Cơ hội nào cho Hội An sớm tái mở cửa du lịch?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hội An là một trong số ít điểm đến được Bộ VH-TT&DL đề cập trong kế hoạch tái mở cửa ngành du lịch một khi mô hình đón khách thí điểm ở Phú Quốc (Kiên Giang) diễn ra suôn sẻ. Cơ hội để vực dậy du lịch Quảng Nam hé mở, tuy nhiên đến nay tỷ lệ phủ vắc xin cho lao động ngành này, nhất là tại Hội An vẫn còn khá khiêm tốn.

Phố cổ Hội An rơi vào tình cảnh vắng vẻ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh: Q.T
Phố cổ Hội An rơi vào tình cảnh vắng vẻ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh: Q.T



Không bị động

Vừa qua, Chính phủ đã thông qua kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến bắt đầu từ tháng 10 tới và kéo dài trong 6 tháng với 2 giai đoạn. Sau đó, nếu tình hình ổn có thể xem xét từng bước mở rộng một số điểm đến trong cả nước trong đó có Quảng Nam.

Thực tế, từ tháng 4.2021, Quảng Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế để trình Bộ VH-TT&DL ở khu vực nam Hội An. Trong đó, dự kiến đón khách quốc tế trở lại theo mô hình “hộ chiếu vắc xin” ở một số khu phức hợp khép kín trong tháng 7.2021 được Bộ VH-TT&DL đánh giá cao.

Rất tiếc, mọi thứ đã không thể diễn ra do dịch bệnh bùng phát và kéo dài từ tháng 5 đến nay.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Chúng tôi đang chờ nếu mô hình thí điểm đón khách ở Phú Quốc ổn thì sẵn sàng vào cuộc đăng ký làm điểm tiếp theo ngay.

Khi đó, bước đầu du lịch Quảng Nam sẽ triển khai việc đón khách bằng chuyến bay charter (bay theo chuyến) đến một số khu phức hợp ở nam Hội An và tùy diễn biến dịch bệnh ở thời điểm đó sẽ tính toán cho việc mở rộng hơn.

Cụ thể, tổ chức cho khách tham quan thêm một số điểm đến công cộng nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ được an toàn với dịch bệnh”.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã đón hơn 15 nghìn công dân Việt Nam về từ nước ngoài cách ly có thu phí tại khoảng 20 cơ sở lưu trú, chủ yếu trên địa bàn TP.Hội An.

Được biết, trong số này đã ghi nhận hơn 40 ca mắc Covid-19 tuy nhiên các đơn vị lữ hành, khách sạn đã phối hợp thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch và không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây lan ra cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, đây vừa là một nỗ lực nhân văn để đưa công dân về nước, vừa xem như các đợt “tập dượt” trong quy trình đón khách để có thể bắt nhịp ngay khi ngành mở cửa du lịch trở lại.

Phụ thuộc vào tỷ lệ phủ vắc xin

Tại buổi làm việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, tái mở cửa du lịch ở Hội An diễn ra vào tháng 6.2021, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: “Chỉ có vắc xin mới là giải pháp căn cơ để mở cửa và phục hồi ngành du lịch Hội An nói riêng cũng như Quảng Nam nói chung”.

 

 


Được biết, để phục vụ đón công dân về nước, đã có khoảng 800 lao động làm việc tại các khách sạn là cơ sở cách ly tập trung có thu phí ở Hội An được tiêm vắc xin Covid-19. Mới nhất, trong đợt tiêm vừa diễn ra trong tuần này tại Hội An, đã có thêm gần 1.000 lao động làm việc ở các đơn vị du lịch trên địa bàn thành phố được tiêm vắc xin Covid-19.

Bà Ngô Thị Bích Vân - Giám đốc nhân sự khu vực Anantara Hoi An Resort, chia sẻ: “Sau một thời gian đăng ký, gửi danh sách và chờ đợi, chúng tôi rất vui khi 30 nhân viên của khách sạn vừa được tiêm vắc xin. Hy vọng, hơn 60 lao động còn lại của đơn vị cũng như nhiều người lao động du lịch khác trên địa bàn thành phố sẽ sớm được tiêm vắc xin, từng bước tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó có cơ sở mở cửa lại ngành du lịch”.

Thống kê sơ bộ, tại Hội An có hơn 13 nghìn lao động ngành du lịch, tính cả tỉnh thì con số lao động ngành này khoảng 18 nghìn người. Như vậy, tỷ lệ lao động ngành du lịch được tiêm vắc xin đến nay vẫn còn rất thấp.

Được biết, trong Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành, việc ưu tiên tiêm đủ vắc xin phòng dịch Covid-19 cho lao động ngành du lịch cần hoàn thành trong năm 2021.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay, việc mở cửa trở lại với du lịch Hội An tùy thuộc rất lớn vào tỷ lệ phủ vắc xin cho lao động ngành du lịch tại đây và rộng hơn là toàn dân trên địa bàn Hội An. Nếu từ đây đến khi kết thúc việc thí điểm đón khách ở Phú Quốc mà tỷ lệ tiêm vắc xin ở Hội An đạt mức cao thì sẽ thuận lợi hơn trong việc tính toán mở rộng phạm vi đón khách.

Điều khó khăn hiện nay là nguồn vắc xin phân bổ về Quảng Nam chưa nhiều, trong khi tỉnh còn phải ưu tiên phân bổ cho một số huyện, thị xã, thành phố trọng điểm có nhiều hoạt động công nghiệp cũng như đội ngũ giáo viên để bước vào năm học mới.

Trong cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Điện Bàn diễn ra vào cuối tuần trước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, thời gian qua tỉnh cũng đã cố gắng ưu tiên bố trí vắc xin về một số địa phương trọng điểm công nghiệp, du lịch, tuy nhiên số lượng còn hạn chế. Sắp tới, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm phân bổ thêm lượng vắc xin để giải quyết vấn đề này.

Theo QUỐC TUẤN (QNO)

Có thể bạn quan tâm