“Tôi tên là Y Sĩ, họ Buôn Dap, vậy mà lúc đi thi cao học, tôi xém bị “mời” ra khỏi phòng thi vì giám thị nghĩ tên của tôi là Buôn Dap còn “Y Sĩ” là chức danh trong nghề…” - bác sĩ Y Sĩ Buôn Dap - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk - nở nụ cười tươi rói, nhớ lại.
Đó là một trong nhiều câu chuyện thú vị trên con đường học vấn của bác sĩ người M’Nông ở vùng hồ Lắk chia sẻ với chúng tôi. Với ông Y Sĩ, theo nghề y là mong muốn giúp đồng bào địa phương nâng cao nhận thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu…
Ngoài công việc hành chính, ông Y Sĩ còn thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào địa phương. |
Từ 68 rụng xuống 4 rồi chỉ còn 1 bác sĩ
Trước cuộc hẹn trò chuyện, tôi đã liên lạc qua điện thoại với ông Y Sĩ, nhưng chỉ nghe được giọng vội vã: “Tôi đang đi xã, đang vào buôn, đang tuyên truyền, vận động bà con đưa con em đến trạm xá tiêm chủng viêm não Nhật Bản!”.
Tôi đoán, giọng nói chắc nịch, ông Y Sĩ phải là người rắn rỏi, cao lớn như những chàng trai ở vùng Tây Nguyên nắng gió. Mất thêm một cuộc gọi, ông mới sắp xếp cuộc gặp chính thức. Gặp ông, càng bất ngờ vì một người đàn ông tuổi trên 40, dáng đầm, cười lộ hàm răng trắng cùng đôi mắt to tròn tạo thiện cảm cho người đối diện.
“Trước đây tiêm chủng viêm não Nhật Bản tiêm theo hình thức dịch vụ đắt đỏ, thì nay được Nhà nước hỗ trợ miễn phí nên mình nỗ lực vận động bà con” - ông Y Sĩ lý giải cuộc gọi cắt ngang trước đó với chúng tôi. Hiện tại một số xã ở huyện Lắk đang có nguy cơ bùng phát bệnh viêm não Nhật Bản nên nhiều tháng nay, ông Y Sĩ cùng cán bộ Trung tâm Y tế huyện đến từng buôn để vận động đồng bào tiêm chủng, bảo vệ sực khỏe cho trẻ nhỏ và người dân. Tuyên truyền tại cơ sở rồi đến khi đánh giá hiệu quả, tìm giải pháp… ông cũng phải “ngồi” với lãnh đạo địa phương để lắng nghe, đề xuất phương pháp tuyên truyền cho đồng bào địa phương. Chừng đó cũng lấp hết thời gian 1 ngày của vị phó giám đốc trung tâm y tế huyện.
Ông Y Sĩ Buôn Dap sinh ra tại buôn Za Tu, xã Buôn Triết (huyện Lak, tỉnh Đak Lak) - nơi con chữ gần mãi chẳng tới được với người dân khó khăn. Lớn lên trong gia đình thuần nông, nhà có 6 người con, duy chỉ có ông và anh thứ 3 là theo con đường học vấn. Những năm 80 trở về trước, từ nhà ông Y Sĩ đến trường gần 6km đường rừng đá sỏi. Khi mà cái ăn chưa đủ thì đôi dép, bộ đồng phục đến trường là một điều xa xỉ đối với ông. “Thế hệ của tôi giờ chỉ có 4 người có công việc ổn định. Bởi nghèo đói, phần vì đường sá cách trở nên từ lớp 1 đến lớp 6 có 68 học sinh thì đến lớp 10 rơi rụng hết chỉ có 4 người sau này vượt vũ môn thành công” - ông Y Sĩ kể.
Khác với suy nghĩ của tôi về nghị lực giúp ông đến trường thuở nhỏ hẳn là mơ ước trở thành bác sĩ, trái lại, ông Y Sĩ tiết lộ, động lực giúp ông không từ bỏ việc đến trường là khát vọng thoát nghèo. Và ông đã làm được. Học hết 12, ông Y Sĩ bàn với gia đình lựa chọn học trường sư phạm tại TPHCM vì quá trình học sẽ không tốn tiền học phí và có việc khi ra trường. Nói là vậy nhưng năm đó đường sá khó khăn, từ Đắk Lắk phải đón xe xuống TP.Nha Trang rồi quá giang vào Sài Gòn cũng mất 3 ngày. Vậy lý do gì lại bỏ nghề giáo - nghề “hót” lúc bấy giờ, tôi hỏi. Ông cười hiền hậu: “Qua 12, tôi học đại học giữa một TP hiện đại, đắt đỏ, không một người thân. Nhiều đêm nghĩ thương gia đình quá nghèo, không giúp đỡ được gì nên quyết nghỉ để học nghề y ở Đại học Tây Nguyên”.
Rồi 7 năm đại học tại quê nhà trôi qua như cái chớp mắt. Năm 2000 ông Y Sĩ ra trường với tấm bằng loại ưu nhưng vẫn chưa có cơ hội vào làm việc tại địa phương. Quá trình chờ địa phương mở lớp thi công chức, ông lăn lộn ở các bệnh viện lớn nhỏ tại Huế, TP. HCM để học hỏi, nâng cao tay nghề. Mãi gần 3 năm sau, ông đậu công chức khi hơn nữa về thứ hai đúng… nửa điểm. “Giờ tôi nghĩ lại đó thật sự là một giấc mơ. Với tôi, khoác áo blouse, được làm việc, cống hiến cho đồng bào quê mình là niềm vinh dự khó diễn tả” - bác sĩ Y Sĩ tâm sự.
Chỗ dựa của bà con đồng bào
Một trong những vấn đề nhức nhối tại Đak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung là hướng giải quyết vấn đề di cư tự do của người dân các tỉnh phía Bắc đến sinh sống cô lập với cộng đồng.
Không nói đến những hành trình di cư trong diện quy hoạch của Nhà nước thì vẫn còn đó hàng ngàn người dân dứt áo rời quê hương tìm vào các tỉnh Tây Nguyên tìm cuộc sống mới. Áp lực kinh tế xã hội là rất lớn, nhưng áp lực chăm sóc sức khỏe của các buôn có người di cư là rốt ráo, cần tìm lời giải. Thực tế đó, được sự động viên của lãnh đạo trung tâm y tế, bác sĩ Y Sĩ tự nguyện nhiều năm sinh sống tại những buôn có đông đồng bào di cư.
Tôi thắc mắc điều gì khiến ông đồng ý vào những buôn giữa rừng để chăm sóc cho người dân. Ông Y Sĩ cười hiền: “Thời đó mình còn trẻ nên tinh thần nhiệt huyết, khao khát thử thách bản thân tràn trề. Chính vì vậy nên mình phải đi đến những nơi mà điều kiện đời sống của người dân còn khốn khó giúp đỡ cho bà con.”
Thông thạo cả 4 thứ tiếng Jrai, Ê Đê, M’Nông, K’ho nên ông Y Sĩ rất vững dạ dễ dàng thích nghi và làm việc, thế nhưng “sự đời” đâu phải vậy. “Phần lớn người đồng bào phía Bắc di cư tự do vào đây đều có ngôn ngữ Tày, Nùng, Dao… khác hẳn với đồng bào Tây Nguyên. Họ có cuộc sống khép kín, giữ nhiều phong tục lạc hậu” - ông Y Sĩ nhớ lại. Rồi trải qua quá trình cùng sống, cùng ăn với người dân, ông Y Sĩ mới hiểu và trải lòng với người dân. Nhờ sự giúp đỡ của ông, nhận thức của người dân trong việc áp dụng biện pháp tránh thai, tiêm chủng cho trẻ nhỏ dần được nâng lên.
Trò chuyện cùng ông, tôi băn khoăn về câu chuyện mở phòng mạch tư tại nhà thường được không ít bác sĩ lựa chọn để tiện chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương và tăng thêm thu nhập có từng được ông nghĩ đến. Ông Y Sĩ lắc đầu, xua tay như một cách từ chối ý nghĩ đó. Ông lấy câu “sống là để cho, đâu chỉ nhận” để nói về suy nghĩ của mình đối với nghề y.
Ông chia sẻ, so với ngày xưa, các hủ tục, mê tín dị đoan đã dần loại bỏ nhờ công tác vận động, tuyên truyền hiệu quả của chính quyền địa phương. Ấy vậy nhưng phần đông đời sống của bà con còn quá nhiều khó khăn. “Mình có xuất thân nhà nông nên hiểu giá trị của đồng tiền, giá trị của sự yêu thương, san sẻ khó khăn. Tôi không có ý định mở phòng khám, tôi chỉ tâm niệm, ngoài giờ làm về đến nhà, bất cứ người dân nào cần thăm khám, điều trị đơn giản mình có thể giúp đỡ, hỗ trợ một phần nào, đó cũng là vốn quý” - bác sĩ Y Sĩ nói.
Trải qua nhiều chức vụ khác nhau, sau gần 20 năm trong nghề, giờ ông Y Sĩ đang đảm nhiệm vị trí phó giám đốc trung tâm y tế huyện với trách nhiệm chuyên môn và nghiệp vụ nặng nề nhưng mỗi khi về với buôn làng, ông từ chối đề nghị của người dân bầu ông vào làm công tác thôn bản để “tập trung hoàn toàn vào công việc Nhà nước giao”.
Trong các cuộc họp, làm việc giữa buôn với đồng bào địa phương, ông Y Sĩ được người dân địa phương tin tưởng, nghe theo trong công tác dân vận; tuyên truyền các chính sách của Nhà nước và nâng cao nhận thức, sức khỏe cộng đồng của người dân.
Vậy điều gì chưa làm được cần hoàn thiện trong tương lai - chúng tôi hỏi, ông Y Sĩ bảo, với một bác sĩ quá trình làm việc cần không ngừng nâng cao nghiệp vụ, đạo đức, tác phong… nhưng một bác sĩ trở thành lãnh đạo thì bên cạnh nghiệp vụ giỏi còn đòi hỏi bản thân phải đi sâu vào quần chúng, hiểu rõ người dân và đồng nghiệp. “Tôi cho rằng sự học thì dù ở vị trí, địa vị nào bản thân mình cũng phải xem trọng. Tôi luôn nghĩ ở vị trí mới, bản thân phải thay đổi, tiếp nhận những tiến bộ, đào thải cái cũ, cái chưa tiến bộ” - ông Y Sĩ tâm sự.
Hữu Long/laodong