(GLO)- Tôi hay ghé chân ở các cửa hàng vật dụng bằng đất nung và thường dừng mắt lâu hơn trước gian hàng bán heo đất. Khi ấy, dòng hồi tưởng mãnh liệt khiến tôi tưởng như đang gặp lại hình ảnh mẹ tôi cùng những tháng năm kinh tế gia đình khốn khó, dắt dìu nhau qua cơn bĩ cực.
Thường là sau mỗi buổi chợ phiên, mẹ lần từ chiếc đãy-loại túi vải tự khâu kim tay, miệng rút thít bằng sợi dây dù, đính giữ bên trong túi áo bà ba nhờ chiếc kim băng-những đồng tiền kim loại, tiền giấy mệnh giá nhỏ cho vào bụng con heo đất nằm sâu ở góc chạn đựng chén bát. “Quỹ tiết kiệm” này sẽ được dùng đến vào những ngày đầu Chạp khi may quần áo mới cho mấy đứa con nhỏ. Còn với những đứa con lớn thì có một mặc định: đồng phục học sinh may mới trước ngày khai trường cũng là đồ Tết, chỉ vậy, không đòi hỏi gì thêm. Mỗi khi lũ nhỏ thử mặc áo quần mới, được cả gia đình xuýt xoa khen đẹp, nét mặt mẹ tôi bỗng chùng xuống, tần ngần nhìn mấy đứa con lớn. Lúc đó tôi biết mẹ khổ tâm, khó lòng.
Ảnh nguồn internet |
Cho đến giờ tôi vẫn thường thấy con heo đất trong các tiệm tạp hóa ở các vùng quê xa hay ngõ phố nhỏ; mới biết, tiết kiệm là phẩm chất truyền đời của người dân Việt. Nhiều em nhỏ đã dùng tiền tiết kiệm từ chú heo đất của mình để giúp đỡ các bạn hoàn cảnh khó khăn, cả những người chưa hề quen biết. Đáng quý làm sao! Bài học “Thương người như thể thương thân” khởi đầu từ những việc làm như vậy, lại được gia đình và xã hội động viên, hẳn lớn lên các em sẽ là người có ích, tôi tin vậy.
Tiền thân của việc bỏ heo đất có lẽ là bỏ ống, làm từ tre nứa. Tre nứa ở ta nơi nào cũng có. Tôi quen cách nói bỏ ống hơn là bỏ heo đất, dù từ tấm bé tôi chỉ thấy con heo đất. Nhưng dù ống, hũ hay heo đất cũng là sản phẩm của cư dân nông nghiệp. Ông bà ta vốn đi ra từ đồng đất, thế nên tiết kiệm là phẩm chất có từ xa xưa mà chúng ta ngày nay còn gìn giữ.
Con heo đất trong bụng nó chỉ chứa được tiền. Ống, hũ theo nghĩa thực thể dành dụm được cả gạo, hiệu quả đem lại từng mang tầm vóc lớn lao, cho cả dân tộc. “Hũ gạo tiết kiệm”, “Hũ gạo kháng chiến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, gương mẫu thực hiện đã minh chứng.
Con heo đất chỉ mang tính biểu tượng cho hình thức tiết kiệm. Nó đặc biệt phát huy hiệu quả khi ta rơi vào tình trạng “suy thoái kinh tế”, gồm cả doanh nghiệp. Nhiều nước phương Tây cũng vận động người dân sống “thắt lưng buộc bụng” vào thời kỳ này chứ chẳng riêng gì ở ta. Hiện nay ở tỉnh nhà, tôi biết có nhiều địa phương đã phát động cán bộ, giáo viên, người dân thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” nhằm giúp học sinh gia đình nghèo, góp phần khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Việc làm mang tính nhân văn, đầy trách nhiệm cộng đồng này cần được nhân rộng, tại sao không?
Chuyện cổ tích về con heo đất có thể không riêng của mẹ tôi, của những người có gia cảnh khó khăn vốn xa lạ với hai chữ “ngân hàng”, “tín dụng”, “quỹ đầu tư”… Bữa nọ, bắt gặp con heo đất nguyên màu đất nung trong gói hành trang của mẹ, thử lắc lắc, không nghe tiếng lóc xóc là biết “bao tử” của nó no đầy những tờ tiền giấy mệnh giá lớn. Hỏi mẹ tiết kiệm để làm gì, mẹ bảo, thì biết đâu có khi cần đến. Tôi nhìn mẹ, miệng cười mà khóe mắt cay cay...
Đình Phê