Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” (*) - Kỳ 1: Giữa khói súng biên thùy

Ngày 6-4 tới đây, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ sẽ diễn ra lễ cầu siêu và lễ tế anh linh liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Campuchia (chiến trường K) khi làm nghĩa vụ quốc tế. Khoảng 500 cựu quân nhân tình nguyện từ nhiều vùng miền trên cả nước sẽ cùng hạnh ngộ với bao ký ức chưa từng ngủ yên về những ngày ngập khói súng biên thùy.


Cuộc gặp gỡ, trò chuyện với những người từng là chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam sắp về giỗ trận đợt này đã cho chúng tôi hiểu thêm về những đoạn đời mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm mỗi người lính. Ngoài thôi thúc cầm súng bảo vệ Tổ quốc, họ còn mang sứ mệnh hồi sinh cho đất nước mà trước đó mình chưa từng đặt chân đến, giúp đỡ những con người mình chưa từng gặp mặt thoát khỏi họa diệt chủng.



Ít ai ngờ rằng, ngay sau ngày thống nhất đất nước, biên giới Tây Nam của Tổ quốc lại “nóng” lên từng ngày với những cuộc gây hấn, tàn sát của quân Khmer Đỏ. Hàng vạn người dân vô tội dọc tuyến biên giới bị giết hại bằng những phương thức như thời trung cổ; đẫm máu nhất là vụ thảm sát Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vào tháng 4-1978 khi lính Pol Pot hành quyết man rợ 3.157 dân thường. Tại Gia Lai, đỉnh điểm là từ ngày 18 đến 27-6-1978, 1 tiểu đoàn lính Pol Pot với súng hạng nặng như cối, pháo 105 mm đã đánh chiếm Đồn Biên phòng 649 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh). Giữa vòng vây siết chặt của kẻ địch, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn vẫn kiên cường bám trụ cho tới khi lực lượng Trung đoàn 95 (Quân khu 5) đến chi viện, đánh bật kẻ thù ra khỏi lãnh thổ. Nhiều người lính đã ngã xuống, trong đó, riêng Đồn Biên phòng 649 có 11 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.




Ông Phạm Thanh Chung, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Trung đoàn 95 (Sư đoàn 307) nói về nguyên cớ khiến đất nước ta phải thêm một lần cầm súng.

Trong hoàn cảnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với mục tiêu giúp bạn cũng là tự giúp mình, quân và dân ta đã một lần nữa cầm súng bảo vệ Tổ quốc, giúp người dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Từ quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng), Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy-nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã chia sẻ với chúng tôi những thông tin quý giá. Ông hồi tưởng: Ngày 30-7-1978, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hướng Tây Nam, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Sư đoàn Bộ binh 307-đơn vị chủ lực, cơ động trực thuộc Quân khu 5. Sau thời gian gấp rút làm công tác chuẩn bị, ngày 5-8-1978, trong một cánh rừng thuộc xã Hà Tam, huyện An Khê (nay thuộc huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai), Quân khu 5 tổ chức công bố quyết định thành lập và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 307. Đội hình Sư đoàn có 3 trung đoàn bộ binh gồm: Trung đoàn 29, 94, 95 và Trung đoàn pháo binh chiến thuật 576 cùng một số đơn vị trực thuộc.



Ngay hôm đó, cái khốc liệt của cuộc chiến đã đập thẳng vào mắt ông và đồng đội: Những chiếc xe quân sự ngược chiều từ chiến trường về, trên thùng xe là các chiến binh đầu mang băng trắng; hai bên cánh rừng thỉnh thoảng có mấy chiếc võng tử sĩ. Đâu đó, nỗi đau thương ngày nào vẫn quay về trong tâm trí Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy.




Đã là lính, hầu như ai cũng từng ngâm ngợi câu thơ “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai về?). Và cuộc gặp gỡ được mong đợi tại lễ cầu siêu vào ngày 6-4 cũng là dịp để thắp sáng hồi ức về những gương mặt đồng đội ngoan cường dù phải chiến đấu và ngã xuống ở nơi không phải là đất mẹ.



Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy cho hay, ông vô cùng ấn tượng về một người lính đặc biệt, không có trong danh sách tuyển quân. Đó là người lính trẻ Nguyễn Hữu Dũng, quê Tuy Hòa, Phú Yên. Ngày 22-9-1978, trong buổi lễ giao quân trên Sân vận động Tuy Hòa, cậu bé bán trà đá Nguyễn Hữu Dũng, khi đó vừa tròn 16 tuổi, đã trốn gia đình để lên xe của đơn vị nhận quân là Trung đoàn 94 với mong ước thiết tha được trở thành chiến sĩ. Khi xe về đến Hà Tam, mọi người mới phát hiện ra sự việc. Có nói đến mấy Dũng cũng không chịu quay trở về. Vì vậy, Trung đoàn quyết định nhận cậu làm công vụ cho chỉ huy.

Khi đơn vị hành quân lên biên giới Tây Nam, Nguyễn Hữu Dũng tìm gặp Trung đoàn trưởng Ngô Đức Tấn trình bày quyết tâm xin lên chốt tiền tiêu để được chiến đấu. Trung đoàn trưởng nghe vậy rất trầm tư. Ngay từ đầu, ông sắp xếp cho cậu làm công vụ nghĩa là quý trọng tinh thần dũng cảm, yêu nước nhưng cũng để gia đình nếu biết được đỡ phải xót xa, lo lắng vì tuổi đời Dũng còn nhỏ. Song, trước quyết tâm khó lay chuyển, cuối cùng, Trung đoàn trưởng Ngô Đức Tấn buộc lòng phải đưa cậu về đơn vị chiến đấu. Ông giao Dũng tận tay cho Chính trị viên Tiểu đoàn 5 Nguyễn Cao Thế với lời dặn dò: “Giữ cậu ấy làm liên lạc nhé!”. Nhưng chỉ vài hôm sau, cậu lính măng tơ lại tiếp tục xin xuống Đại đội 5 đang đánh địch trên tuyến đầu.



Nào ngờ, sáng 24-12-1978, một quả cối khoan của địch rơi trúng hầm chỉ huy đã mãi mãi không cho Dũng thêm một cơ hội nào để viết tiếp ước mơ đời lính. Điều mà Trung đoàn trưởng lo lắng nhất đã xảy đến, chỉ 2 tháng kể từ ngày cậu bé bán trà đá ngày nào chính thức bước chân vào chiến trường. Một tuổi trẻ còn chưa kịp đến đã vĩnh viễn gửi lại nơi những cánh rừng khộp trơ trụi của chiến trường Tây Nam.




“Cái nắng này thấm vào đâu so với cái nắng nóng đến khô cháy ở Campuchia”-ông Phạm Thanh Chung (thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện), cựu Đại đội trưởng Đại đội 9, 10, 11 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 95, Sư đoàn 307)-mở đầu câu chuyện với chúng tôi về thử thách đầu tiên khi đặt chân lên đất bạn. Những đợt thiếu nước mùa khô, sự khắc nghiệt về địa hình và lối đánh của địch đã buộc người lính chiến đấu bên ngoài Tổ quốc phải nỗ lực vượt qua vô vàn khó khăn đặc thù. Đây là lý do trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, việc thương vong đến cấp chỉ huy sư đoàn, quân đoàn là điều hiếm gặp nhưng trong cuộc chiến này, có 2 vị chỉ huy rất tài năng đã hy sinh. Đó là Thiếu tướng Kim Tuấn-Tư lệnh Quân đoàn 3 và Đại tá Trương Hồng Anh-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2.



Không người lính nào trên chiến trường K không biết đến người chỉ huy nổi tiếng này. Năm 34 tuổi, ông đã là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Chưa đầy 20 năm trong quân ngũ, ông được phong 13 cấp, từ binh nhì đến đại tá, từ chiến sĩ trinh sát đến sư đoàn trưởng, rời chiến trường chống Mỹ là lại lao vào chiến trường Tây Nam. Ông được biết đến như một chỉ huy có tài thao lược quân sự, thông minh và quyết liệt song phong thái trong sinh hoạt lại rất gần gũi, khiêm tốn.




Đến giờ, ông Chung vẫn nhớ đến từng chi tiết của trận đánh cụm cứ điểm 547 trên dãy Dangrek vào ngày 25-3-1984, do Thiếu tướng Nguyễn Chơn-Tư lệnh Quân khu 5-chỉ huy với sự tham gia của nhiều đơn vị bộ binh, cơ động, trong đó có Sư đoàn 307, Sư đoàn 315, Sư đoàn 2 và các đơn vị cơ hữu của Mặt trận 579. Được xem là “một trận đồ bát quái ngạo mạn”, cứ điểm 547 trở thành tử địa với những trận chiến đẫm máu giữa đôi bên; 3 lần tấn công của quân ta đều bất thành. Phải đến lần thứ 4 bao vây, ta mới có thể giải quyết dứt điểm.

Sau chiến thắng lừng lẫy loại trừ căn cứ 547, dù vừa nhận lệnh chuẩn bị về nước để đi học ở Liên Xô, Đại tá Trương Hồng Anh vẫn cùng một số anh em lên khảo sát tình hình trận địa. Trên đường đi, do nhường đường cho chiếc xe tải thương của Trung đoàn 95, chiếc GMC chở ông đã nổ tung vì trúng 1 quả mìn tăng của quân Pol Pot gài lại.

Máy bay trực thăng lập tức được điều đến để đưa Đại tá Trương Hồng Anh về Stung Treng cấp cứu, nhiều đồng đội sẵn sàng tham gia hiến máu nhưng ông đã không qua khỏi.




--------------------------

(*): Tên cuốn hồi ký viết về chiến trường K của nhà văn Đoàn Tuấn.

Có thể bạn quan tâm