Báo xuân

Có một nền văn minh hàng triệu năm ở sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi năm một lần, cứ độ Xuân về, chúng tôi trở lại vùng thượng lưu sông Ba để tìm kiếm, thăm dò các mảnh vỡ quá khứ còn sót lại. Nhưng lần này, vào cuối năm 2015, trở về sông Ba, có thêm những người bạn lớn-những nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Chúng tôi mang theo một hành trang mới, một khát vọng mới, cùng mở đất, khám phá chiều sâu của thời gian nhân loại, bằng các cuộc khai quật khảo cổ hợp tác quốc tế, cùng gắn chắp các mảnh ghép quá khứ, phục dựng bức tranh toàn cảnh nhân loại, vốn đã ngủ yên trong các ngọn đồi thấp ven thung lũng An Khê cả triệu năm trước.   
 

Khai quật di chỉ Gò Đá, An Khê.

Sông Ba là con sông lớn và hiền hòa nhất ở Tây Nguyên, bắt nguồn từ huyện Kbang (Gia Lai), qua 10 huyện, thị xã, thành phố và đổ về biển Đông tại cửa biển Đà Diễn (Phú Yên). Con sông này, từ muôn đời nay đã ban tặng cho bao thế hệ cư dân nơi đây tất cả sản vật quý giá nhất mà nó tích cóp được từ tự nhiên, kể cả môi trường sinh thái đặc thù của vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng-biển đảo. Không chỉ thế, sông Ba còn lưu giữ trong mình những dấu ấn văn hóa lịch sử vô cùng đặc sắc và một nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại, dành tặng cho thế hệ hôm nay mà không phải dòng sông nào cũng có được.

Những năm cuối của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ, sử học và văn hóa học Việt Nam đã từng đặt chân đến vùng thượng lưu sông Ba, đi tìm kiếm các dấu tích của con người, từ tiền sử đến lịch sử. Trong đó, một số người lăn lộn tới vùng đất An Khê, tìm lại các dấu ấn văn hóa đặc biệt quan trọng từ cuối thế kỷ XVIII, nơi Tam kiệt nhà Tây Sơn chọn làm căn cứ địa đầu tiên tụ nghĩa.Từ đây, nghĩa quân tiến xuống đồng bằng Nam bộ tiêu diệt 50 vạn quân Xiêm (1785), vươn ra miền Trung giải phóng Phú Xuân (Huế), rồi tiến quân ra Bắc, đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long (Tết Kỷ Dậu 30-1-1789), thống nhất non sông về một mối, làm nên những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Đồng thời ghi nhận một giai đoạn lịch sử đoàn kết Kinh-Thượng suốt chiều dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Rìu tay di chỉ Gò Đá.

Nền văn minh sông Ba vừa được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đánh thức bằng chương trình hợp tác khai quật Việt-Nga ở di tích Gò Đá, thị xã An Khê.

Từ những nhát cuốc đầu tiên, các hố khai quật ở di chỉ Gò Đá, đã phát hiện hơn 50 công cụ có dấu chế tác hoặc sử dụng của con người. Những di vật này nằm trong tầng văn hóa nguyên vẹn, vốn phân hóa đá gốc tại chỗ. Về cấu trúc địa chất, trầm tích chứa công cụ có tuổi trung kỳ Cánh tân, cách ngày nay trên dưới 1 triệu năm. Điều lý thú là, nằm cùng công cụ đá là mảnh tectit, vốn được rơi từ các hành tinh khác vào đây, cùng thời với một loạt tectit như vậy đã biết ở xung quanh An Khê, gần nhất là ở vùng Cheo Reo, có tuổi 800.000 năm trước.

Những cư dân cổ ở Gò Đá đã chế tác và sử dụng một số loại công cụ đá, có những đặc trưng chung nổi bật như, được làm từ những viên cuội lớn, ghè đẽo thô sơ, đá quartz, sét silics rất cứng; có loại hình công cụ nổi trội là những mũi nhọn tam diện, công cụ ghè hai mặt (biface), cái nạo, con dao hay những hòn ghè, chày nghiền.

 

Mũi nhọn di chỉ Gò Đá.

Trong thời gian khai quật Gò Đá, các nhà khảo cổ đã mở rộng diện điều tra, khảo sát các di tích đã biết trước đây, như: Rộc Tưng, Rộc Hương, Rộc Giáo và Rộc Lớn, đặc biệt phát hiện mới một số di tích xung quanh Rộc Tưng. Đó là, về đặc điểm phân bố, cấu trúc địa tầng và tổ hợp di vật của các di tích này khá giống nhau và giống di tích Gò Đá. Công cụ chủ đạo ở đây cũng là những mũi nhọn tam diện, chiếc rìu tay ghè hai mặt (biface) hoặc công cụ dạng hạch, ghè đẽo thô sơ, cái nao, con dao, mảnh tước. Đây là những công cụ thường gặp trong các di tích văn hóa của người vượn đứng thẳng (Homo erectus) ở lục địa Á-Âu, có tuổi từ 1 triệu đến 50 vạn năm trước.

Những nghiên cứu bước đầu cho thấy, ở vùng thượng lưu sông Ba đã từng tồn tại một cộng đồng cư dân cổ, họ di trú trên các đồi gò cao hơn 400 mét trong thung lũng đồi gò An Khê, dọc đôi bờ sông Ba với bán kính khoảng 10 km. Ở đó, con người quây quần thành các bầy người nguyên thủy, cùng nhau chế tác và sử dụng công cụ đá cuội ghè đẽo thô sơ, chăm chút tạo ra công cụ dạng mũi nhọn hoặc rìu tay với phần tác dụng sắc bén. Đây là những công cụ vạn năng dùng trong lao động săn bắt, hái lượm hoặc vũ khí chống lại các bầy thú dữ xung quanh của con người cổ.

Các nhà khảo cổ so sánh những công cụ vạn năng ở đây với các nơi khác và nhận ra rằng, về kỹ thuật và hình dáng công cụ này khác và cổ hơn các di tích được xếp vào sơ kỳ Đá cũ Việt Nam như: Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai). Cũng như vậy, chúng khác và cổ hơn văn hóa Soan trên cao nguyên Potwar vùng Pendjab (Ấn Độ), các di tích Đá cũ ở lưu vực sông Imjin (Hàn Quốc). Trong một vài khía cạnh nào đó, những công cụ An Khê có nét khác với công cụ cùng loại tìm thấy trên cao nguyên Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) nơi chúng được xác định niên đại khoảng 800.000 năm cách ngày nay.

 

Thảo luận kết quả khai quật di chỉ Gò Đá, An Khê

Bằng kết quả nghiên cứu bước đầu, các nhà khảo cổ đã nghĩ tới một kỹ nghệ chế tác công cụ riêng biệt, cổ xưa cho vùng đất này, kỹ nghệ ấy mang tên kỹ nghệ An Khê. Dưới góc độ lịch sử văn minh nhân loại, kỹ nghệ ấy gắn liền với sông Ba, và là linh hồn của văn hóa cổ xưa, mà chủ nhân là những người vượn đứng thẳng (Homo erectus)-văn minh sông Ba.  

Trong lịch sử nhân loại, các nền văn minh lớn thường gắn với các dòng sông. Văn minh sông Hồng-văn minh lúa nước của quốc gia Văn Lang-Âu Lạc, văn minh sông Mã-văn minh Đông Sơn, văn minh sông Đồng Nai-trung tâm luyện kim thời đại đồng thau. Giờ đây, chúng ta có thêm một nền văn minh sông Ba, nơi kết tinh thành tựu vĩ đại của nhân loại, ở giai đoạn cổ xưa nhất, giai đoạn người vượn đứng thẳng (Homo erectus), gần 1 triệu năm trước. Để làm rõ kỹ nghệ An Khê và văn minh sông Ba, các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế còn tiếp tục khai quật nghiên cứu ở vùng đất này trong nhiều năm nữa. Đây sẽ là cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhân loại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên nói chung và miền Đông Gia Lai nói riêng.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử - Ths. Bùi Tấn Sĩ

Có thể bạn quan tâm