Phóng sự - Ký sự

Con đường đến trường của 2 thạc sĩ U70

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Chuyện đi học cao học vốn xưa nay không hề dễ với người trẻ, thế nhưng bà Nguyễn Hoàng Mai (64 tuổi) và bà Bùi Thị Thanh Hương (69 tuổi) suốt nhiều năm nay vẫn miệt mài với việc học mặc dù sự học bị gián đoạn nhiều lần. Với họ, học không phải là lấy bằng cấp để phục vụ công việc, mà trên hết học là để thỏa ước nguyện của bản thân và thực hiện tâm niệm 'đời người hữu hạn, học vấn vô hạn'.
Tấm bằng thạc sĩ sau nỗ lực suốt 30 năm
Bà Nguyễn Hoàng Mai (SN 1954) vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn ĐHQG.TPHCM ngành Văn học Việt Nam. Đối với bà, thành quả đáng tự hào không chỉ là tấm bằng thạc sĩ có được sau 4 năm cao học, mà còn là những kiến thức đạt được sau hành trình nỗ lưc không ngừng nghỉ suốt gần 30 năm khát khao học vấn.
Bà Hoàng Mai trong lúc bảo vệ luận văn Thạc sĩ Ảnh: NVCC
Bà Hoàng Mai trong lúc bảo vệ luận văn Thạc sĩ Ảnh: NVCC
Sau khi học xong tú tài, bà phải hoãn việc học một thời gian dài. Đến năm 1985, bà mới nối lại con đường học vấn và tốt nghiệp trường Đại học Tổng Hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn ĐHQG.TPHCM) năm 1990. Rồi phải đến 24 năm sau đó, bà mới tiếp tục theo học lên Thạc sĩ và vừa hoàn thành chặng đường đầy gian nan này.
Con đường học vấn của bà Mai bị ngắt quãng nhiều lần cũng chính vì điều kiện kinh tế. 5 tuổi, người ba mất, mẹ bà phải một mình nuôi mấy người con. Là con lớn trong nhà, bà quyết định giúp mẹ gánh vác phần nào kinh tế của gia đình. Nhiều lần muốn chấp nối lại việc học, nhưng những khó khăn cứ không ngừng ập đến. Mẹ bà bệnh nặng một thời gian dài khiến bà phải gác suy nghĩ đó sang một bên và chăm sóc mẹ. Sau nhiều năm bươn chải, điều kiện kinh tế đã khá hơn, bà Mai kiên quyết không để lỡ chuyện học nữa. Điều khiến bà kiên quyết đến vậy, không gì khác chính là những lời mẹ dạy từ lúc ấu thơ: Đời người hữu hạn, học vấn vô hạn.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế không phải là trở ngại duy nhất của thạc sĩ U70 này. Bà chia sẻ: “Lớn tuổi, chuyện học rất khó do trí nhớ suy giảm. Việc ghi nhớ kiến thức rất chậm, đã vậy, ghi nhớ rồi vẫn thường hay quên mất. Thêm vào đó tôi còn mất đi phần lớn kiến thức nền, vì phải học lại sau gần 30 năm. Tuy nhiên, vẫn có những lợi thế nhất định, như việc có nhiều kinh nghiệm sống hơn các bạn trẻ. Kinh nghiệm sống giúp cho những bài viết của tôi có điểm đặc biệt hơn.”
Phương pháp học của bà là nghe, ghi chép kết hợp với vận dụng. Bà thường ghi âm lại những bài giảng trên lớp, về nhà nghe lại và ghi chép những điểm cần thiết rồi vận dụng những gì mình ghi chép để làm bài tập, tiểu luận trên lớp. Đôi khi, bà còn ham thích, say mê nghe đi nghe lại những bài giảng đã ghi âm được. Điều này đã khắc phục được phần nào việc trí nhớ kém của bà.
Ngày 12 tháng 8 vừa qua, bà chính thức bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ đề tài “Tìm hiểu tiểu thuyết của bà Tùng Long”. Luận văn của bà Mai được nhận xét là độc đáo, có sự nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng và đã nhận điểm 8 (điểm khá cao vì điểm tối đa có thể đạt được là 9 do không có bài báo khoa học).
Thạc sĩ U70 quan niệm rằng, học là để có thể dùng tri thức giúp ích cho đời. Chính vì vậy mà bà chọn cách truyền đạt kiến thức của mình qua việc dạy học và những hoạt động xã hội. Hiện tại, bà vẫn đều đặn đi dạy và tham gia các hoạt động tình nguyện trên khắp đất nước. Bên cạnh đó, bà còn dự định học lên Tiến sĩ nếu có thời gian và điều kiện sức khỏe tốt. “Nếu không thể học Tiến sĩ thì tôi cũng sẽ tiếp tục học, học ngoại ngữ để có thể nghiên cứu những tài liệu nước ngoài. Tôi sẽ học hoài, học mãi như vậy!”, bà Mai khẳng định.
U70 gần 8 năm miệt mài làm luận án tiến sĩ
Cũng giống như câu chuyện của bà Mai, con đường học vấn của bà Bùi Thị Thanh Hương cũng khiến nhiều người khâm phục. Sau khi đậu tú tài đôi năm 1967, bà Hương bắt đầu theo học ban cử nhân luật tại Luật Khoa ĐH Đường Sài Gòn, học ban cử nhân báo chí thuộc phân khoa Văn học và khoa học nhân văn, Viện ĐH Vạn Hạnh (nay là ĐH Sư phạm TPHCM).Là một nhà giáo, sau khi thống nhất đất nước, bà Hương được lưu dung và tiếp tục công việc giảng dạy. Từng dạy môn Văn rồi đến môn Sử, chưa bao giờ cô giáo Hương từ bỏ ước mơ tiếp tục con đường học vấn. Năm 1984, bà học tiếng Nga ban đêm tại trường ĐH Tổng hợp (nay là trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn ĐHQG.TPHCM), sau đó, bà lại đăng ký học tiếng Anh hệ từ xa tại trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Bà Hương nhớ lại “Khoảng năm 1991, khi được biết trường ĐH Sư phạm mở lớp cao học tôi khóc. Khi đó còn chạy ăn từng bữa, muốn học lắm nhưng tiền đâu mà học, giá học phí đến mấy trăm kí gạo một năm, đành gác sự học mà lo cho con, đợi khi về hưu sẽ tiếp tục học.”
Năm 2003, bà học cao học ngôn ngữ học so sánh và đến năm 2009 thì chính thức nhận bằng thạc sĩ ngôn ngữ học tại trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn ĐHQG.TPHCM ở tuổi 60. Thế nhưng ít ai biết rằng, trong quá trình học cao học, bà Hương đã bị chứng đục thủy tinh thể làm mờ hai mắt. Những lúc học tại giảng đường, bà Hương chỉ tiếp thu được những lời thầy nói, còn những gì thấy viết lên bảng thì “bó tay”. Việc tìm tài liệu, nghiên cứu các bài báo để viết luận văn thạc sĩ là cả một hành trình gian nan, bà phải dùng kính lúp rà từng chữ để nắm thông tin. Tưởng chỉ dừng lại ở đó, nay bà Hương ở tuổi 69 vẫn đang trong quá trình học. Hiện bà đang tiếp tục hằng ngày cố gắng hoàn thành luận án tiến sĩ của mình với đề tài “Đặc điểm ngôn ngữ báo Phụ nữ Tân văn (có so sánh với báo Phụ nữ TPHCM). Đề tài rất khó khăn trong việc tìm tư liệu của báo Phụ nữ Tân Văn. Vì các tư liệu lâu đời chụp qua vi phim không xem được nên phải qua khâu photoshop cho rõ. Đang trong quá trình làm luận án thì năm 2014 chồng của bà Hương mắc bênh thoái hóa não phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ vào bà. Thế là bốn năm nay, bà Hương vừa chăm sóc người bệnh vừa mày mò nghiên cứu. Qua 8 năm đèn sách cần mẫn, giờ đây bà cũng dần hoàn thiện luận án tiến sĩ ở những khâu cuối cùng. Bà luôn tươi cười “trước đây mình đi học thì không ai trẻ hơn mình, bây giờ mình đi học thì không ai già hơn mình.”
Bây giờ, mái tóc đã bạc phơ, sức khỏe không còn như xưa, bà Hương vẫn quyết tâm hoàn thành luận án tiến sĩ. Bà luôn tâm niệm “phải hoàn tất việc học trước khi qua đời”. Với bà Hương “sự học là một sự cần thiết cho cuộc sống tinh thần và sẽ đau khổ nếu không hoàn tất”. Có được tinh thần như vậy là nhờ vào những lời dạy của các thầy ở tiểu học. Trong lòng bà Hương, các người thầy luôn có một vị trí đặc biệt, là động lực thôi thúc bà học tập, tìm hiểu và nghiên cứu không ngừng nghỉ.
“Con đường đến trường” của bà Hoàng Mai và bà Thanh Hương thực sự là tấm gương học tập suốt đời xưa nay hiếm có. Câu chuyện đã truyền cảm hứng rất nhiều cho các bạn trẻ về mục đích cuối cùng của việc học và khám phá tri thức.
Anh Nhân-Yến Oanh (Lao Động)

Có thể bạn quan tâm