Có người chúc phúc, cũng có người dè bỉu, trêu đùa. Họ không lấy đó làm buồn mà càng mạnh mẽ hơn để vươn lên trong cuộc sống
Đó là một buổi chiều chúng tôi có dịp về huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, nghe kể về câu chuyện tình yêu giữa anh Đinh Văn Cảnh và vợ là chị Võ Thị Mỹ Phúc (37 tuổi; quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Sống sót sau bạo bệnh
Gia đình anh Đinh Văn Cảnh ở thôn 9, xã Tân Châu, huyện Di Linh.
Dù đã hẹn trước nhưng khi đến nơi chúng tôi vẫn phải đứng ngoài cửa đợi hơn 1 giờ, bởi chị Phúc vẫn còn dở dang xấp vé số chưa bán hết và còn nhiệm vụ phải đón con nhỏ đang học ở trường mầm non.
Gặp chúng tôi, anh Cảnh chia sẻ: "Khi còn sơ sinh ở Thanh Hóa, tôi mắc bệnh sốt bại liệt đến nỗi chết đi sống lại. Sau di chứng từ cơn bạo bệnh ấy, hai chân và tay phải dần co quắp, giọng nói cũng không được gọn như người bình thường. Mẹ kể tôi chết đi sống lại những 3 lần. Sợ tôi chết luôn nên bà nấu chè xôi cúng tổ tiên rồi đặt tên cho tôi là Sót, nghĩa là sống sót sau bạo bệnh".
Theo anh Cảnh, ở quê Thanh Hóa của anh lúc bấy giờ cuộc sống khó khăn. Rồi cha mẹ mất sớm, nhà đông anh em nên năm 16 tuổi anh phải theo người thân lang bạt khắp nơi bán vé số mưu sinh. Lang thang khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP HCM, Đồng Nai… cuối cùng anh chọn Lâm Đồng làm nơi an cư. Lúc đó, anh tròn 30 tuổi.
Sau khi bán vé số một thời gian ở TP Bảo Lộc, năm 2014 anh chuyển lên thuê phòng trọ ở xã Tân Châu (huyện Di Linh) để tiếp tục bán vé số. Ở đây, anh gặp chị Phúc.
"Lúc đó, vợ tôi đang phụ bán hàng tạp hóa cho người chị ở thị trấn Di Linh. Tôi thường xuyên đi xe lăn qua lại bán vé số ở khu vực này, rồi không biết từ khi nào có số điện thoại của nhau. Lúc đầu là hỏi thăm qua lại rồi đồng cảm với hoàn cảnh mà thương nhau lúc nào không hay anh à" - anh Cảnh cười xòa. Chị Phúc bị khuyết tật thiếu một chân bẩm sinh, cuộc sống gắn liền với cây nạng, thính lực yếu không thể nghe một câu trọn vẹn, thậm chí có lúc không nghe gì khi sức khỏe không tốt.
Chuyện tình của 2 mảnh đời khiếm khuyết này dần dần cũng được người dân địa phương biết đến. Có người chúc phúc cho họ, cũng có người dè bỉu, trêu đùa. Thay vì buồn bã thì theo anh, điều đó đã tạo cho anh chị nghị lực mạnh mẽ để vươn lên. Anh quyết tâm cưới bằng được chị Phúc làm vợ, mặc dù gia đình đôi bên ngăn cản. "Hạnh phúc của bản thân mình không phải ai mang đến cho mà nó là sự nỗ lực quyết liệt mới có được. Không ai sống thay cho mình" - anh Cảnh tâm sự.
Dù nắng hay mưa, vợ chống nạng, chồng trên xe lăn, rong ruổi khắp nơi |
Cùng nhau rong ruổi
Chúng tôi đang trò chuyện với anh Cảnh thì vừa lúc chị Phúc trở về trên xe lăn sau khi đã ghé đón con là cháu Thiên Ân học ở trường mầm non. Tiếp lời, chị Phúc kể: "Vợ chồng em vất vả lắm. Để về sống được với nhau và sinh cháu Thiên Ân là sự kiên trì nỗ lực thuyết phục hai bên gia đình".
"Thấy ổng ngày nào cũng đi xe lăn ngang qua tiệm tạp hóa của nhà chị em để bán vé số, cơm đường cháo chợ đi lại khó khăn, em thấy khổ quá nên xin phép chị gái cho về ở với ổng nhưng chị ngăn cản, nói nó lo cho thân nó chưa xong, mày thì bị mất một chân như vậy về với nhau lấy gì mà sống? Rồi mẹ em cũng lên tiếng ngăn cản. Nhưng tụi em đã quyết rồi. Thế là thành đôi như giờ nè" - chị Phúc nở nụ cười rạng rỡ.
Kể thêm câu chuyện tình yêu như cổ tích này, anh Cảnh nhớ đêm 30 Tết Giáp Ngọ (năm 2014) ấy là đêm nhớ nhất trong cuộc đời anh. "Đêm hạnh phúc nhất mà đến giờ tôi vẫn còn nghĩ đó là một giấc mơ" - anh Cảnh kể bữa đó cả xóm trọ của những người nghèo lang bạt mưu sinh không còn cảnh rộn ràng nữa vì mọi người đã khăn gói đón xe đò về quê ăn Tết.
"Mình tôi nằm co ro thì Phúc tới. Cô ấy chống nạng tới. Tiếng cây nạng gõ xuống đất lộp cộp từng tiếng chậm rãi. Tôi nhớ như in. Rồi Phúc gõ cửa gọi to ông có trong nhà không ông Cảnh ơi, mở cửa đi, ông chịu thì tôi về ở với ông luôn hôm nay" - anh Cảnh ngừng một chút để nén xúc động, rồi tiếp: "Tôi ú ớ không nói được câu nào luôn. Lọ mọ ra mở cửa thì Phúc đứng đó thật. Biết thật rồi nhưng vẫn bối rối. Trên tay Phúc xách một túi đồ nhỏ. Tình cảnh như một giấc mơ, xuất hiện lúc thời khắc linh thiêng vì chỉ còn khoảng 1 giờ nữa là đến giao thừa. Lúc này, tim tôi như ngưng đập vì sung sướng và hạnh phúc".
Sau đêm 30 Tết năm đó, Phúc "cụt" về sống với Cảnh "què" đã thành thời sự nóng râm ran khắp dân tình ở ngã 3 Tân Châu. Không có đám cưới như bao người khác, 2 vợ chồng khiếm khuyết cùng nhau rong ruổi khắp huyện Di Linh bán vé số để mưu sinh. Sau một năm dành dụm được ít tiền, 2 vợ chồng cùng đón xe đò về quê làm mâm cơm cúng tổ tiên và xin phép quay vào Di Linh sinh sống.
Thời gian trôi qua, vợ chồng anh Cảnh đã khiến người dân địa phương nể phục, không ai còn dè bỉu trêu chọc nữa vì cảm mến nghị lực của họ vươn lên trong cuộc sống. Dù nắng hay mưa, vợ chống nạng, chồng trên xe lăn, rong ruổi khắp nơi bán cho hết xấp vé số với mong ước tương lai sẽ có một ngôi nhà nhỏ và đứa con.
"Trước đây, tôi mong có 1 đứa con để nuôi. Nhưng nhìn lại cảnh tàn tật như mình làm sao có chồng mà sinh con được. Rồi khi quyết định về ở với ổng, cũng sợ sẽ khổ như người đời bàn tán lắm chứ. Nhưng nghĩ lại, mình với ổng có sướng bao giờ đâu mà sợ khổ gì nữa. Vậy là vợ chồng an ủi nhau, cầu mong trời thương" - chị Phúc tâm sự.
Như một giấc mơ
Giấc mơ đã thành sự thật. Chuyện tình của họ cũng sang trang có hậu. Sau thời gian anh chị về sống với nhau thì có tin vui, rồi chị sinh được đứa con gái kháu khỉnh. "Mình có vợ là như một giấc mơ rồi, nhưng mình vẫn tham lam cầu mong có được đứa con cho vui cửa vui nhà. Vậy mà trời thương cho thiệt các anh à" - anh Cảnh cười vui trong niềm hạnh phúc.
Bé gái có đôi mắt sáng long lanh được vợ chồng anh Cảnh đặt tên là Thiên Ân, nghĩa là ân huệ mà trời ban cho gia đình anh. Theo anh Cảnh, "trời ban cho mình có được những gì mình mong ước là hạnh phúc vô bờ bến rồi. Mong con gái chăm ngoan, không bệnh tật là cả nhà không lo đói nữa".
Từ khi gia đình anh Cảnh và chị Phúc có con nhỏ, chị gái của chị Phúc cho gia đình anh Cảnh mượn 150 triệu đồng trả chậm, không lãi để mua mảnh vườn nhỏ nằm sâu trong rẫy cà phê ở thôn 9, xã Tân Châu. Thông qua anh Trần Anh Khoa ở Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Di Linh, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ vợ chồng anh Cảnh làm một căn nhà khoảng 50 m2, đủ để che nắng che mưa.
Chia tay gia đình anh trong buổi chiều muộn, dù xe đã chạy được một đoạn khá xa nhưng vẫn nghe lanh lảnh tiếng cười giòn tan của cháu Thiên Ân hòa lẫn tiếng hát câu được câu mất của anh Cảnh vọng qua vườn cà phê. Tôi lại thầm cầu mong cho cuộc tình như chuyện cổ tích này mãi mãi bền lâu trong tiếng cười.
Mặc dù gia đình anh Cảnh chưa có hộ khẩu ở địa phương nhưng UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Di Linh vẫn luôn quan tâm giúp đỡ gia đình anh, hướng dẫn anh làm hồ sơ nhập khẩu về Di Linh để được hưởng đầy đủ chế độ chính sách cho người khuyết tật theo quy định” - bà Trần Thị Hoa, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Di Linh, nói.
Bài và ảnh: ĐÌNH THI (NLĐO)