Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Có nên sơ cứu đột quỵ bằng châm cứu, bấm huyệt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Châm cứu, bấm huyệt cấp cứu trong các trường hợp tai biến mạch máu não là hết sức cần thiết, đặc biệt khi chưa thể đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế.
 

TS Phùng Tuấn Giang
TS Phùng Tuấn Giang


Theo WHO, tai biến mạch máu não (đột quỵ) là dấu hiệu phát triển nhanh chóng trên lâm sàng của một rối loạn khu trú chức năng của não kéo dài trên 24 giờ và thường do nguyên nhân mạch máu não.

Để cứu sống bệnh nhân, giảm thiểu di chứng nặng nề của tai biến mạch máu não, cần phát hiện chẩn đoán, đánh giá và đưa ra hướng xử trí càng sớm càng tốt.

Tai biến mạch máu não bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não.

Nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ) là sự giảm đột ngột lưu lượng tuần hoàn não do tắc một phần hoặc toàn bộ một động mạch não. Bình thường, lượng máu lên não luôn hằng định ở mức 50ml/100g não/phút. Vùng thiếu máu não cục bộ gồm vùng trung tâm với lưu lượng máu dưới 10ml/100g não/phút sẽ hoại tử trong vài giờ và không hồi phục; vùng ngoại vi có lưu lượng máu dưới 20 - 30ml/100g não/phút.

Vùng ngoại vi, các tế bào não không hoạt động điện nhưng chưa chết mà vẫn duy trì hoạt động sống của tế bào.

Đây là vùng tranh tối tranh sáng, nếu được hồi sức cấp cứu kịp thời thì vùng này có thể hồi phục. Tuy nhiên, khả năng hồi phục của các tế bào não vùng này chỉ xảy ra trong vài giờ rồi có thể chuyển sang hoại tử. Thời gian cứu vùng này được gọi là “cửa sổ điều trị”.

Xuất huyết não xảy ra khi máu thoát ra khỏi thành mạch vào nhu mô não. Nguyên nhân gây ra xuất huyết não bao gồm: Tăng huyết áp, rối loạn đông máu, nhồi máu não diện rộng, u não, dị dạng mạch máu não, bệnh mạch máu não dạng tinh bột, chấn thương sọ não…

Cần nhanh chóng xác định bệnh dựa trên bệnh sử, tình trạng tri giác, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân để đưa ra hướng xử trí nhanh nhất. Tại bệnh viện, người ta thường cấp cứu tai biến mạch máu não như sau:

- Đánh giá và kiểm soát huyết áp, đường huyết.

- Đánh giá tình trạng hôn mê.

- Đảm bảo đường thở.

- Theo dõi điện tim.

- Nếu có điều kiện cần chụp CT scanner hoặc MRI để đánh giá tổn thương.

- Trường hợp nhồi máu não: Sử dụng thuốc chống đông trong vòng 3h sau khi xảy ra tai biến. Trường hợp xuất huyết não tuyệt đối không sử dụng thuốc chống đông.

- Trường hợp tai biến mạch máu não có hôn mê hoặc rối loạn chức năng nuốt cần nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch. Không sử dụng dung dịch có đường và dung dịch nhược trương.

Tuy nhiên, thời gian vàng trong phục hồi vùng tranh tối tranh sáng chỉ diễn ra trong vài giờ sau khi xảy ra tai biến mạch máu não.

Trong nhiều trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc ở cơ sở thiếu các thiết bị hồi sức cấp cứu, cần có những phương pháp xử trí kịp thời bằng y học cổ truyền trong một số trường hợp để bệnh nhân giảm thấp nhất khả năng tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Châm cứu là cần thiết khi chưa cấp cứu kịp

Y học cổ truyền đã mô tả bệnh cảnh tai biến mạch máu não trong nhiều y văn cổ với bệnh danh “trúng phong”, “bán thân bất toại”. Nguyên nhân gây bệnh do ngoại phong và nội phong.

Dựa vào triệu chứng lâm sàng có hôn mê hay không mà chia ra trúng phong kinh lạc, trúng phong tạng phủ và căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh mà chia ra các thể lâm sàng khác nhau.

Trúng phong tạng phủ là tình trạng có hôn mê, ứng với y học hiện đại thì đây là biểu hiện nặng của tai biến mạch máu não, nhất thiết phải xử trí cấp cứu y học hiện đại như đã nêu trên và kết hợp châm cứu của y học cổ truyền.

Châm cứu, bấm huyệt cấp cứu trong các trường hợp tai biến mạch máu não là hết sức cần thiết, đặc biệt khi chúng ta không thể đến ngay cơ sở y tế.

Những trường hợp tai biến mạch máu não có hôn mê (trúng phong tạng phủ) thể đàm nhiệt nội bế và đàm mê thanh khiếu, chúng ta có thể cấp cứu ngay bằng việc dùng kim chích nặn máu Thập tuyên hoặc 12 tỉnh huyệt của 12 đường kinh; châm hoặc bấm các huyệt Nhân trung, Thừa tương, Liêm tuyền; nếu liệt cứng, tay co quắp châm huyệt Hợp cốc xuyên Lao cung.


 

Theo TS Giang, khi chưa đến nơi cấp cứu kịp, châm cứu, bấm huyệt sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân tai biến
Theo TS Giang, khi chưa đến nơi cấp cứu kịp, châm cứu, bấm huyệt sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân tai biến



Trường hợp nguyên khí bại thoát cấp cứu bằng phương pháp cứu ngải cách gừng (tỏi) tại các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Tam âm giao, Dũng tuyền; cứu cách muối tại huyệt Thần khuyết; châm hoặc bấm các huyệt Tố liêu, Thừa tương.

Đây là những phương pháp theo y học cổ truyền nhưng được rất nhiều y gia trên thế giới sử dụng để cấp cứu bệnh nhân tai biến mạch máu não và đem lại hiệu quả rất tốt.

Theo y học cổ truyền, các huyệt Thập tuyên, Nhân trung, Hợp cốc có tác dụng khai khiếu, tỉnh thần, tiết nhiệt.

Các tỉnh huyệt của 12 đường kinh (góc chân móng các ngón) là nơi đầu nguồn, nơi kinh khí đi ra, đối với đường kinh âm là những huyệt mộc (mộc chủ vận động), các đường kinh dương là những huyệt kim (kim chủ về khí).

Các huyệt Thập tuyên, tỉnh huyệt là những nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh nhạy cảm. Theo thuyết phản xạ thần kinh, thuyết toàn đồ, tay tương ứng với phần đầu của cơ thể, đầu ngón tay ứng với huyệt Bách hội ở đỉnh đầu, có ý nghĩa kích thích điều hòa thăng giáng cúa các đường kinh giúp thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết hóa ứ, điều hoà kinh khí toàn thân. Chích nặn máu ở các huyệt này là biện pháp kích thích thần kinh, khu phong hoá ứ ở vùng đầu.

Điều này vừa có thể giúp cải thiện tình trạng tri giác vừa có thể loại bỏ tức thời yếu tố “nội phong”- nguyên nhân trực tiếp gây ra tai biến mạch máu não theo y học cổ truyền.

Cứu huyệt Thần khuyết có tác dụng hồi dương cứu nghịch, cứu Quan nguyên, Khí hải, Dũng tuyền để giữ chân dương, dẫn hỏa quy nguyên.

Thầy thuốc muốn xử trí cho bệnh nhân tai biến mạch máu não cần phải có đủ tri thức về y học hiện đại, y học cổ truyền, đánh giá nhanh chóng, chính xác tình trạng bệnh và có những phương pháp thích hợp để giữ được mạng sống cho người bệnh, không bỏ lỡ thời gian vàng trước khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế.

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm