Phóng sự - Ký sự

Chuyện về du kích thiếu niên Puih Kơlớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi tìm về xã B6, khu 4 (nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) để cảm nhận sự đổi thay của một xã anh hùng, vùng căn cứ cách mạng năm xưa và để biết thêm về người du kích thiếu niên Puih Kơlớ-người đã bắn cháy 2 chiếc máy bay trong một buổi chiều, diệt 2 tướng Mỹ.

Ông Ksor Hiếu-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Hrung, đang sống ở làng Me, là du kích từ những năm 1967-1968, thương binh 3/4, kể lại: “Đất này kiên cường lắm. Là khu vực “Bình định”, đồn bốt ấp chiến lược, nhưng rồi bằng nhiều cách, bà con đã thoát ra khỏi vòng vây, vào sống trong rừng để sản xuất, chiến đấu. Mỗi người dân là một du kích, nuôi giấu cán bộ, vững lòng tin vào Đảng, Bác Hồ. Năm 1998, xã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

 

Ông Ksor Pức-Bí thư Đảng ủy xã Ia Hrung (bên phải) trao đổi cùng tác giả. Ảnh: Nguyễn Thị Lành
Ông Ksor Pức-Bí thư Đảng ủy xã Ia Hrung (bên phải) trao đổi cùng tác giả. Ảnh: Nguyễn Thị Lành

Chúng tôi đến thăm bà Puih Bôih-nữ du kích, nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã B6. Hiện nay bà tuổi cao sức yếu, trí nhớ cũng phần nào giảm sút nhưng nhắc đến những ngày tháng chiến tranh, bà kể lại tường tận: “B6 là cửa ngõ phía Tây Bắc của Pleiku, quân Mỹ chiếm đóng vùng B6, dồn dân vào ấp chiến lược Pleiku Blang 3 (ở xã B15). Bộ đội ta phải rút quân vào rừng. Đêm đến mình và một số chị em phụ nữ trong xã đi vận động dân làng góp gạo, rau, mì để mang ra rừng cho bộ đội. Đồng bào mình rất tốt bụng, mặc dù không đủ gạo ăn, có nhà chẳng có gì, chỉ vài quả bí đỏ và vài trái bắp nhưng vẫn nhường cho bộ đội”.

Còn đối với già làng Puih Ping-làng Maih, xã Ia Hrung (Xã đội phó du kích B6) thì những năm tháng chiến tranh đối với ông như mới diễn ra hôm qua thôi.  

Nhắc đến du kích Puih Kơlớ, cựu du kích Puih Ping nhớ lại, đó là người du kích thiếu niên đã bắn rơi 2 chiếc máy bay trong một buổi chiều. Ông còn chỉ cho chúng tôi địa điểm máy bay rơi. Ông nói: “Hôm đó dân làng chạy ra xem rất đông nhưng không biết ai đã bắn rơi nó”. Tôi hỏi: “Puih Kơlớ bây giờ thế nào?”. Giọng ông chùng xuống: “Nó mất sau giải phóng vài năm. Đã lâu lắm rồi không ai nhắc đến. Ở làng mình thế hệ sau cũng ít ai biết về Puih Kơlớ”.

Già Ping cho biết sau khi Puih Kơlớ mất, theo phong tục của dân tộc Jrai, tất cả giấy tờ đốt sạch. Con của Puih Kơlớ lúc đó còn quá nhỏ, rồi vợ cũng mất sau đó vài năm, nên câu chuyện của người anh hùng chìm vào quên lãng. Chúng tôi tìm đến nhà con trai, con gái của Puih Kơlớ, hai con ông cũng không biết gì về bố.

Tình cờ tôi phát hiện được bản báo cáo thành tích năm 1974 của Puih Kơlớ, kẹp trong tập tài liệu cũ còn sót lại ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Anh là người dân tộc Jrai, sinh năm 1957, ở làng Maih, xã B6, khu 4. Cha tên là Rơ Châm Dim, mẹ là Puih Ênh (chết). Anh vào du kích thiếu nhi xã 1968, năm 1971 được đi dự Đại hội thi đua Tây Nguyên khi đang là Trung đội phó du kích xã.

 

Báo cáo của chiến sĩ thi đua Puih Kơlớ, du kích Gia Lai năm 1974, lưu tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Báo cáo của chiến sĩ thi đua Puih Kơlớ, du kích Gia Lai năm 1974, lưu tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.

Anh kể trong báo cáo của mình: “Cha mẹ tôi có 5 người con (anh, chị, tôi và 2 em). Anh chị và mẹ tôi chết vì đói-đau. Một em được cách mạng cho đi học ngoài Bắc năm 1970. Gia đình nghèo, cha mẹ tôi khổ lắm, thường phải ăn lá rau củ rừng, cơm có nhưng ít, muối thì lâu lâu mới có… Dân làng cũng như cha tôi phải đóng khố ở trần. Mẹ và chị tôi mặc hà bành không có áo. Mỹ-Ngụy thường xuyên đi bắt heo gà, trâu bò, lấy hết lúa gạo, đốt nhà, đánh đập bắn giết, phá nương rẫy nên dân làng và cha mẹ tôi phải đói khổ. Anh chị tôi đã lớn nhưng vì đói, đau và phải chạy trốn địch không có cơm ăn, thuốc uống, chết trong rừng. Cha tôi làm cán bộ kinh tế cho cách mạng bị  địch bắt tra tấn đánh đập bị tàn tật…”.

Năm 1968, Puih Kơlớ tham gia hoạt động đội du kích xã khi mới 11 tuổi, làm nhiệm vụ giao liên. Dù nhỏ tuổi nhưng Puih Kơlớ cũng đã vượt qua khó khăn, trở ngại để lập được nhiều thành tích. Không chỉ làm giao liên, Puih Kơlớ còn trực tiếp tham gia đánh giặc. Trận đánh đầu tiên anh tham gia vào tháng 9-1970. “… Bọn địch đi càn quét làng Tô về, tôi và 6 bạn nằm phục kích chờ sẵn. Hai lính ngụy đi Pleiku lọt vào vòng phục kích. Tôi và tiểu đội nổ súng xung phong bắn chết 3 tên. Tôi thu 1 súng AR15 và các bạn lấy 1 súng AR15 nữa là 2 súng và 2 ba lô”.

Tuy nhiên, thành tích của Puih Kơlớ được một số người biết đến đó là “bắn rơi máy bay diệt 2 tướng Mỹ (tướng 3 sao Giôn-đin-la, Tư lệnh Công binh Mỹ ở miền Nam Việt Nam và tướng 2 sao A Đam), được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba”.

Trong báo cáo thành tích của Puih Kơlớ có nhắc lại chiến công này. Đó là ngày 29-4-1971, lúc đó, mặt trời đã gần lặn, Puih Kơlớ và 2 du kích đi về làng Tô xin thuốc hút. Trên đường đi thấy một trực thăng từ hướng Tây bay về hướng Pleiku, đi theo sau xa và cao hơn có 2 trực thăng phóng pháo. Máy bay đi đầu đến vùng làng Maih, nó xuống thấp và quần lại. Tôi và hai du kích đứng núp vào bụi cây xem. Thấy máy bay bay thấp quá tôi kêu bắn, 2 anh du kích không cho, nói là gần chỗ mình ở bắn lộ, nói vậy rồi lánh vào rừng. Tôi không có súng, thấy nó bay thấp quá tôi chụp lấy khẩu súng AR15 của anh du kích đứng gần, dựa vào một cây to. Máy bay quần lại lần thứ hai thấp quá ngọn cây, tôi kê súng vào cây. Chiếc máy bay đã ở hết trong đầu ruồi của súng, tay tôi bóp cò, 2 loạt 20 viên. Máy bay nó bắn xuống. Tôi bóp cò loạt thứ ba nữa. Máy bay lảo đảo phụt một đường khói đen rồi lửa đỏ ăn máy bay. Nó lướt qua rồi chúi xuống. Tôi chạy qua chỗ khác thì nghe rầm một tiếng giống như cây ngã. Tôi biết là máy bay rớt rồi”.

Trong báo cáo của mình anh cũng kể rằng sự kiện đó đã được Xã đội trưởng kiểm chứng: “Tôi định chạy tới chỗ máy bay rớt thì anh Xã đội trưởng ở trong làng chạy ra hỏi ai bắn. Tôi bảo là tôi bắn. Anh nói nó rớt rồi. Ra coi thử nó rớt chỗ nào? Tôi và anh chạy tới thấy nó rớt gần làng Maih, B6 ở trong bãi lầy… Tôi và anh Xã đội trưởng đi sau. Đi một đoạn thì 3 chiếc phóng pháo từ Pleiku bay lên bắn lung tung xung quanh chỗ chiếc máy bay rớt. Anh Xã đội trưởng lách qua mép rừng. Tôi nấp ở hầm ngóc đầu lên thấy một chiếc đang chúi xuống hướng tôi, tôi giơ súng ngắm, bóp cò 3 loạt hết băng đạn, lửa phụt đỏ, khói đen kéo dài một đường rồi nó nhào xuống không dậy được”. Sau khi chiếc thứ hai rớt, địch tăng cường cho máy bay bắn đại liên, thả pháo sáng, phóng lựu đạn, đổ quân lùng sục tới trưa ngày hôm sau mới hết”.

…Xã B6 ngày ấy giờ là xã Ia Hrung, được biết đến như là thủ phủ của cây cà phê, cuộc sống mới đang đổi nhịp hàng ngày. Đến nay Ia Hrung đã đạt được 6/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 13 tiêu chí còn lại có nhiều tiêu chí đạt vượt trên mức trung bình và gần đạt. Làng Maih, nơi sinh ra người du kích thiếu niên anh hùng gan dạ, mưu trí, quả cảm Puih Kơlớ, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi xen trong những vườn cà phê xanh mướt…

Nguyễn Thị Lành

Có thể bạn quan tâm