Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Công tác "Đền ơn đáp nghĩa": Nhân văn, thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày tháng 7 này, cùng với cả nước, Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đây là dịp để mỗi người thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Lịch sử tỉnh ta ghi nhận sự đóng góp của gần 66.000 người có công với cách mạng, trong đó có 28.831 người hoạt động kháng chiến, 14.530 người có công với cách mạng, 9.583 gia đình liệt sĩ, 5.214 thương binh, 4.006 bệnh binh, 3.409 người bị nhiễm chất độc hóa học, 213 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 96 cán bộ tiền khởi nghĩa, 21 cán bộ lão thành cách mạng, 9 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 12.000 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng và 15 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống.

Tri ân bằng cả tấm lòng

Trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), tỉnh đã tổ chức 17 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh dẫn đầu đến thăm hỏi, tặng quà tại 85 gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Đón nhận sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ông Huỳnh Xuân Hương (tổ 6, thị trấn Đak Đoa) không giấu được sự xúc động.

Ông Hương chia sẻ: “Những năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tôi bị nhiễm chất độc hóa học. Khi đất nước thống nhất, tôi trở về với cuộc sống đời thường, xây dựng gia đình nhưng không thể có con. Vợ chồng tôi bèn nhận con nuôi. Những tưởng tuổi già có thể nhờ cậy nhưng rồi cháu bị tai nạn giao thông qua đời, để lại 2 con thơ dại. Mỗi dịp lễ, Tết, lãnh đạo tỉnh, huyện đều đến thăm hỏi, tặng quà. Đây là niềm an ủi, động viên rất lớn đối với gia đình tôi”.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (bìa trái) thăm, tặng quà thương binh Lê Văn Trữ (phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Hải
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (bìa trái) thăm, tặng quà thương binh Lê Văn Trữ (phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Hải


Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể luôn quan tâm chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ngoài những món quà của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã trích kinh phí để thăm hỏi, tặng quà và tổ chức các hoạt động tri ân.

Việc tổ chức giúp đỡ người có công và thân nhân bằng nhiều hình thức đã góp phần cải thiện đời sống các gia đình chính sách. Đến nay, trên 98% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được phụng dưỡng đến cuối đời.

Những năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa được xã hội hóa và ngày càng lan tỏa sâu rộng. Trong 10 năm qua, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã tiếp nhận hơn 30 tỷ đồng. Với nguồn quỹ này cùng 77,2 tỷ đồng từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những tấm lòng hảo tâm, tỉnh đã xây mới và sửa chữa hơn 1.450 ngôi nhà tặng các đối tượng chính sách.

Đề án hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã “tiếp sức” cho trên 2.000 hộ có công với nước. Ngoài ra, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã tặng 335 sổ tiết kiệm cho gia đình người có công với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc xác nhận, giải quyết hồ sơ người có công cũng được chú trọng thực hiện. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết chi trả chế độ trợ cấp một lần cho 19.442 đối tượng với hơn 55,3 tỷ đồng.

Mặt khác, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh luôn dành tâm huyết cho hoạt động tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Tính đến giữa tháng 7-2020, toàn tỉnh có gần 2.600 mộ liệt sĩ được quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ.

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tỉnh (Ban chỉ đạo 515) và Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tỉnh (Ban chỉ đạo 24) cho rằng: “Giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh là trách nhiệm và tình cảm của mỗi cán bộ, người dân với thế hệ cha anh đi trước vì nền độc lập của dân tộc”.

Nhờ thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với sự tri ân của toàn xã hội, những thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhiều thương-bệnh binh đã nỗ lực vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi, không những làm giàu cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (bìa trái) thăm hỏi thương binh Nguyễn Tiến Cường (thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah). Ảnh: Trần Dung
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (bìa trái) thăm hỏi thương binh Nguyễn Tiến Cường (thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah). Ảnh: Trần Dung


Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Chúng ta tự hào với những kết quả đạt được nhưng trách nhiệm vẫn còn rất nặng nề. Chăm sóc người có công không chỉ là đạo lý truyền thống mà còn là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa nhân văn sâu sắc”.

Theo bà Rcom Sa Duyên, trách nhiệm của ngành trong thời gian đến là tập trung giải quyết tốt chính sách cho người có công với cách mạng, xử lý hồ sơ tồn đọng, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng”; đồng thời khẩn trương thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Bà Rcom Sa Duyên cho biết, là đơn vị thường trực thực hiện chính sách người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các giải pháp cụ thể để tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.

Cùng với đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân theo quy định, tạo điều kiện cho các gia đình chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thăm hỏi, động viên bà Vũ Thị Thốn (thân nhân liệt sĩ ở tổ 1, phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thăm hỏi, động viên bà Vũ Thị Thốn (thân nhân liệt sĩ ở tổ 1, phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung


Về việc cập nhật cơ sở dữ liệu tại các nghĩa trang liệt sĩ vào phần mềm quản lý mộ liệt sĩ của tỉnh để đưa lên Cổng thông tin điện tử quốc gia nhằm phục vụ nhân dân và các tổ chức tra cứu thông tin, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 2.500 mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính, ngoài ra còn có 2.066 trường hợp đã lập hồ sơ nhưng còn thiếu giấy tờ, chưa giải quyết chế độ. Thời gian tới, Sở phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt và thân nhân liệt sĩ để phục vụ công tác giám định gen, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo 515 tỉnh-chia sẻ: Khi hài cốt liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang tức là hành trình trở về với gia đình của liệt sĩ mới được một nửa, nửa chặng đường còn lại là kết nối thông tin liệt sĩ với gia đình. Tuy nhiên, điều này vô cùng khó khăn, vì thời gian đã xóa đi nhiều manh mối, nhân chứng sống ngày một ít, việc điều tra, thẩm định gặp nhiều bất cập.

“Dù khó, đơn vị vẫn tiếp tục cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nỗ lực triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Đến thời điểm này, đơn vị đã giám định ADN được 52 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong 12 trường hợp lấy mẫu sinh phẩm theo đề nghị của gia đình để xét nghiệm thì có 4 trường hợp xác định được ADN cùng huyết thống”-Đại tá Phạm Mạnh Hùng cho biết.

Đối với các trường hợp đã lập hồ sơ nhưng thiếu giấy tờ chưa giải quyết được, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ này. Phấn đấu đến cuối năm 2020 giải quyết chi trả cho 70-80% đối tượng (tương đương 1.500 hồ sơ) còn tồn đọng; đến cuối năm 2021 cơ bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh.   

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm