Cộng đồng trách nhiệm trong phòng-chống dịch bệnh tay chân miệng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù số bệnh nhân mắc tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh chỉ lẻ tẻ, rải rác chưa gây thành dịch nhưng công tác phòng-chống dịch bệnh này luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế. Thông thường, từ tháng 9 đến tháng 11 là cao điểm của dịch bệnh TCM. Đây cũng là thời điểm vào năm học mới nên nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Y tế, nhà trường và gia đình trong việc phòng-chống dịch TCM thì nguy cơ bùng phát dịch là điều khó tránh khỏi.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong 9 tháng năm 2012, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 500 ca mắc TCM  tại 96 xã, phường của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Các trường hợp mắc bệnh đều nhẹ, không có trường hợp tử vong. Thành phố Pleiku và huyện Chư Prông là hai địa phương có số mắc cao nhất. Số ca mắc TCM hầu hết là trẻ em dưới 36 tháng tuổi và 80% số mắc là trẻ ở nhà, chỉ có 20% là trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu vì đỉnh của dịch TCM sẽ còn tiếp tục cho đến tháng 11.
 

 

Xác định nguy cơ bùng phát dịch bệnh TCM trong các trường mầm non có thể xảy ra nên ngay từ đầu năm học, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp, thực hiện các hướng dẫn của ngành Y tế trong công tác phòng dịch, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Cô Phạm Thị Sò-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) cho biết: “Năm ngoái trường chỉ có một trường hợp mắc bệnh TCM nhưng nguồn lây là do em này đi du lịch với gia đình và bị mắc trong thời gian này. Năm học 2012-2013, tổng số học sinh của trường là 687 em.

Từ đầu năm học đến nay, nhà trường chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh TCM. Trường luôn chủ động trong công tác phòng-chống dịch, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho các em học sinh việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh TCM. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên vệ sinh phòng học, các dụng cụ học tập và đồ chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Nhà trường cũng thường xuyên trao đổi với các phụ huynh về vấn đề sức khỏe của trẻ, các cô phụ trách lớp luôn quan sát các cháu để nhanh chóng phát hiện những bất thường và có biện pháp xử lý phù hợp.

Trong khi các trường học luôn chủ động và sẵn sàng trong công tác phòng-chống dịch thì một số phụ huynh dường như thiếu sự quan tâm đối với các em trong việc phòng-chống dịch TCM. Nhiều gia đình do bận rộn công việc nên khi trẻ bị bệnh sợ các em phải nghỉ học kéo dài không người chăm sóc nên thường giấu bệnh. Khi trẻ mới chỉ bớt bệnh đã đưa các em quay trở lại trường học mà không cách ly theo đúng thời gian quy định, dễ làm cho mầm bệnh lây lan và bùng phát các ổ bệnh mới.

Bác sĩ Phạm Quốc Bảo- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo: Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa do các loại vi rút đường ruột gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 36 tháng tuổi, lây lan nhanh ở các nhà trẻ, mẫu giáo khi có trẻ mắc bệnh không được xử lý triệt để.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Chính vì vậy biện pháp phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ và người nuôi dạy trẻ như thường xuyên rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không để trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, đồ chơi khi chưa được khử trùng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện loét miệng, vết loét đỏ, hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Để công tác phòng-chống dịch bệnh TCM có hiệu quả thì ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần có sự cộng đồng trách nhiệm, chung tay góp sức của nhà trường, gia đình và xã hội.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm