Có một "biển rừng" xứ ngàn hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những ngày cả nước giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, du khách vắng bóng, hàng trăm lao động ở thung lũng ngàn hoa vẫn tất bật xây dựng thêm dãy nhà sàn lưu trú dưới tán rừng, hoàn tất dần từng khâu cần chăm chút cho tua Ðại Ngàn mà chủ doanh nghiệp tự tin sẽ “bùng nổ” khi dịch qua đi. 
 
Một góc Làng Cù Lần giữa thung lũng Ðan Kia, huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng).
Một góc Làng Cù Lần giữa thung lũng Ðan Kia, huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng).
Giữ rừng, để... thở
Cách Ðà Lạt 21 km, đường tới Làng Cù Lần uốn lượn giữa ngàn thông tuyệt đẹp. Lần đầu tìm đến để “cách ly phố phường” vào dịp Tết Dương lịch cách đây vài năm, cả nhóm bạn tôi đều bất ngờ, thích thú với ngôi làng tên gọi ngộ nghĩnh, chẳng đâu khác có. Chỉ bước qua cổng làng, thung lũng rộng mở đã hiện ra tươi thắm. Chuỗi mái lá nghỉ chân be bé như những đụn nấm nâu trồi lên từ đồng cỏ. Dãy bungalow xinh xẻo nép mình thấp thoáng sau rèm hoa mua tím biếc. Các bãi cỏ rộng tha hồ đốt lửa trại, tưng bừng văn hóa cồng chiêng, team building trọn ngày.
Tất cả hài hòa, thơ mộng giữa thiên nhiên trong trẻo. Món ngon không thiếu. Những người yêu thích cảm giác mạnh có đội xe jeep mui trần để trải nghiệm tua đổ đèo băng suối, ràn rạt nước văng tung tóe. Bên rìa trảng cỏ trung tâm, Chợ Chồm Hổm thỉnh thoảng mở lộ thiên cho đồng bào dắt ngựa, ôm lợn gà, gùi rau quả tới bán.
Tại đây du khách có thể tìm thấy gốc cây Cù Lần - một loài dương xỉ phủ lông nâu óng ánh có tác dụng cầm máu, được đồng bào gọt thành hình con Cù Lần làm hàng lưu niệm. Bất ngờ hơn nữa, trong làng còn có phòng trưng bày bộ sưu tập tranh quý của nhiều họa sĩ Việt Nam tên tuổi, như: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trung, Nguyễn Thân, Ðặng Xuân Hòa, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thanh Bình, Văn Dương Thành, Ðỗ Duy Tuấn,… Với nhịp sống chậm rãi, du khách có thể dừng bước ngắm nghía thật lâu trước mỗi bức tranh giá trị mà mình yêu thích.
Nỗi băn khoăn đeo bám suốt nhiều năm do tìm mãi chưa thấy mô hình quản lý bảo vệ rừng nào thật sự bền vững, khi tới đây tôi bỗng thấy lời giải. Ðó là biết cách khai thác hợp lý giá trị tài nguyên về môi trường để vừa gìn giữ được rừng xanh, vừa tận dụng được khí hậu ôn hòa thoáng mát, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vào việc tổ chức tốt các dịch vụ du lịch, giúp đội ngũ bảo vệ rừng nâng cao mức sống, không lệ thuộc nguồn ngân sách hạn hẹp. Trong những lần trở lại nơi này, tôi đã có dịp chuyện trò cùng các nhóm cư dân bản địa, tiếp nhận thông tin đa chiều để hiểu vì sao các mảng rừng mà chính quyền giao cho dân quản lý không bị tàn phá như nhiều địa phương lân cận.
Hành trình lập nghiệp xưa nay thường là từ quê ra phố, từ rừng núi xuống đồng bằng, với chủ nhân Làng Cù Lần thì ngược lại. Cầm chiếc điện thoại “cùi bắp” có dán chữ Thở, trò chuyện cùng tôi, doanh nhân Văn Tuấn Anh cho biết: Gần 20 năm trước, đang kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, anh nhận ra kiếm tiền là việc... rất dễ, nhưng không giúp chữa lành được chứng khó thở giữa phố xá chật chội tù túng, ngột ngạt nạn kẹt xe. Chênh vênh phận người, mong manh trái đất thời biến đổi khí hậu thôi thúc anh bảo vệ môi sinh theo cách của riêng mình.
Tuấn Anh lên Lâm Ðồng, về vùng ven hẻo lánh Lạc Dương, lặng người nhận ra “có những ngôi làng quá đẹp ẩn trong núi rừng, quá lý tưởng cho con người được sống”. Thung lũng Ðan Kia quyến rũ với những mái nhà bé xíu nép vào núi, chiều vương vấn khói lam, đêm về chỉ có đuốc soi đường, đồng bào tự chăn nuôi trồng trọt, lấy nước uống từ “cổng trời” đổ xuống. Cuộc sống hồn nhiên lạ lùng khiến anh thao thức, mất ngủ. Dồn vốn mua dần trong nhiều năm những khoảnh ruộng cằn cỗi, bỏ hoang của dân làng dọc theo thung lũng Ðan Kia để lập khu du lịch sinh thái, Văn Tuấn Anh ưu tiên nhận lao động tại chỗ, chỉ cần biết đọc, biết viết vào làm công nhân cho Công ty TNHH GBQ với thu nhập cao hơn nhiều so với làm rẫy.
Làng Cù Lần chính thức khai trương từ năm 2012, nay đã rộng hơn 40 ha, đậm đà bản sắc Tây Nguyên mà lại cởi mở, văn minh, phù hợp với cả du khách trong nước lẫn quốc tế về kiến trúc, ẩm thực, văn hóa, con người. “Cuộc sống hiện đại thiếu không khí thanh sạch, thiếu hoa cỏ tươi xanh. Vì vậy tôi không xây hạng mục nào hoành tráng. Ở đây chỉ có những cơ sở dịch vụ nhỏ nép dưới tán rừng. Giữ thiên nhiên lành lặn để ai đến đây cũng được thở, sống chậm, sống hiền, trở lại là chính mình...”, Văn Tuấn Anh chia sẻ.
Lạc Dương giáp thành phố Ðà Lạt, là huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, tới 116.292 ha, tỷ lệ che phủ lên đến 85% (theo số liệu của UBND huyện, tháng 8-2020), là một trong những huyện có tỷ lệ diện tích tự nhiên được che phủ bởi rừng lớn nhất nước hiện nay.
Chung sức bảo vệ mảng xanh này, Giám đốc Công ty TNHH GBQ Ngô Thị Minh Hiếu (vợ anh Văn Tuấn Anh) đã ký hợp đồng nhận khoán giữ rừng với 10 hộ dân K’Ho. “Khoản tiền công giữ rừng hơn chục triệu mỗi hộ một năm, cô Minh Hiếu để lại hết cho tổ nhận khoán, thỉnh thoảng còn giúp thêm nhiều thứ. Nhờ đó, 263 ha rừng quanh Làng Cù Lần nối từ thôn Suối Cạn qua thôn Ðạ Nghịt luôn được bảo vệ vẹn nguyên”, Phó Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Ða Nhim Ðinh Hữu Ðạo cho biết. Ông Liêng Hot Ha Ðinh người Cil (dân tộc Cơ Ho), tổ trưởng tổ nhận khoán khẳng định: “Trước giờ chúng tôi không để mất mảnh rừng nào trong diện tích được giao. Tiền công giữ rừng giúp bà con tăng thu nhập. Công ty GBQ cấy thêm thông, cung cấp cây giống để chúng tôi trồng dặm thêm nhiều mai anh đào và hoa phượng dọc các lối đi. Rừng đẹp, đồng bào mình tự hào lắm”.
Tháng 10-2019, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án “Du lịch sinh thái Ðại Ngàn kết hợp quản lý bảo vệ rừng” cho Công ty TNHH GBQ. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng xác nhận: Doanh nhân lãnh đạo Công ty GBQ có đủ uy tín, tâm huyết và năng lực đầu tư, cho nên đã được tỉnh cấp phép triển khai dự án đầu tiên về mô hình khai thác du lịch trên môi trường rừng trong phạm vi 2 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà, nằm trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương và xã Dạ Tông, huyện Ðam Rông.
Tôi đã tận thấy sắc xanh dày đặc vùng “biển rừng”, nơi GBQ gắn biển tên rất ấn tượng là “Lãnh địa Khỉ Ho Cò Gáy”, giữa quãng đường nhựa 8 km nối từ Làng Cù Lần đến khu Ðại Ngàn. Nơi đây, đội ngũ bảo vệ rừng thường xuyên nhắc nhở và có nhiều chương trình truyền thông về tình yêu đại ngàn, để du khách tự giác không đem gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân. Giữa hai đợt giãn cách do dịch Covid-19 vừa qua, 250 lao động ở Làng Cù Lần mỗi tuần đón tới 15-16 nghìn du khách trong nước. Chuẩn bị khai trương tua Ðại Ngàn ngắm Thông hai lá nghìn năm, làng đã hoàn chỉnh thêm khu lưu trú cho các đoàn đông người gồm tám nhà sàn dài theo kiến trúc truyền thống, có chút cách tân để đủ tiện nghi.
Thông điệp của rừng xanh
Khác biệt với các địa chỉ du lịch sinh thái đồng dạng, Làng Cù Lần thường vang ngân lồng lộng khắp núi đồi, thung lũng những tiếng hát nồng cháy tình yêu rừng, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ rừng xanh.
Trò chuyện với tôi, doanh nhân nhạy bén đồng thời là nhạc sĩ tài hoa Văn Tuấn Anh vui vẻ cho biết, anh thấy thú vị với những nhận xét trông anh cứ... rất cù lần, đúng như tên làng mà anh chọn. Nhất là khi Tuấn Anh tham gia trèo núi băng rừng, hòa đồng lao động hay sinh hoạt cộng đồng với buôn làng, ai chưa quen đều không thể phân biệt đâu là chủ doanh nghiệp trong đám đông đó. Từ năm 2001, Văn Tuấn Anh đã cùng nhạc sĩ Bảo Chấn ra mắt album Vắng. Trong đó, hai ca khúc của nhạc sĩ họ Văn là Bóng mẹ xa xôi và Trái tim thật thà lập tức được đông đảo fan hâm mộ yêu thích, thôi thúc anh xuất bản tiếp CD Giao khúc biển cả và núi đồi. Giữa năm 2018, Văn Tuấn Anh phát hành CD Cù Lần hát gồm 11 ca khúc xuyên suốt thông điệp duy nhất: Hãy bảo vệ rừng và muông thú, để con người được sống hạnh phúc giữa thiên nhiên hoang dã. Tôi chưa từng được biết CD nào tập hợp cả chuỗi ca khúc da diết tình yêu đại ngàn đến vậy, càng day dứt khi thể hiện qua chất giọng bỏng cháy của các ca sĩ buôn làng, như: Ksor Ðức, Ðê Ly, Rman Mơly, Rcom Ngưu, Ya Suy. Những ca từ trong đó mộc mạc như cách nói của cư dân bản địa: “Ai ăn mất cái ngà con voi rồi. Ai ăn mất cái chùm đuôi voi đớn đau...” (Thương con voi); “Về mà yêu núi đồi làm bằng thông xanh, trời làm bằng sương rơi màu mơ màng...” (Ðưa em về xứ mây ngàn); “Anh thành danh nhà buôn giàu sang, mang rừng xanh về xuôi đổi vinh quang” (Thông điệp rừng xanh)... Thậm chí ca khúc Rừng gọi với câu chữ thầm thì “Lặng thầm mà mênh mông như rừng già. Nhẹ nhàng mà bao la như đồi núi. Nồng nàn lửa trong tim cháy mãi, là tình anh dành tặng em...” còn được in phần sáng tác lời của “Dân làng Cù Lần”.
 “Trong tôi luôn mang nỗi ám ảnh về rừng, như được Thần Rừng nhắc nhở hãy hành động không ngừng, góp phần bảo vệ trái đất. Làng Cù Lần cũng vì thế được định hình với tinh thần kiến trúc nép vào rừng mà tồn tại, phát triển. Các con tôi dù học ở trong nước hay nước ngoài, thương cha cặm cụi trong rừng nên đều trở về nơi đây, thành những cộng sự đắc lực giúp tôi thực hiện mơ ước tôn vinh giá trị đại ngàn qua hình mẫu một ngôi làng giữa rừng, đầy tình yêu và tràn ngập niềm vui sống”, nhạc sĩ Văn Tuấn Anh xúc động sẻ chia.
Bài và ảnh: HOÀNG THIÊN NGA (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm