Phóng sự - Ký sự

Con đường chết chóc tìm miền đất hứa- Kỳ 4: Vỡ mộng ở Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xã hội đa văn hóa và dễ tìm việc, dễ dàng xin tị nạn... 'miền đất hứa' nước Anh thật ra chỉ là ảo tưởng.
 
Trung tâm giam giữ người di cư bất hợp pháp ở Anh - Ảnh: Reuters
Aro (tên đã thay đổi) là người dân tộc Kurd cư trú ở Sulaymaniyah thuộc đông bắc Iraq. Anh trốn khỏi Iraq năm 2015 sau khi bọn Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất hiện, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Serbia rồi dừng chân tại Thụy Điển...
Xã hội đa văn hóa và dễ tìm việc
Ba năm sau, Thụy Điển bác đơn xin tị nạn của Aro với lý do Iraq đã an toàn, chiến tranh ở đó không còn khốc liệt. Aro quyết định sang Ý nhưng nửa đường bị bắt ở Đức vì thiếu giấy tờ. Khó khăn đến được Ý, chính quyền lại muốn trục xuất anh. 
Giữa tháng 9-2019, Aro chi 100 euro cho người đưa đường vượt biên giới sang Pháp rồi đi tàu hỏa đến Paris. Đêm xuống, anh ngủ dưới chân tháp Eiffel. Sau cái đêm lạnh lẽo đó, Aro lần dò tìm đến Grande-Synthe (miền bắc Pháp) dựng lều ngủ trong rừng. Hai tháng nay, chàng trai 29 tuổi này vẫn nuôi hi vọng sang Anh làm việc trong ngành tin học.
Người di cư tứ xứ đổ xô về Pháp và Bỉ chờ thời cơ vượt biên sang "miền đất hứa" Anh. Vì sao như vậy? Nhà nghiên cứu Pascal De Gendt người Bỉ đã đưa ra năm lý do giải thích trong báo cáo dày 20 trang với đầu đề "Nước Anh, miền đất hứa của dân di cư? Phân tích "giấc mơ Anh".
Đầu tiên, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng toàn cầu và là ngôn ngữ chính ở một số nước. Năm 2015, Cơ quan Đấu tranh chống nhập cư trái phép (Anh) ghi nhận hầu hết người xin tị nạn đến năm 2014 và 2015 là dân Eritrea, Pakistan hay Syria, tức các nước có tiếng Anh là ngôn ngữ chính hoặc sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, tiếng Anh chưa hẳn là yếu tố quyết định.
Lý do thứ hai, xã hội Anh cởi mở hơn với người nước ngoài. Đài BBC đã điều tra cho thấy một bộ phận người di cư ngoài châu Âu từng sống hợp pháp nhiều năm ở một số nước châu Âu có phúc lợi xã hội tốt như Bắc Âu, Hà Lan cũng tìm đến Anh. 
Xã hội Anh từ lâu đã công nhận quyền bảo tồn văn hóa truyền thống. Ngoài ra, Anh luôn cổ súy tự do ngôn luận. Một giáo sĩ Hồi giáo có quyền giảng đạo. Các tín đồ Hồi giáo Salafi có quyền chọn lựa sống theo lời giáo sĩ đó.

“Miền đất hứa nước Anh chỉ là ảo tưởng.

Nhà nghiên cứu Bỉ Pascal De Gendt

Tuy nhiên, Anh cũng không thoát khỏi chủ nghĩa bài ngoại nói chung và bài Hồi giáo nói riêng. Mùa hè năm 2001, các công dân không theo đạo Hồi và tín đồ Hồi giáo đụng độ dữ dội. Từ đó phơi bày lỗ hổng chính của mô hình đa văn hóa là các cộng đồng phát triển song song nhưng lại không hòa nhập với nhau. 
Số vụ xung đột sắc tộc tăng đột biến sau vụ bốn tên khủng bố Hồi giáo đánh bom tàu điện ngầm London ngày 7-7-2005 và trong thời gian trưng cầu ý dân về Brexit tháng 6-2016. Thật ra người di cư ít quan tâm đến các sự cố nêu trên vì họ muốn đến Anh để đoàn tụ gia đình, học hành hoặc đơn giản vì có nhiều đồng hương ở Anh sẵn sàng giúp đỡ tìm chỗ ở, việc làm.
Dễ tìm việc làm ở Anh là lý do thứ ba và đây chính là yếu tố chính. Anh có tỉ lệ thất nghiệp thấp. Thị trường lao động hấp dẫn hơn vì việc làm không khai báo cũng không sao. Năm 2015, một phóng viên BBC giấu camera giả vờ là người di cư đi tìm việc ở hai quận gần biển Manche nhất (Sussex và Kent). 
Trong 10 giờ tiếp xúc với các tiểu thương và doanh nghiệp, anh được mời hàng tá công việc dù anh cho biết không có giấy phép lao động. Tiền lương giờ được đề nghị dưới mức tối thiểu hợp pháp (6,70 bảng/giờ). Một số nhà tuyển dụng còn chỉ cách tránh bị kiểm tra.
Nước Anh đã nhận thức được vấn đề và từ năm 2006 điều chỉnh các quy định pháp lý để trừng phạt chủ thuê lao động trái phép. Năm 2015 đã có gần 2.000 vụ kết án. 
Song dù thiếu chứng minh thư, người di cư bất hợp pháp vẫn có thể sử dụng thẻ lưu trú có thông tin sinh trắc (BRP - cấp cho người nước ngoài ở lại hơn sáu tháng) và thẻ đăng ký tị nạn (ARC - cấp cho người xin tị nạn). Ước tính có 10% công việc ở Anh là việc làm không đăng ký.
 
Người di cư từ châu Phi vượt Địa Trung Hải sang Hi Lạp để tìm đường đến Anh - Ảnh: AFP
Không dễ dàng xin tị nạn
Anh chống nhập cư lậu cứng rắn hơn, do đó đã chấm dứt hai huyền thoại phổ biến nơi người di cư là Anh dễ dàng cấp quyền cư trú và hào phóng với người xin tị nạn. 
Căn cứ số liệu thống kê toàn châu Âu, Anh xét đơn xin tị nạn khắt khe nhưng nếu đương đơn khiếu nại, Anh lại dễ chấp thuận hơn. Đây chính là lý do thứ tư. Song trong thời gian khiếu nại, đương đơn không được hưởng trợ cấp. 
Trước đây, nếu không bị đưa vào trung tâm giam giữ để chờ xét đơn khiếu nại, người xin tị nạn sẽ nhận được 36 bảng/tuần, còn gia đình nhận được 73,9 bảng. Nhưng từ tháng 4-2017, khoản trợ cấp này không còn nữa vì Anh muốn ngăn chặn khiếu nại. 
Anh cho rằng đối với một công dân không thuộc châu Âu, tài chính không đủ là vi phạm các điều kiện cư trú hợp pháp và có thể bị trục xuất.
Lý do cuối cùng liên quan đến quy định Dublin. Theo quy định Dublin của EU, phải trả người xin tị nạn về quốc gia nơi người này đặt chân đầu tiên đến châu Âu. Người di cư hi vọng sau Brexit, quy định Dublin sẽ bị bãi bỏ. Song không có gì bảo đảm sau Brexit Anh sẽ hủy bỏ quy định này.
Tóm lại, không có lý do để kết luận Anh áp dụng chính sách linh hoạt hơn với người di cư nói chung và người xin tị nạn nói riêng. Ngược lại, Anh tiếp tục thắt chặt chính sách nhập cư như đã cấm người cư trú bất hợp pháp thuê nhà hoặc mở tài khoản. 
Tình hình sẽ tồi tệ hơn đối với người xin tị nạn vì chính sách mới của Anh là chỉ ủng hộ quyền tị nạn tạm thời trong năm năm (có thể gia hạn), chứ không dễ cho định cư lâu dài.
Nhà nghiên cứu Pascal De Gendt kết luận: "miền đất hứa" nước Anh chỉ là ảo tưởng. Nhưng ai có lợi khi nuôi dưỡng giấc mơ này? Đó là bọn đưa người vượt biên lậu, kiếm tiền trên chính giấc mơ và mạng sống của những người đi tìm "miền đất hứa".
Bị dụ dỗ đi trồng cần sa

Theo điều tra của Tổ chức phi chính phủ Alliance Anti-Trafic (Pháp), hơn 50% số người di cư Việt Nam được bọn tổ chức vượt biên hứa hẹn khi đến Anh sẽ có việc làm như nhân viên nhà hàng, tạp vụ, giúp việc, giữ trẻ với mức lương tháng từ 400 - 500 bảng Anh, thậm chí lên 2.500 bảng. Song 80% đến Anh không có việc làm vì người di cư không nói được tiếng Anh và không có mạng lưới giúp đỡ.

Một số người liều đi trồng cần sa (bọn đưa người gọi là "trồng cây thuốc"). 100m2 được 10kg cần sa sau ba tháng, bán được gần 30.000 bảng. Tỉ lệ ăn chia 6/4, trong đó người trồng hưởng 40%, chủ hưởng 60%. Tuy nhiên, điều kiện lao động rất tệ như sử dụng hóa chất, chỗ trồng kín và thiếu ánh sáng; điện câu móc dễ chết người, chưa kể các băng nhóm canh me đến cướp. Người di cư không ý thức đây là hoạt động phi pháp cho đến khi bị cảnh sát bắt.

17 đối tượng trong đường dây đưa người vượt biên lậu sang Anh ở vùng Hauts-de-France (Pháp) đã bị bắt cuối tháng 6-2019. Chúng tổ chức vượt biên 259 chuyến, trong đó 167 chuyến thành công và 92 chuyến thất bại, thu lợi gần 3,6 triệu euro... Mời bạn đón đọc Kỳ tới: Các thủ đoạn đưa người vượt biên


Hoàng Duy Long (TTO)

Có thể bạn quan tâm