Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Công tác phòng-chống tham nhũng tại Gia Lai: Nhiều kết quả tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng 9 tháng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới do Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức vào chiều 24-9, bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu còn tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục.
Những kết quả tích cực
Tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung phân tích những kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy đã nêu một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến công tác PCTN như: công tác điều tra, xét xử một số vụ án tham nhũng còn chậm; công tác quản lý bảo vệ rừng ở một địa phương bị buông lỏng; một bộ phận cán bộ, công chức còn tham nhũng vặt. Cùng với đó, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong PCTN chưa được nâng lên. Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu phân tích, đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN, đặc biệt là việc phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị để xảy ra tham nhũng.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.H
Theo báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy, trong 9 tháng qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị triển khai nghiêm những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác PCTN. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai 8 đoàn kiểm tra, giám sát và 2 đoàn kiểm tra theo chương trình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cùng với đó, cấp ủy Đảng các cấp đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp để kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng.
Nói về những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng chí Rah Lan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy-cho biết: So với cùng kỳ năm 2018, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, số vụ việc sai phạm giảm. Cụ thể, trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã triển khai 102 cuộc thanh tra hành chính tại 106 đơn vị; đến nay đã kết thúc và kết luận 78 cuộc tại 82 đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện số tiền sai phạm 10,88 tỷ đồng tại 56 đơn vị. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 7,97 tỷ đồng (đến nay đã thu hồi 6,5 tỷ đồng). Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm 19 tập thể và 86 cá nhân; chuyển 3 vụ có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra.
Một trong những giải pháp góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng là các cơ quan tố tụng đã tích cực điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Theo đó, Cơ quan Điều tra 2 cấp đã thụ lý 9 vụ với 24 bị can, trong đó đã khởi tố 5 vụ với 13 bị can. Viện Kiểm sát 2 cấp đã thụ lý 6 vụ với 17 bị can, trong đó đã truy tố 5 vụ với 16 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý giải quyết 7 vụ với 20 bị cáo. Công tác thu hồi tài sản và tiền do tham nhũng gây ra cũng được các cơ quan chú trọng; đến nay đã thu hồi được hơn 2 tỷ đồng, đạt hơn 56% thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Một vấn đề nổi cộm trong công tác PCTN được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị là trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa được nâng cao. Cùng với đó, việc giám định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng còn chậm; công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ rõ, nhiều địa phương liên tục xảy ra sai phạm nhưng chưa được khắc phục. Minh chứng là năm 2018, huyện Ia Pa xảy ra một số vụ phá rừng, trong đó có vụ vận chuyển lâm sản trái phép khi đi qua địa bàn huyện Kông Chro thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Thế nhưng, mới đây, các cơ quan báo chí tiếp tục xâm nhập một đường dây vận chuyển gỗ lậu về 1 doanh nghiệp trên địa bàn. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, để xảy ra tình trạng trên có phần buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở Ia Pa.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.H
Một trong những yếu tố khiến công tác PCTN còn hạn chế, tồn tại đó là việc giám định thiệt hại. Về vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Lâu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh-cho rằng: Trong 9 vụ án tham nhũng mà Công an tỉnh đang giải quyết thì có 7 vụ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Có nhiều đơn vị để mất rừng rất lớn như: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ... Tuy nhiên, trải qua nhiều đời lãnh đạo không bàn giao diện tích rừng bị mất nên công tác giám định để quy rõ trách nhiệm rất khó khăn. Để khởi tố được vụ án thì phải giám định được thiệt hại. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, công tác giám định rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố.
Cùng quan điểm này, đồng chí Đỗ Tiến Đông-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Có những tồn tại, hạn chế trong việc PCTN, cụ thể như việc lấn chiếm đất rừng ở đồi thông thuộc huyện Mang Yang đã diễn ra từ năm 2011. Chính quyền địa phương nhiều lần xử lý nhưng đến nay mới chỉ thu hồi được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn diện tích đất vẫn chưa thu hồi được. Việc thu hồi diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm ở các địa phương khác cũng vậy. Theo kế hoạch, từ năm 2017 đến năm 2019 phải thu hồi 30 ngàn ha rừng bị lấn chiếm, song đến nay việc thu hồi vẫn gặp nhiều khó khăn. Qua đó cho thấy, việc buông lỏng quản lý của các chủ rừng và chính quyền địa phương sẽ gây những hậu quả khó lường. Cùng với đó, hiện nay, Thanh tra tỉnh mới chỉ tập trung thanh tra một số vụ việc nổi cộm để xử lý, còn thanh tra chuyên ngành của các sở, ngành vẫn chưa vào cuộc tích cực để phát hiện và xử lý những sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.
Để công tác PCTN trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, đồng chí Trần Hữu Đức-Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh-cho rằng: Trước hết cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát cấp dưới. Đồng thời, phải xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để cấp dưới sai phạm. Công tác thanh tra việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cho thấy điều này. Thanh tra tỉnh chưa phát hiện sai phạm trong việc đấu thầu thuốc nhưng có sai phạm trong việc đấu thầu vật tư y tế, số tiền kiến nghị thu hồi là gần 2 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi ngành Y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang biểu dương một số kết quả mà cấp ủy, chính quyền các cấp đã đạt được trong công tác PCTN thời gian qua. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành thời gian tới cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt. Cùng với đó, Thanh tra tỉnh khẩn trương tiến hành thanh tra vụ vận chuyển lâm sản trái phép tại huyện Ia Pa mà các cơ quan báo chí vừa phát hiện; đề xuất biện pháp xử lý nghiêm các cá nhân và tập thể có liên quan. Cùng với đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Công an tỉnh sớm kết thúc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng. Lãnh đạo cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần phát huy tốt vai trò của mình, tích cực nêu gương, tăng cường kiểm tra, giám sát PCTN, qua đó góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch vững mạnh.
THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm