Còn nhiều vướng mắc cho hoạt động của trạm y tế thôn, làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trạm Y tế làng Rinh xây xong… bỏ không, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn túc trực, mọi chuyện giao cho nhân viên y tế thôn, thuốc men thiếu trầm trọng. Người dân đau ốm phải vượt 20 km đường rừng, mùa nắng thì bụi, mùa mưa lầy lội để xuống Trạm Y tế xã khám. Trong khi đó, làng giáp ranh với xã Ea Rook, huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak, nếu có người ốm đau đều qua Trạm Y tế tỉnh bạn thăm khám. Đó là thực trạng khó khăn mà người dân làng Rinh (Làng Thanh niên lập nghiệp) xã Ia Mơr, huyện Chư Prông đang đối mặt từng ngày.

Làng Rinh được thành lập từ năm 2007, với nòng cốt là các thanh niên tình nguyện lên lập nghiệp, xây dựng kinh tế theo phát động của Tỉnh đoàn, có tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng, gồm 108 hộ thanh niên với 181 nhân khẩu và trên 3.000 ha đất. Đã 5 năm trôi qua, cuộc sống của người dân có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.

Tuy vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn chưa được chú trọng, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc khám và chữa bệnh. Trong khi, Trạm Y tế được đầu tư xây dựng bài bản, giờ đây… bỏ không, cỏ mọc um tùm và đang xuống cấp theo thời gian vì không có người trực, cũng như không tổ chức khám-chữa bệnh cho người dân. Còn người dân mỗi khi lâm bệnh, dù nặng hay nhẹ vẫn phải đi hơn 20 km về Trạm Y tế xã Ia Mơr khám, hoặc sang Trạm Y tế xã Ea Rook cho tiện lợi, đỡ tốn thời gian, công sức. Tuy nhiên, việc qua khám-chữa bệnh tại tỉnh bạn khiến cho người bệnh chịu nhiều thiệt thòi.

 

Trạm y tế bỏ không. Ảnh: Nguyễn Tú

Chị Nguyễn Thị Hải-nhân viên y tế làng Rinh vẫn nhớ như in những lần chị lặn lội chăm sóc cho người bệnh trong làng, từ những ca bệnh nhẹ, cho đến những ca nặng, thậm chí còn phải trực tiếp đưa người bệnh đi cấp cứu. Đó là chuyện anh Vương bị gỗ đè đứt chân, không cầm máu được, vì ở xa, trạm không người trực cộng với đường sá khó đi, do đó khi ra đến trạm không giữ được phải cắt bỏ. Đó là chuyện nhiều người dân trong làng lên cơn động kinh cùng lúc, chị phải chạy hết nhà này đến nhà khác để giúp cắt cơn, đến nỗi khi mọi người đã cắt cơn thì chị cũng lả người vì mệt.

Chị còn nhớ như in lần đưa chị Dương Thị Loan đi sinh. Chị Loan sinh con thiếu tháng lại vào giữa đêm mùa mưa, phải đi cấp cứu mà đường về Trạm Y tế xã Ia Mơr vừa xa, lại vừa bị các xe chở gỗ cày nát, xe cấp cứu không vào được, cách nhanh nhất chuyển sang Trạm Y tế xã Ea Rook. Tuy nhiên, đoạn đường này cũng đang bị chia cắt bởi mưa lũ. Đi từ 1 giờ sáng mà mãi cho đến 4 giờ sáng mới sang đến xã Ea Rook, khi chỉ còn cách 1 km nữa đến Trạm Y tế xã, thì sản phụ đã sinh con, chị cùng mọi người đưa cháu bé vào đến trạm, chờ xe cấp cứu vào chở ra Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, nhưng vì đẻ non tháng nên cháu bé rất yếu, trong khi trời mưa to rất lạnh cháu bé bị nhiễm lạnh, được 2 ngày thì cháu mất. Rồi chính chị cũng trong đoàn người đưa cháu về và chính tay khâm liệm cho cháu.

Là một trong 8 thành viên đầu tiên của Làng Thanh niên lập nghiệp, chị Hải thấu hiểu nỗi khổ của người dân trong làng khi gặp bệnh, chị đã đi vận động các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn chia bớt thuốc men cho dân làng. Cũng chính chị vận động Trung tâm Y tế huyện cử người xuống túc trực và cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các hộ dân tại làng Rinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hoài Long-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông cho hay: Đến thời điểm này, Trạm Y tế làng Rinh vẫn chưa thể đưa vào hoạt động là do còn nhiều vướng mắc, nhất là việc trong quy định của Bộ Y tế không cho phép xây trạm y tế tại các thôn, làng. Do đó, cơ quan không thể cử người về tổ chức khám-chữa bệnh. Để giải quyết tình trạng bỏ không trạm y tế, tạm thời cử nhân y tế thôn đến trực và đang xúc tiến với Công ty 710, sử dụng trạm y tế làng Rinh làm nơi khám-chữa bệnh quân dân y kết hợp.

Trung tâm cũng đã đề xuất xin cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các hộ dân làng Rinh, đang chờ xem xét, vì việc cấp thẻ bảo hiểm cho người Kinh là trái quy định của Luật Bảo hiểm Y tế.

Nguyễn Tú
 

Có thể bạn quan tâm