Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Công tác xây dựng Đảng nhìn từ Đại hội XIII

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh.

 Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: THẾ GIỚI & VIỆT NAM
Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Thế giới & Việt Nam

Cùng với đó là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng-chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, do đó tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân.

Ông Bùi Đình Thi-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ-chia sẻ: Công tác xây dựng Đảng về đạo đức tiếp tục là điểm nhấn rất quan trọng được Đại hội XIII bổ sung và khẳng định. Bởi điều đó quyết định sức sống, sức chiến đấu của Đảng, làm cho mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” trở nên sáng rõ, hài hòa và bền vững, gắn bó chặt chẽ với nhau nhất là trong điều kiện hiện nay. Việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức là cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày.

Đề cập công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực cho rằng, qua thực tiễn của nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh: Ngay sau Đại hội XIII, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng đối với công tác này; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng-chống tham nhũng, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật đi đôi với xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ, đảng viên “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp. Mặt khác, có cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì phát triển.

Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, tăng cường kiểm tra, giám sát là giải pháp quan trọng góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Đảng, chính quyền để đảm bảo kịp thời sự đồng bộ trong các quy định và hướng dẫn thực hiện.

Liên quan đến việc củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh nêu: Cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sát với thực tiễn, có tính thuyết phục cao; thường xuyên sâu sát, gần gũi, nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong Nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền và giải quyết phù hợp, kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị, động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

 

 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm