Cổ kính Hoành Sơn quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ít ai biết, trên dãy đèo Ngang phân định ranh giới 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, nay vẫn tồn tại Hoành Sơn quan cổ kính. Ngày xưa, khách bộ hành trên đường thiên lý bắc - nam phải qua cổng này.
 

Một góc Hoành Sơn quan.
Một góc Hoành Sơn quan.

Đèo Ngang cách TX.Ba Đồn tầm 24 km và cách TP. Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình 80 km. Sử sách còn ghi, năm 1833 vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang, cửa cao 4 mét, hai bên có thành dài 30 mét, ở trên cổng đắp nổi ba chữ “Hoành Sơn quan”.

Mở về hai phía, có 1.000 bậc thang lên xuống do thợ xẻ núi tạo thành. Khách bộ hành qua lại bằng lối này và thuộc nằm lòng câu ca: “Trèo đèo hai mái chân vân/ Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”. Đứng ở đây nhìn về Quảng Bình hay Hà Tĩnh đều chiêm ngưỡng được nhiều cảnh đẹp, khiến lòng bồi hồi khó tả.

 

 

Nếu so với những tường thành khác trên dọc dài bắc nam như Hải Vân, đèo Cả thì có thể nói độ lớn và hùng vĩ của Hoành Sơn không thể sánh bằng. Nhưng đèo Ngang có những mạch nguồn cảm xúc độc đáo và đi vào thơ ca bởi những danh sĩ tài hoa như Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà huyện Thanh Quan... Trong đó, nhiều người biết đến tuyệt phẩm “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan với những câu thơ quen thuộc: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/Cỏ cây chen đá, lá chen hoa…”.

quốc lộ 1 uốn lượn quanh đèo Ngang với chiều dài khoảng 6 km tạo nên những đường cong mềm mại, ẩn hiện như tranh thủy mặc. Năm 2004, hầm đường bộ đèo Ngang (dài gần 500 mét) được đưa vào sử dụng, được đa số tài xế lựa chọn vì tiện lợi, rút ngắn thời gian và khoảng cách. Tuy nhiên, không ít người cầm lái vẫn thích đi đường đèo để thưởng ngoạn cảnh đẹp.

Đèo Ngang cũng gắn liền với huyền tích thánh mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền, xưa công chúa Liễu Hạnh ở thiên đình tính tình ngang bướng, phóng túng, không chịu theo khuôn phép nhà trời nên bị cha là Ngọc Hoàng đày xuống trần gian. Xuống trần, Liễu Hạnh hóa thân thành người con gái đẹp tuyệt trần, dựng quán nhỏ dưới chân núi Đèo Ngang – nơi không ai dám lưu lại vì rừng thiêng, thú dữ và cướp bóc. Ở đó, công chúa có nhiều hành động nghĩa hiệp, trừ gian tà nên được nhân dân trong vùng và lữ khách qua đường mến mộ, suy tôn. Đền thờ thánh mẫu dưới chân đèo Ngang là nơi uy nghi, linh thiêng và có kiến trúc mang đậm tín ngưỡng của người Việt.

Hãy một lần đến đèo Ngang, dừng chân, đứng lại, bước lên những bậc tam cấp rong rêu đến cổng Hoành Sơn để đắm mình trong những khung cảnh trầm mặc, thả hồn vào mây trời và ngâm nga vài tứ thơ, như trở lại thời của những cố nhân thi ca.

Trương Quang Nam/thanhnien

Có thể bạn quan tâm