, bà Tám Chỉnh dẫn ông đến nhận lại cô ruột và họ hàng của mình.

Sau gần nửa thế kỷ sống trong mất mát, đau thương và buồn tủi, ông Nguyễn Vĩnh Khánh đã tìm được trọn vẹn nguồn cội, cha mẹ đẻ và mẹ nuôi của mình. Ông mỉm cười đầy tự hào khi được sống trong lòng mẹ, trên đất mẹ, nơi có máu của cha mẹ ông và thật nhiều những thế hệ đi trước đã đổ xuống để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình.

Có thể bạn quan tâm