Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Công tác tổ chức, xây dựng Đảng ở Gia Lai: Hướng về cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng xã, phường, thị trấn và đảng viên từng bước được nâng lên; nội dung sinh hoạt chi bộ được đổi mới, có chuyển biến về chất lượng và đi vào nền nếp. Đây là kết quả sau hơn 3 năm triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu tại các thôn, làng, tổ dân phố theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy (gọi chung là cấp ủy cấp huyện) đã chỉ đạo các Đảng ủy xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu tại 38 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố. Ngoài ra, cấp ủy cấp huyện còn chỉ đạo lựa chọn thêm được 95 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố để xây dựng chi bộ kiểu mẫu của địa phương.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện đã quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch và phân công các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện, cấp xã phụ trách theo dõi, giúp đỡ từng chi bộ. Cách làm này đã giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chủ trương thí điểm xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố kiểu mẫu. Phương thức lãnh đạo, chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ này vì vậy có nhiều cải tiến, hiệu quả làm việc ngày càng cao, tính dân chủ được phát huy.
Kết quả nổi bật nhất là trong quá trình xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được cấp ủy cấp trên, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Đơn cử như chi bộ buôn Tơ Khế (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) đã lồng ghép tổ chức sinh hoạt định kỳ, chuyên đề để bàn bạc, giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn của thôn. Chi ủy phân công mỗi đảng viên phụ trách 16 hộ nghèo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó tìm cách giúp đỡ. Đặc biệt, thực hiện mô hình làm theo Bác, mỗi đảng viên trong chi bộ đóng góp 1 kg gạo/lần sinh hoạt đã giúp nhiều hộ nghèo trong thôn có gạo ăn khi giáp hạt.
 Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai khảo sát một số nội dung các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác rà soát, sàng lọc đảng viên. Ảnh: M.N
Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai khảo sát một số nội dung các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác rà soát, sàng lọc đảng viên. Ảnh: M.N
Ngoài ra, hệ thống chính trị buôn Tơ Khế còn tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động người dân triển khai mô hình trồng cây chanh không hạt, cây đinh lăng, mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với cây mì, mô hình nuôi heo rừng lai, dê bách thảo đạt hiệu quả. Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đời sống bà con trong buôn Tơ Khế ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Cuối năm 2015, buôn có 75 hộ nghèo nhưng đến nay chỉ còn 18 hộ. Cách làm hay của chi bộ buôn Tơ Khế đã được nhân rộng trong toàn Đảng bộ xã Ia Tul, trở thành điểm sáng của huyện Ia Pa.
Tương tự, chi bộ tổ dân phố 14 (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) vận động mỗi đảng viên tiết kiệm, đóng góp 1 triệu đồng/năm xây dựng quỹ được hơn 46 triệu đồng cho các hộ chính sách mượn đầu tư phát triển kinh tế, đến nay đã có 2 hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, chi bộ còn vận động nhân dân đóng góp hơn 170 triệu đồng và 120 ngày công lao động xây dựng đường bê tông dài 530 m, làm sân nhà sinh hoạt cộng đồng 120 m2, vận động các đoàn thể như: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi tiết kiệm xây dựng quỹ cho các hội viên vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hoạt động của các chi hội đã góp phần thu hút, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp quần chúng tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương và xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Tiếp tục khắc phục hạn chế, tồn tại
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ  trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố kiểu mẫu vẫn còn một số hạn chế. Đó là, một số cấp ủy, chi bộ, đảng viên chưa dành nhiều thời gian, công sức để tập trung chỉ đạo, xây dựng và củng cố chi bộ dẫn đến chất lượng sinh hoạt còn có mặt hạn chế. Đặc biệt, các chi ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ hạn chế về trình độ, năng lực nên việc nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí mô hình chi bộ kiểu mẫu còn chưa sát thực tế. Một số trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên đã phần nào ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và năng lực lãnh đạo của các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa, địa bàn huyện có 156 thôn, làng, tổ dân phố nhưng chỉ mới có 38 người là đảng viên giữ chức vụ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chiếm tỷ lệ 24,3%. Bí thư Huyện ủy Đak Đoa cho rằng, tất cả các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đều có nhiều năm sống gắn bó với cộng đồng dân cư, được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm bầu ra nhưng đa số đã lớn tuổi, thiếu những tiêu chuẩn cần thiết để kết nạp vào Đảng. Do không phải đảng viên nên quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của thôn, làng, tổ dân phố của đội ngũ cán bộ này gặp nhiều khó khăn; không được trực tiếp tham gia bàn bạc, thảo luận tại các cuộc họp chi bộ đề ra nghị quyết lãnh đạo nên không tránh khỏi hạn chế, lúng túng. Trong khi đó, một số đảng viên trẻ có năng lực nhưng lại có tư tưởng ngại khó nên khi được chi bộ giới thiệu đảm nhiệm chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thì đùn đẩy, né tránh.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện tham mưu để Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy xã, thị trấn xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đảng viên trẻ nhằm tạo nguồn cán bộ cho chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Đồng thời, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến từng cấp ủy xã, thị trấn và chi bộ thôn lựa chọn những đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất chính trị, trách nhiệm và uy tín để giới thiệu chức danh này”-ông Thọ nêu giải pháp. 
Còn tại thị xã An Khê, Bí thư Thị ủy Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng: Cần có những tác động để nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy chi bộ thôn, làng, tổ dân phố. Ngoài việc tập huấn chuyên đề đối với Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, Thường trực Thị ủy còn thường xuyên tổ chức đối thoại lắng nghe những ý kiến trao đổi về nhiệm vụ và các vấn đề liên quan. Kết quả rà soát cho thấy, công tác xây dựng Đảng của các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn thị xã An Khê không chỉ yếu ở thôn, làng, tổ dân phố mà còn hạn chế ở cả các cơ quan, đơn vị trong khối nhà nước.
“Năm 2019, chúng tôi tiếp tục phân công Thị ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy tham gia sinh hoạt để nhắc nhở, chấn chỉnh những đơn vị này quan tâm hơn đến công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, chúng tôi định hướng ngay từ đầu về nhân sự bí thư chi bộ là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Việc giới thiệu nhân sự này phải được sự tín nhiệm cao trong nhân dân”-Bí thư Thị ủy An Khê nêu phương hướng.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm