Báo xuân

"Con gà cục tác lá chanh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với những “Con mèo trèo lên cây cau…”, “Bao giờ cho đến tháng ba…”, người Việt từ thế hệ 7X trở ngược rất ít người không thuộc bài ca dao này: Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/Con chó khóc đứng khóc ngồi/Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng/Con trâu khóc ngả khóc nghiêng/Con chó có riềng để tỏi phần tôi.
 

 

Cha ông đã truyền dạy cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm sống: từ nết ăn, nết ở, đi đứng nói năng tới hành vi ứng xử trong đời sống. Vẫn biết để có nền văn hóa ẩm thực thì phải trải qua hàng ngàn năm. Cái gì làm gia vị cho thức món gì, kết hợp với nhau ra sao như là sự mặc định. Làm trái đi sẽ… choãi, thậm chí nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng. Nhưng những bài học ấy qua tục ngữ, thành ngữ, ca dao thì lại rất hiếm hoi. Có thể do kiến văn hạn hẹp, tôi lục mãi trong trí nhớ mới được một câu: “Đành rằng canh cải nấu gừng/Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai”. Nhưng câu ca dao này, một mặt nói về kinh nghiệm nấu nướng nhưng sâu xa hơn, nó là một ẩn dụ đề nghị cách ứng xử nhân văn giữa người và người.

Trở lại bài ca dao có năm nhân vật: người bà sắp đi chợ và lũ gà, lợn, chó, trâu. Những gia cầm, gia súc này đã được nhân cách hóa để suy nghĩ, đi đứng, nói năng như con người. Với thái độ rất bình tĩnh, thanh thản, vui vẻ, thậm chí dỗi hờn, lo lắng sợ quên, sợ nhầm, chúng dặn “bà” mua cho mình một món hàng. Những thứ này rất dễ kiếm: có thể có sẵn trong vườn nhưng cứ là phải “chợ” cho nó hoành tráng. Có thể nói “cục tác” là ngôn ngữ của gà, “ủn ỉn” là ngôn ngữ lợn. Nói khác đi, hễ nghe những âm thanh ấy là người ta lập tức nghĩ ngay đến chúng. Hai con vật còn lại, ở cấp độ tha thiết hơn.

Tình cảm của chúng, theo tiếng khóc mà dần tăng lên. Và cũng thật tài tình, tác giả dân gian đã miêu tả tiếng khóc từ xa xưa mà đến nay còn nguyên vẹn tinh khôi, lấp lánh sáng tạo ngôn từ: “khóc đứng khóc ngồi”, “khóc ngả khóc nghiêng”. Điều gì làm cho cảm xúc của chúng ghê gớm đến như vậy? Xin thưa, điều mà ai cũng đã biết, đấy là những món “tùy táng” khi chúng lìa cõi tạm. Cứ theo tinh thần của bài ca dao, nếu có những thứ ấy đi kèm thì sẽ là cơ hội cuối cùng dâng hiến cho gia chủ; không có những thứ ấy thì chúng chết sẽ không nhắm được mắt, oan ức và tức tưởi, phí hoài.

Cũng như những người đã trưởng thành, những gà, lợn, chó, trâu trong bài ca dao ý thức rất cao về sự sống-chết, ý thức cao về quy luật của tạo hóa. Chúng lo lắng hậu sự, không phải cho chúng mà cho những người hưởng thụ chúng, làm sao để có một cái chết hợp lý nhất và tràn đầy tinh thần dâng hiến nhất.

Bài ca dao đã đem lại một kinh nghiệm gia vị và một bài học về lẽ tử-sinh.

Chử Anh Đào

Có thể bạn quan tâm