Có một góc Tây Nguyên ở Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) cần dựng 1 cây nêu ở khu Tây Nguyên, đang lúng túng tìm “nhân sự” thì tôi được Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc giới thiệu anh Ksor Yoan (làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) có thể đảm nhận tốt việc này. Qua anh Yoan lại biết thêm người cậu của anh là ông Ksor Yai. Thế là sau vài cú “giao thiệp”, 2 nghệ nhân này khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh.
Thì tất nhiên là làm cây nêu cái đã. Vật liệu đầy đủ, chỉ thiếu người thi công. Ổn định chỗ ăn ở ngay trong khu Tây Nguyên, 2 cậu cháu ra rừng tre của khu du lịch, khảo sát một vòng, 1 cây được chọn, trịnh trọng hạ xuống và 10 ngày sau thì cây nêu rất đẹp hoàn thành.
Cũng cần nói thêm rằng, ở đây có khu Tây Nguyên, là một khoảnh đất khá rộng được cải tạo thành... rừng. Tức là có đồi, có cây, có nước. Và đặc biệt có 2 ngôi nhà, 1 nhà rông Bahnar và 1 nhà dài Ê Đê, đều là do nghệ nhân thứ thiệt xuống tận nơi làm. Hai nghệ nhân ngủ ngay trên nhà dài Ê Đê để làm cây nêu, xong thì... về. Nhưng khoảng chục ngày sau thì cả 2 ông đồng ý xuống lại, vì... nhớ nơi này rồi. Thế là khu không gian truyền thống Tây Nguyên nhộn nhịp như một ngôi làng.
Các nghệ nhân làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chuẩn bị biểu diễn ở Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Văn Công Hùng
Các nghệ nhân làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chuẩn bị biểu diễn ở Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Văn Công Hùng
Hai người ở một thời gian thì vì lý do gia đình bất khả kháng, ông Yoan về lại Pleiku và... tiến cử con gái, cử nhân vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình cơ sở 2 vào thay thế. Đó là Kpă Nhung, rất có năng khiếu âm nhạc, có thể hát và chơi các nhạc cụ Tây Nguyên, từng là người mẫu cho Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Dực. Ông Yai thì về và... mang theo vợ xuống. Rồi mấy thanh niên Jrai nữa, những người Jrai từ trong máu thịt đã biết chơi và làm nhạc cụ; trong đó, Ksor Trunt có bằng nghệ nhân dân gian, từng đi dạy chiêng, t’rưng cho nhiều nơi.
Thế là tưng bừng lên. Ông Yai là một nghệ nhân rất cừ. Ông có thể chế tác các loại nhạc cụ từ tre nứa, biểu diễn ting ning, t’rưng, chiêng; làm 2 hệ thống t’rưng gió và nước, sửa và làm mới đinh pơng và t’rưng đủ cho 1 ban nhạc 4-6 người chơi. Cần thêm người chơi vẫn có vì còn mấy anh chàng Jrai nữa làm công nhân ở đây. Chưa hết, Trunt còn làm trống bằng... thùng nhựa và da trâu, rất hợp với dàn t’rưng để biểu diễn.
Góc bếp của nhà rông luôn có lửa. Ảnh: Văn Công Hùng
Góc bếp của nhà rông luôn có lửa. Ảnh: Văn Công Hùng
Bên cạnh đấy là bếp... nướng gà. Món này rất hút khách. Bí quyết ngon không chỉ là những con gà nướng bằng hơi lửa, phải hơn 3 tiếng đồng hồ mới ăn được mà còn bởi những cây lá é xanh um bên cạnh. Và ớt. Thì gà nướng xong, lá é và ớt hái tại chỗ, giã tươi, lại chả ngon, lại chả hấp dẫn.
Những cây mì Jrai cũng được mang xuống. Khách thích ư, hái ngay làm ngay, nhiều người ăn xong cứ ra... chụp ảnh những cây mì, bảo nó chả khác gì những cây mì khác mà sao nó... ngon thế. Cạnh đấy, những cây cà phê cổ thụ mùa này hoa trắng muốt, thơm ngào ngạt.
Đàn t’rưng gió ở Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam”. Ảnh: Văn Công Hùng
Đàn t’rưng gió ở Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam”. Ảnh: Văn Công Hùng
Cái khác ở đây với các khu du lịch khác, là tạo ra một môi trường Tây Nguyên hiện hữu, sống động như nó đang tồn tại chứ không phải phục dựng. Đến đây, ta như lạc vào một ngôi làng Jrai thứ thiệt, dẫu nhà rông thì Bahnar và cái nhà mọi người đang ở thì Ê Đê. Sáng sớm, có người quét nhà, sân, đường, nhặt cỏ, sửa nhạc cụ, nổi lửa vào bếp trên nhà rông, có tiếng đinh pơng, t’rưng.
Hai giàn chiêng cổ lợi dụng sức nước và sức gió tạo ra âm thanh để đuổi chim, thú phát nhạc suốt ngày khiến ai đã vào cứ phải bâng khuâng. Nguyên thủy nó chỉ để đuổi chim nhưng những nghệ nhân tài hoa đã chọn, khoét từng ống nứa để mỗi ống mang một nốt khác nhau, khi phát ra âm thanh thì nó thành một dàn nhạc, dàn nhạc của núi rừng, hết sức trong trẻo và vô ưu trong cái nắng xiên giữa những tàn cây tạo những rẻ quạt trong khu rừng Tây Nguyên.
Nhà rông Bahnar ở Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam”. Ảnh: Văn Công Hùng
Nhà rông Bahnar ở Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam”. Ảnh: Văn Công Hùng
Vẫn chưa hết, những cây dã quỳ, kơ nia, le, nứa và blan (pơ lang) cũng được di thực xuống, xanh mướt giữa một góc ngoại ô TP. Hồ Chí Minh, khiến cho một Tây Nguyên gần gụi, Tây Nguyên thứ thiệt, Tây Nguyên của chính những người Tây Nguyên nhất, yêu Tây Nguyên nhất, nâng niu cái hồn cái cốt Tây Nguyên ở một khu du lịch không coi trọng kinh doanh, mà hướng tới những giá trị văn hóa được gìn giữ, được tôn trọng, được bảo lưu và phát triển tự nhiên như nó vốn có.
Tôi rất yêu cái hình ảnh mỗi chiều, ông Yai ngồi trên sàn ngôi nhà rông khổng lồ, tay bấm ting ning, mắt lim dim xa xăm. Không xa lắm, phía trước đấy, vợ ông lúi húi nhổ cỏ, nơi nhấp nhô 2 chiếc thuyền độc mộc khổng lồ, tất nhiên được làm từ 2 cây gỗ dài mấy chục mét thuở... còn rừng.
Cảnh ấy chỉ có ở những ngôi làng Tây Nguyên thứ thiệt!
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm