Cơ hội "định vị" điểm đến du lịch Côn Đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuối tháng 9 này, bằng việc mở ba đường bay thẳng, kết nối Hà Nội, Hải Phòng và Vinh tới Côn Đảo, Hãng hàng không Bamboo Airways đã góp sức “định vị” điểm đến du lịch Côn Đảo, địa danh còn khá mới mẻ đối với khá nhiều người. Du khách sẽ dễ dàng đi lại và được trải nghiệm nhiều dịch vụ cao cấp hơn khi các nhà đầu tư đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở hòn đảo xinh đẹp này.

Ông Võ Huy Cường nêu quan điểm tại buổi tọa đàm.
Ông Võ Huy Cường nêu quan điểm tại buổi tọa đàm.
Thiên đường mới ở "địa ngục trần gian" xưa
Chiều 12-9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức tọa đàm về bay thẳng tới Côn Đảo. Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Võ Huy Cường cho rằng, nhu cầu đến Côn Đảo đã có từ nhiều năm nay với mức độ rất lớn và tăng theo thời gian. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu này còn gặp nhiều khó khăn.
Các phương tiện đi đến Côn Đảo như tàu biển cao tốc hay trực thăng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Với đường hàng không, máy bay ATR 72 đang được Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) khai thác hiện chỉ bố trí 68 ghế. Sân bay Côn Đảo chỉ khai thác ban ngày do chưa có hệ thống đèn đêm. Vào giai đoạn cao điểm, tối đa mỗi ngày có 21 đến 24 chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đến Côn Đảo.
Liên quan đến kế hoạch nâng cấp sân bay Côn Đảo để đáp ứng được khai thác máy bay lớn hơn, theo ông Võ Huy Cường, nếu muốn mở rộng đường cất hạ cánh hay lắp hệ thống đèn để khai thác ban đêm đều phải lấn biển, về kỹ thuật, công nghệ có thể làm được nhưng còn lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của đảo. Do vậy, việc nâng cấp sân bay chưa thể tính đến trong một sớm một chiều. 
Ông Võ Huy Cường nêu quan điểm, cơ quan quản lý ủng hộ các hãng hàng không nghiên cứu triển khai loại máy bay phù hợp để tăng cường kết nối với Côn Đảo. Việc Bamboo Airways mở ba đường bay thẳng từ Hà Nội, Vinh (Nghệ An), Hải Phòng đến Côn Đảo mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, có điều kiện đáp ứng nhu cầu của người dân muốn có dịp đến Côn Đảo. Theo ông Cường, sân bay Côn Đảo nằm ngoài đảo nên việc đầu tư đèn để khai thác ban đêm khó khăn, do điều kiện thời tiết, môi trường không cho phép khai thác 24/24 giờ nên chỉ phục vụ ban ngày. 
Giải đáp về việc không kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo để có thể tiếp nhận các chủng loại tàu bay khác nhau, ông Cường cho hay: “Sân bay Côn Đảo cắt ngang một khoảng của đảo, nối liền hai vịnh. Về lâu dài, chúng ta không bảo đảm Côn Đảo còn là Côn Đảo khi kéo dài đường cất hạ cánh. Ngoài đáp ứng phương án di chuyển cho người dân và du khách, địa phương còn phải trăn trở về cơ sở hạ tầng du lịch. Các cơ quan môi trường cần phải đánh giá tác động môi trường khi kéo dài đường băng. Vẻ hoang sơ và ý nghĩa lịch sử của Côn Đảo cần được bảo tồn cho nhiều thế hệ”.

Điểm đến du lịch Côn Đảo.
Điểm đến du lịch Côn Đảo.
Bên cạnh đó, sân bay Tân Sơn Nhất gặp nhiều khó khăn về bố trí giờ cất hạ cánh. Nếu có thêm đường bay đến Côn Đảo không phải qua Tân Sơn Nhất sẽ giúp hàng không có điều kiện tăng thêm tần suất chuyến bay phục vụ nhu cầu đi lại ở sân bay này, đáp ứng nhu cầu tham gia khai thác của các hãng hàng không, nhất là những hãng mới gia nhập thị trường”, ông Võ Huy Cường chia sẻ.
Về lý do lựa chọn mở ba đường bay mới đến Côn Đảo từ Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho rằng, lượng hành khách từ miền bắc đến Côn Đảo chiếm tỷ lệ rất lớn, do vậy hãng ưu tiên chọn các địa phương có dân số lớn để mở đường bay. 
Về ý tưởng mở ba đường bay tới Côn Đảo, ông Thắng cho hay, lần đầu ông bay đến Côn Đảo mất tới 12 tiếng do phải bay nối chuyến từ TP Hồ Chí Minh và nghĩ tại sao lại phải vất vả như vậy? Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát, vị Tổng Giám đốc Bamboo Airways đã gặp bế tắc, bởi trước đó hãng tìm hiểu loại máy bay Airbus A319 đủ khả năng hạ cánh tại Côn Đảo nhưng điều kiện bắt buộc là phải kéo dài đường cất hạ cánh của sân bay.
Liên quan đến việc lựa chọn dòng máy bay khai thác, theo ông Đặng Tất Thắng, ban đầu hãng khảo sát máy bay Airbus A319, tuy nhiên, do đường băng ở sân bay Côn Đảo không tiếp nhận được máy bay này nên không thực hiện được. Hãng tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn dòng máy bay Embraer E195, bảo đảm an toàn khai thác trong điều kiện hạ tầng hiện tại và được Cục HKVN chấp thuận cho phép mở đường bay đến Côn Đảo.
Trong một lần đi công tác, ông Thắng đã trải nghiệm dòng máy bay phản lực thế hệ mới Embraer 195 và rất ấn tượng. Qua tính toán, với sự chấp thuận của Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways mất sáu tháng để triển khai đường bay này. "Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, có tới 90% khách du lịch Côn Đảo là người miền bắc, bởi nơi đây nổi tiếng với du lịch tâm linh. Đó là lý do hãng ưu tiên Hà Nội, Hải Phòng và Vinh - ba thành phố có dân số lớn nhất miền bắc", ông Thắng lý giải về việc mở các đường bay thẳng đầu tiên của hãng hàng không Việt tới Côn Đảo.
Tiên phong “kích cầu lần hai”
Mục tiêu của Hãng Bamboo Airways từ khi thành lập là hướng tới kết nối các địa phương có ít đường bay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. 
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam ghi nhận tiềm năng du lịch của Côn Đảo là rất lớn, khi tăng trưởng lượng khách du lịch đến với đảo đạt 400% thời gian qua trong bối cảnh ít đường bay, hạ tầng giao thông khó khăn. Với ba đường bay mới, ông đánh giá du khách sẽ đến nhiều hơn nhờ vào việc thuận tiện đi lại. Ông Đức cũng bày tỏ quan điểm mong muốn phát triển Côn Đảo bền vững, thu hút nhiều khách đến nhưng không nên đón bằng mọi giá mà cần một số lượng bảo đảm bởi đây là di sản thiên nhiên ban tặng nếu mất đi thì Côn Đảo không thể lấy lại.
“Ba đường bay mới của Bamboo Airways cùng với các tỉnh thành đây là điểm khởi đầu của chương trình kích cầu lần hai của những tháng cuối năm và Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ đồng hành cùng các hãng hàng không, điểm đến, các doanh nghiệp”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, trước kia du khách từng phải bay ra Côn Đảo bằng trực thăng, rất tốn kém. Từ khi có sân bay, lúc cao điểm tới 24 chuyến bay cuối tuần, ngày thường từ năm đến tám chuyến mà rất nhiều du khách vẫn than phiền không mua được vé.
"Với đường bay mới của Bamboo Airways, khách du lịch từ miền Bắc có thể di chuyển thuận tiện hơn, không phải nối chuyến từ TP Hồ Chí Minh hay Cần Thơ. Địa phương đã và đang cố gắng phát triển cơ sở hạ tầng, hiện khá nhiều nhà đầu tư đang thi công nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho du khách. Tỉnh cũng đã có tính toán phương án phát triển du lịch bền vững, làm rất kỹ, cân nhắc phát triển nhưng vẫn giữ nguyên hệ sinh thái, đặc biệt là tại Côn Đảo", ông Hàng nói.
Chia sẻ cảm nghĩ, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, kiêm Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng, mục đích và sáng kiến tọa đàm này của FLC và Bamboo Airways chính là hình thức kích cầu du lịch lần hai bởi mở ba đường bay đã bao gồm gần như 1/2 dân số đất nước.
"Ba địa phương mở đường bay mới này thực chất là kích cầu đi lại của du khách. Với những người làm hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng luôn muốn tiên phong làm trước để tạo đà doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ cùng đưa du lịch có thể khởi sắc", ông Quyết nói.
Là người cổ vũ, tiên phong, giúp sức để Côn Đảo phát triển, người đứng đầu Tập đoàn FLC sẵn sàng đầu tư tài trợ xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng sân bay Côn Đảo để bay được cả đêm chắc chắn sẽ tạo khí thế mới thu hút du lịch về với Côn Đảo.
Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp lữ hành du lịch cũng đã kỳ vọng thị trường khách du lịch tới Côn Đảo trong thời gian tới sẽ rất sôi động khi có ba đường bay thẳng mới của Bamboo Airways và sẽ có các chương trình “bắt tay” với hãng hàng không, nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra các tour du lịch trọn gói tại điểm đến này.
QUANG HƯNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm