Có gì vui ở Cù lao Phụng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đối với những du khách không có nhiều thời gian, có thể tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để làm một chuyến tham quan tour du lịch Cồn Phụng (thuộc địa phận hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre), với những trải nghiệm khá thú vị.

Cầu Rạch Miễu nhìn từ xa giống 2 chiếc nón lá cách điệu. Ảnh: Khang Ka
Cầu Rạch Miễu nhìn từ xa giống 2 chiếc nón lá cách điệu. Ảnh: Khang Ka



Từ TP.HCM, chỉ cần lái xe đi hết cao tốc Trung Lương với quãng đường di chuyển khoảng 70 km là đến bến tàu 30.4 ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Tại đây, du khách bắt đầu chuyến tham quan sông nước với vùng quê bình yên.

Đi thuyền từ bờ sang Cồn Phụng mất khoảng 10 phút, du khách được ngắm nhìn toàn cảnh cầu Rạch Miễu từ xa với hình dáng dây văng cách điệu như 2 chiếc nón lá truyền thống đặt cạnh nhau.

Với những du khách đã từng đến Cồn Phụng trước đây, khi quay trở lại chắc chắn sẽ nhận thấy sự đổi thay rất lớn từ cơ sở hạ tầng, cảnh quan sân vườn và có thêm nhiều dịch vụ giải trí như câu cá sấu, cá "bú bình" và nhiều trò chơi mạo hiểm khác.


 

Trò chơi bập bềnh trong quả bóng thu hút nhiều du khách tham gia với cảm giác
Trò chơi bập bềnh trong quả bóng thu hút nhiều du khách tham gia với cảm giác "run run, đuối đuối". Ảnh: Khang Ka
Trò đu dây qua sông cũng mang lại cảm giác phấn khích không kém. Ảnh: Khang Ka
Trò đu dây qua sông cũng mang lại cảm giác phấn khích không kém. Ảnh: Khang Ka



Khu ẩm thực trên Cồn Phụng luôn thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài vì món ăn đặc trưng miền Tây Nam bộ và thực đơn vô cùng phong phú.

 

Du khách nước ngoài trải nghiệm ẩm thực Nam bộ tại Cồn Phụng. Ảnh: Khang Ka
Du khách nước ngoài trải nghiệm ẩm thực Nam bộ tại Cồn Phụng. Ảnh: Khang Ka



Sau khi rời Cồn Phụng, khách di chuyển sang Cồn Lân (một trong 4 cồn Long, Lân, Quy, Phụng) hay có tên quen thuộc khác là cù lao Thới Sơn. Đặt chân lên cồn, du khách có cảm giác như quay về vùng quê bình yên với bóng mát của cây cối xung quanh. Dân trên cồn chủ yếu là dịch vụ du lịch, trồng nhãn và tận dụng nuôi ong lấy mật.

Tại đây, du khách được thưởng thức nhiều loại trái cây và nghe đờn ca tài tử, nhiều du khách lần đầu tiên đến đây rất hứng thú khi được trải nghiệm khá nhiều điều mới mẻ gói gọn chỉ trong một tour trong ngày.

 

 Các cô gái trong trang phục truyền thống cùng thể hiện các làn điệu ca nhạc tài tử gây ấn tượng cho du khách. Ảnh: Khang Ka
Các cô gái trong trang phục truyền thống cùng thể hiện các làn điệu ca nhạc tài tử gây ấn tượng cho du khách. Ảnh: Khang Ka



Điểm tham quan ấn tượng, chính là xưởng chế biến kẹo dừa thủ công với vị ngọt dịu. Để đến được nơi này, du khách phải di chuyển bằng xe ngựa hoặc xe điện, sau đó đi thuyền ba lá trên con rạch nhỏ. Những người chèo thuyền ở đây cho biết, từ sau khi mở cửa trở lại sau dịch bệnh, du khách đã đi du lịch đông đúc, mặc dù chưa được như trước Covid-19 nhưng mỗi ngày họ cũng thực hiện được 3 - 4 chuyến "đưa đò". Mỗi chuyến được trả thù lao 15.000 đồng/người.

 

Du khách thích thú khi trải nghiệm sống trong không khí miền quê sông nước. Ảnh: Khang Ka
Du khách thích thú khi trải nghiệm sống trong không khí miền quê sông nước. Ảnh: Khang Ka
Nhiều du khách nước ngoài cũng tỏ ra hào hứng khi lần đầu tiên được di chuyển trên chiếc xuồng nhỏ đặc trưng của vùng Nam bộ. Ảnh: Khang Ka
Nhiều du khách nước ngoài cũng tỏ ra hào hứng khi lần đầu tiên được di chuyển trên chiếc xuồng nhỏ đặc trưng của vùng Nam bộ. Ảnh: Khang Ka
Xưởng kẹo dừa thủ công tạo sự thích thú tò mò cho du khách nước ngoài. Ảnh: Khang Ka
Xưởng kẹo dừa thủ công tạo sự thích thú tò mò cho du khách nước ngoài. Ảnh: Khang Ka



Xưởng kẹo dừa thủ công truyền thống chính là điểm cuối của chương trình. Tại đây khách được tham quan quy trình chế biến để làm ra sản phẩm kẹo dừa, được thưởng thức miễn phí kẹo vừa ra lò nóng hổi và chọn cho mình sản phẩm để mua về làm quà cho bạn bè, người thân.


Cồn Phụng là cù lao nổi giữa sông Tiền gồm 4 cồn nhỏ tạo thành. Trong đó, cồn Quy và cồn Phụng thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, còn cồn Long và cồn Lân thuộc tỉnh Tiền Giang. Ở miền Tây, tên gọi cồn hoặc cù lao để chỉ bãi đất giữa sông được phù sa bồi đắp nên.

 


Theo Khang Ka (TNO)

Có thể bạn quan tâm