Có một "Sa Pa" rất lạ nơi miền tây xứ Nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hiện lên như một ốc đảo nhỏ giữa thảo nguyên mênh mông. Nơi đây khí hậu mát mẻ, trong một ngày có đến 4 mùa. Quanh năm, cây cối xanh tươi. Vào mùa xuân, hoa chuối rừng, hoa mận, hoa đào đua nhau khoe hương sắc.

 Đường lên Mường Lống
Đường lên Mường Lống


Xã Mường Lống nằm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), lọt thỏm trong thung lũng của rặng núi cao 1.500 m, gần dãy Trường Sơn. Đường đến thung lũng trong mây của tỉnh Nghệ An quanh co, cheo leo với một bên là núi cao, sương mù dày đặc lúc sáng sớm. Cây cối ngút ngàn, các loài hoa đua nhau khoe sắc, quanh năm khí hậu mát mẻ cho nên Mường Lống được ví như “Sa Pa” thứ hai của Việt Nam.

Nhiều người chọn Mường Lống làm điểm đến du lịch, bởi nơi đây có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, cũng như sự cheo leo hiểm trở của những dãy núi bao quanh. Con đường đi lên Mường Lống là một chặng đường vô cùng gian nan, mặc dù đã được trải nhựa đẹp và chắc chắn. Nhưng cảm giác ngồi trên ô tô men theo những đoạn đường vòng vèo, tưởng chừng như dài vô tận; một bên là núi, một bên là vực mà hầu hết không có rào chắn sẽ thách thức tất cả những người gan dạ nhất. Trải dọc theo con đường quanh co là núi non, cây cối trùng điệp, làm thỏa mãn tất cả những ai khó tính nhất và là món quà giá trị cho những người miền xuôi mong muốn khám phá, chinh phục vẻ đẹp vùng núi.


 

 Đường lên Mường Lống
Đường lên Mường Lống



Sau chặng đường dài quanh co uốn lượn là một cảm giác vô cùng mới mẻ khi vượt qua cổng trời, nhìn từ xa là xã Mường Lống. Nơi đây còn nguyên những nét hoang sơ của thiên nhiên núi rừng vùng cao, của những người Mông thân thiện hiếu khách, chứ chưa bị “du lịch hóa” như ở một số điểm du lịch ở Việt Nam. Đó là những dãy núi cao nhấp nhô mờ ảo trong làn sương mù, những ngôi nhà lúp xúp mang đặc trưng của bản làng người Mông; những cây đào, mận nở rộ, những vườn cải hoa vàng, đặc trưng của vùng cao… Tất cả đem lại một cảm giác thanh bình đến lạ, đủ để tạm quên hết công việc, bề bộn nơi thị thành.

Mùa hè, khí hậu Mường Lống rất mát mẻ. Từng làn gió thổi tràn xuống từ sườn núi, cuốn theo hơi nước từ những đám mây mù làm cho nhiệt độ nơi đây không cao hơn 23 độ. Con suối Chao Sa chảy dọc tạo thành một vệt nước dài, đến cuối dòng làm nên những thác ghềnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ.


 

Đường lên Mường Lống chìm trong mây trắng
Đường lên Mường Lống chìm trong mây trắng



Rời vườn mận trĩu ngọt, ngược lên Hang Dơi, chỉ cách trung tâm xã khoảng chừng 100m; hang có chiều sâu gần 2 cây số, chiều rộng từ 5 đến 7m, chiều cao lên tới trên 10m. Không khí trong hang mát lạnh, có vô số nhũ đá được bồi đắp qua hàng vạn năm tạo nên hình thù độc đáo. Đến đây, du khách còn có cơ hội khám phá những nét văn hoá của đồng bào Mông. Mọi người có thể tham gia thu hoạch hoa quả cùng bà con dân bản, đặc biệt là được sống trong những mái nhà nền đất mát rượi, cùng ăn một bữa cơm gia đình với đồng bào Mông có món gà đen nổi tiếng. Gà đen trở thành đặc sản và làm nên "thương hiệu" cho đất Kỳ Sơn. Nếu như người Thái có nghề dệt thổ cẩm, thì người Mông lại có nghề thêu đan pàn tầu và rèn dao nổi tiếng.

 

 Những vườn đào ở Mường Lống
Những vườn đào ở Mường Lống


Theo chân những người dân nơi đây, du khách sẽ có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân bản địa, không ồn áo và vô cùng giản dị bình lặng. Những em bé trong những bộ trang phục đầy màu sắc, đi chân đất, tay chân quần áo lúc nào cũng lấm lem vì nghịch ngợm với những gương mặt ngây thơ tươi cười luôn theo chân người lạ; những cô gái người Mông địu con đi chợ hay ngồi thêu thùa may vá bên những căn nhà tranh nhỏ hay những đàn lợn thả rông tranh nhau ăn cám trong các máng gỗ ngoài vườn.

 

 Người dân nơi đây rất vui vẻ và thân thiện
Người dân nơi đây rất vui vẻ và thân thiện



Đến với Mường Lống, không thể thiếu được những phiên chợ vùng cao. Mỗi tháng có 2 phiên họp vào đầu tháng và giữa tháng. Người dân đi chợ chủ yếu để gặp gỡ giao lưu chứ không chỉ vì mưu sinh. Nếu ví Kỳ Sơn là một bức tranh đa sắc màu, thì Mường Lống chính là nét chấm phá gợi cảm nhất. Để phát triển du lịch, huyện Kỳ Sơn đang kêu gọi đầu tư tập trung cho 3 vùng, đó là điểm du lịch Mường Lống, điểm du lịch xã Mỹ Lý (đây là vùng lòng hồ thuỷ điện có cảnh quan đẹp, có nguồn cá dồi dào nơi đầu dòng Nậm Nơn), và một điểm nữa là vùng đồi thông nguyên sinh đã có từ bao đời nay tại 2 xã Mường Ải và Mường Típ. Tạm biệt Mường Lống trong nắng và hoa, đứng trên cổng trời nhìn lại, chắc hẳn nhiều người sẽ thêm ngỡ ngàng với vẻ đẹp nơi đây.
 

Đông Nghi (DNVN)

Có thể bạn quan tâm