Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Công tác bảo tồn bảo tàng có thật sự được quan tâm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp theo đề mục phụ về văn hóa trong Báo cáo chính trị (dự thảo) của BCH Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XIV, nhiệm kỳ 2010-2015 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, trong bài viết này chúng tôi tiếp tục có ý kiến về công tác bảo tàng bảo tồn trong những năm qua. Báo cáo chính trị khẳng định: “Công tác bảo tàng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được quan tâm”.

Bộ sưu tầm ghè (ché) của người bản địa phải cất kho vì thiếu chỗ trưng bày. Ảnh: Hoàng Ngọc

Chúng tôi nhất trí cao về kết quả của một số công tác liên quan đến lĩnh vực bảo tàng bảo tồn trong những năm qua, nhất là những việc cụ thể được chú thích trong Báo cáo chính trị (dự thảo), như: “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng, tượng nhà mồ, chữ viết, tiếng nói, trang phục dân tộc Bahnar, Jrai; phục dựng, bảo tồn văn hóa dân gian, truyền thống; trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Làng kháng chiến Stơr (Kbang), Plei Ơi (Phú Thiện), chiến thắng Đak Pơ (huyện Đak Pơ). Nhưng như thế có phải đã là thật sự “quan tâm” đúng mức hay chưa.

Tôi mạnh dạn nêu mấy ví dụ để mọi người cùng suy nghĩ. Một nhà Bảo tàng Gia Lai như hiện tại, mà có lần Báo Gia Lai đã nói đến, nó không tương xứng với “tiềm năng” bảo tàng của một vùng đất chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa tồn tại qua bao đời. Theo Báo Gia Lai mới đây thì hàng nhiều trăm hiện vật quý giá được sưu tầm, lập hồ sơ lý lịch để rồi... bỏ kho, bởi không có nơi để trưng bày phục vụ công chúng. Đó là chưa nói đến có sự quan tâm hay chưa trong việc đầu tư kinh phí, xây dựng hạ tầng, công tác điều tra, sưu tầm hiện vật... có thể trả lời là có, nhưng nói là “được quan tâm” thì cần đánh giá lại. Vấn đề còn chưa nói đến là, những việc đã làm tuy không nhiều nhưng cũng tốn không ít kinh phí, làm xong rồi thì việc bảo vệ, khai thác đến đâu, có hay không sự xuống cấp và hiệu quả khai thác kém... Đã không dưới đôi lần người viết bài này nhắc đến lời dạy của Bác Hồ nói về bảo tàng, đó là: “Bảo tàng là cuốn sử sống lưu truyền mãi mãi, là trường học tốt để giáo dục lâu dài cho các thế hệ...”, liên hệ lại chúng ta đã ứng xử như thế nào với “cuốn sử sống...”?

Gia Lai là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa và kháng chiến, vùng đất từ xưa được anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi dựng nghiệp, để lại nhiều di tích quý giá, đã được các cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp hạng, nhưng “xếp” rồi để đó. Rồi những địa phương, những vùng đất cha ông chúng ta chọn làm nơi đặt căn cứ trong các thời kỳ kháng chiến cứu nước, sau hơn 40 năm giải phóng, những nơi ấy bây giờ nhiều hạng mục đã trở thành phế tích. Trong khi người viết bài này khẳng định trên đất nước ta nhiều địa phương đã ý thức được điều “đền ơn đáp nghĩa” đối với quá khứ rất hiệu quả, biến các di tích lịch sử được đầu tư trùng tu, tôn tạo, vừa phục vụ cho việc tuyên truyền, giáo dục các thế hệ về lịch sử cách mạng bằng trực quan sinh động, lại thu được một phần lệ phí từ khách tham quan du lịch.

Nói như trên, có nghĩa là công tác bảo tồn cũng chịu chung số phận với “người anh em” bảo tàng. Có phải thật sự khó khăn về kinh phí? Với một Gia Lai, về kinh tế thì hàng năm đều tăng trưởng khá cao, bình quân trong nhiệm kỳ XIV và “đến năm 2015 đạt 12,81%, quy mô nền kinh tế được mở rộng”-(Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV). Ngân sách thu hàng năm đạt khá và thu nhập bình quân đầu người cũng ở tầm trung bình của khu vực và cả nước. Nói như vậy để chứng minh rằng về kinh phí không đến nỗi khó khăn bế tắc. Đấy là chưa nói đến việc vận dụng chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư, khai thác...

Những vấn đề nêu trên mang tính chất góp ý, xây dựng, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan, mong sự chia sẻ và quan tâm của mọi người, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên trong ngành chức năng, các đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV sắp tới.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm